Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1045
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Nghiên cứu xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo Hải sâm đen tại vùng biển Hải Phòng (15/11/2017)

Đây là đề tài do Th.S Nguyễn Văn Hiếu cùng các cộng sự Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện, được Hội đồng KH&CN thành phố đánh giá và xếp loại xuất sắc với 90.6 điểm vào ngày 9/11.

Thông qua đánh giá đặc điểm sinh học sinh sản của Hải sâm đen, tổng hợp các nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản đã xây dựng thành công quy trình sinh sản nhân tạo loài động vật này tại vùng biển Hải Phòng.

Theo đó, quy trình sinh sản nhân tạo Hải sâm đen gồm các bước: tuyển chọn và nuôi dưỡng Hải sâm bố mẹ, kích thích sinh sản, thu và ấp trứng, ương nuôi ấu trùng.

Hải sâm con giống 20 mm

Kỹ thuật nuôi vỗ thành thục Hải sâm bố mẹ được thực hiện trong bể xi măng với mật độ 3 con/m2, sau 20-30 ngày, có tỉ lệ thành thục trung bình đạt 56,7% với tỉ lệ sống Hải sâm bố mẹ là 96,6%. Kích thích sinh sản nhân tạo bằng phương pháp sốc nhiệt (tăng so với môi trường bể nuôi là 40C) cho tỷ lệ đẻ trung bình đạt 60,3%. Trứng Hải sâm được ấp trong điều kiện môi trường nước thích hợp (độ mặn 3‰), với mật độ 1.000 trứng/lít đạt tỷ lệ nở 88,4% sau 24 giờ.

Mật độ ương nuôi ấu trùng Hải sâm giai đoạn trôi nổi thích hợp và hiệu quả nhất là 200 con/lít ở độ mặn 3‰, thời gian nuôi khoảng 15-17 ngày đạt tỷ lệ sống trung bình là 63,8%. Tương tự, mật độ ương nuôi ở giai đoạn ấu trùng xuống đáy với mật độ 10.000 con/m2 giá thể, sau 15-17 ngày ương nuôi, ấu trùng sẽ biến thái hình thành con non. Nuôi con non lên con giống kích thước 20mm trong thời gian 40 ngày. Kết quả thử nghiệm nuôi con giống ở môi trường tự nhiên tại Vạn Bội - Cát Bà đạt tỷ lệ tăng trưởng khối lượng trung bình là 12,5 g/tháng, tăng trưởng chiều dài đạt 30 mm/tháng, tỷ lệ sống sau 132 ngày nuôi đạt 51,3%.

Thành công của quy trình sinh sản nhân tạo giống Hải sâm và thử nghiệm nuôi sinh thái con giống nhân tạo trong môi trường tự nhiên tại Cát Bà góp phần phục vụ nhu cầu nuôi thương phẩm, đồng thời giảm tải áp lực khai thác nguồn lợi từ tự nhiên.

Hoàng Dũng