Chuyên mục

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến:  5679
Hôm nay:  7488
Tổng truy cập:  856,334

TỔ CHỨC KH&CN THUỘC SỞ

Tin chuyên mục : Tin hoạt động

10 sự kiện Khoa học và Công nghệ Việt Nam nổi bật năm 2018 07/01/2019

Chiều 25/12, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2018 thuộc các lĩnh vực cơ chế chính sách, khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu ứng dụng, hội nhập quốc tế, tôn vinh nhà khoa học. 

Đây là năm thứ 13 sự kiện bình chọn này được tổ chức.

Phát biểu tại lễ công bố, nhà báo Hà Hồng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2018 là kết quả bình chọn của các nhà báo viết về lĩnh vực khoa học và công nghệ thuộc gần 20 cơ quan báo chí trung ương, địa phương.

Năm 2018, Câu lạc bộ đã có nhiều đóng góp cho công tác truyền thông khoa học và công nghệ. Đây là cầu nối giữa các nhà báo với các bộ, ngành, Viện, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học-công nghệ. 

Việc đánh giá bình chọn dựa trên cơ sở khách quan, thể hiện sự ghi nhận, và tôn vinh của xã hội thông qua góc nhìn của các nhà báo chuyên theo dõi lĩnh vực khoa học và công nghệ. 

Cụ thể 10 sự kiện được bình chọn như sau: 

1. Hệ tri thức Việt số hóa chính thức được vận hành

Hệ tri thức Việt số hóa là đề án đã được chính thức khởi động dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. 

Với mục tiêu “Chia sẻ tri thức - Cổ vũ sáng tạo - Kết nối cộng đồng - Vì tương lai Việt Nam,” Hệ tri thức Việt số hóa được thiết lập để hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ tri thức tổng hợp trong mọi lĩnh vực, góp phần thúc đẩy và tạo điều kiện để mọi người học tập, làm chủ tri thức, tăng cường nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ, thúc đẩy phát triển đất nước. Đây được xem là nền tảng kiến tạo những cơ hội lớn, thực tiễn cho phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam

Giao diện của Hệ tri thức Việt số hóa. (Ảnh chụp màn hình)

2. Công trình “cấu trúc polymer và cơ chế hoạt động xúc tác tạo H2 của molybdenum sulfide vô định hình”

Đây là đề tài được tiến sỹ Trần Đình Phong, Trưởng khoa Khoa học cơ bản và Ứng dụng, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, cùng nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu thành công. Đề tài được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửunăm 2018. 

Nghiên cứu của tiến sỹ Phong và cộng sự đã chứng minh thành công cấu trúc và cơ chế hoạt động của molybdenum sulfide vô định hình, một loại vật liệu dễ chế tạo với giá thành thấp có khả năng thay thế bạch kim cho phản ứng điều chế nhiên liệu sạch H2 từ nước.

Nghiên cứu của Tiến sỹ Phong là một bước tiến quan trọng trong “cuộc chạy đua” tìm ra giải pháp về năng lượng và cắt giảm khí thải CO2 ra môi trường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (trái), Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh (phải) và ba nhà khoa học xuất sắc. (Ảnh: Bộ KHCN)

3. Hệ thống tính cước thời gian thực của Viettel đoạt giải vàng kinh doanh quốc tế

Phần mềm vOCS 3.0 của Viettel được ban giám khảo đánh giá cao về sự sáng tạo, tác động đến số người sử dụng lớn. Hiện phần mềm vOCS 3.0 của Viettel đã được đưa vào sử dụng tại 11 nước trên thế giới với 170 triệu thuê bao di động và dung lượng mỗi site có thể đáp ứng lên đến 100 triệu thuê bao.

Tính ưu việt nhất của phần mềm là khả năng thiết kế cho mỗi khách hàng một gói cước từ đó mở ra cơ hội ứng dụng vOCS 3.0 ra nhiều nước trên thế giới.

(Nguồn: Viettel)

4. Máy làm đá tuyết từ nước biển phục vụ bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ

Đây là kết quả của đề tài nghiên cứu do thạc sỹ Lê Văn Luân và cộng sự thực hiện. Đề tài đã được nghiệm thu loại xuất sắc và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản. 

