Chuyên mục

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến:  1802
Hôm nay:  3686
Tổng truy cập:  957,337

TỔ CHỨC KH&CN THUỘC SỞ

Tin chuyên mục : Tin hoạt động

Hội thảo khoa học “Thạch cao PG-Vật liệu xanh tương lai” 22/04/2024

Sáng 17/4, Công ty Cổ phần DAP - Đình Vũ phối hợp với Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) tổ chức Hội thảo “Thạch cao phospho (PG) -Vật liệu xanh tương lai”. Dự Hội thảo, về phía Trung ương có các đồng chí: Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng; Nguyễn Tiến Tài, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) các ngành Kinh tế - Kỹ thuật (Bộ KH&CN); Hoàng Hữu Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng); Nguyễn Quang Hiệp, Viện Trưởng Viện Vật Liệu xây dựng. Về phía thành phố có các đồng chí: Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN cùng đại diện các cơ quan, Ban ngành thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học từ các Viện nghiên cứu, trường Đại học và đại diện từ các doanh nghiệp liên quan.

Giám đốc Sở KH&CN Trần Quang Tuấn phát biểu tại Hội nghị.

Xử lý chất thải phospho từ quá trình sản xuất phân bón DAP tại nhà máy DAP - Đình Vũ là một dự án quan trọng, thu hút sự quan tâm của cả lãnh đạo Chính phủ và chính quyền thành phố Hải Phòng do tác động tiêu cực của chất thải này đối với môi trường và tạo ra sự lo ngại trong cộng đồng dân cư. Mặc dù đã có nhiều phương án xử lý chất thải phospho từ thạch cao được đề xuất nhưng chưa đạt được hiệu quả đáng kể.

Tiến sĩ, Phó Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng Lưu Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị.

Tháng 11/2023, Viện Vật liệu xây dựng, Công ty Cổ phần DAP - Đình Vũ và Công ty Cổ phần Đình Vũ Xanh được