Máy làm đá tuyết từ nước biển được chế tạo dựa trên các nguyên vật liệu có khả năng chịu ăn mòn của nước biển. Nước sử dụng có thể dễ dàng lựa chọn và điều chỉnh độ đậm đặc của sản phẩm đá tuyết theo nhiệt độ xác định. So với đá tuyết nước truyền thống, đá tuyết làm từ nước biển là hỗn hợp giữa tinh thể đá nhỏ và nước, được duy trì trong dải nhiệt độ từ - 6 độ C đến -2 độ C, có thể bơm được từ buồng tạo đá lỏng đến các bồn lưu trữ hoặc ngăn bảo quản cá trên tàu.

Dùng đá tuyết bảo quản hải sản giúp thời gian bảo quản cá trên tàu lâu hơn nhờ nhiệt độ bảo quản thấp hơn đá nước ngọt, tốc độ làm lạnh hải sản nhanh hơn, làm tăng chất lượng của hải sản, giảm thiểu lượng hải sản bị hư hỏng, hủy bỏ, góp phần bảo vệ môi trường.

Sản phẩm máy làm đá tuyết từ nước biển của Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

5. Vingroup ra mắt Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ ứng dụng

Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ ứng dụng có mục tiêu tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, robotics, tự động hóa, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, nguyên liệu thế hệ mới. Đây là hoạt động đầu tư lĩnh vực khoa học và công nghệ có ý nghĩa của một doanh nghiệp lớn.

Giáo sư Vũ Hà Văn chia sẻ về Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng. (Nguồn: CTV/Vietnam+)

6. Nhà máy sản xuất thiết bị điện công nghệ cao Á Châu

Sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lĩnh vực sản xuất, tích hợp - phát triển, quản lý vận hành, giám sát tự động hóa hệ thống năng lượng khi Việt Nam trở thành một trong hai quốc gia trên toàn thế giới có doanh nghiệp được ký kết hợp tác toàn diện và chuyển giao công nghệ cao.

7. Các hoạt động quốc tế về cách mạng công nghiệp lần thứ Tư diễn ra tại Việt Nam

Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. 

Diễn đàn phục vụ việc xây dựng các chủ trương, chính sách của Việt Nam tham gia chủ động, hiệu quả công nghiệp 4.0, tuyên truyền cho cộng đồng xã hội về cách mạng công nghệ lần thứ Tư, tạo cơ hội tìm hiểu, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghệ nhất là công nghiệp 4.0. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

8. Giáo sư Đàm Thanh Sơn nhận Giải thưởng Dirac 2018

Ngày 8/8/2018, Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (ICTP) trao giải thưởng vật lý Dirac 2018 cho giáo sư Đàm Thanh Sơn cùng với hai nhà vật lý Subir Sachdev (Đại học Harvard) và Xiao-Gang Wen (Viện Công nghệ Massachusetts) đã tìm ra các định cơ học lượng tử ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của các pha mới của vật chất và làm rõ quá trình chuyển tiếp giữa các pha khi những yếu tố tác động bên ngoài như nhiệt độ và áp suất thay đổi.

Giáo sư Đàm Thanh Sơn. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

9. Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp được vinh danh là nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới

Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp được vinh danh “nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” tại Pháp bởi những đóng góp cho ngành y tái tạo. Nhóm nghiên của của Tiến sỹ Hiệp mong muốn thu được một sản phẩm có thể dán ngay lập tức lên tất cả các loại vết thương, giúp loại bỏ vi khuẩn và thúc đẩy sự tái tạo mô nhanh.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp giới thiệu kết quả nghiên cứu sản phẩm sinh học của mình. (Ảnh: Linh Hương/TTXVN)

10. Phát hiện di tích cư trú của người tiền sử tại hang động núi lửa ở Krông Nô, Đắk Nông

Qua quá trình khai quật khảo cổ học tại khu vực hang động núi lửa Krông Nô (tỉnh Đăk Nông), lần đầu tiên, giới khoa học Việt Nam đã phát hiện ra các di tích cư trú và di cốt của người tiền sử trong các hang động núi lửa; từ đó, bổ sung một loại hình cư trú mới, một kiểu thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ basalte Tây Nguyên.

Một số hiện vật thu được sau quá trình khai quât. (Ảnh: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam)

Nguồn: Lý Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)

Cập nhật: 25/12/2018

https://www.vietnamplus.vn/10-su-kien-khoa-hoc-va-cong-nghe-noi-bat-nam-2018/543926.vnp


Quản trị hệ thống tra cứu

 
 

DỮ LIỆU CÁC TRƯỜNG, VIỆN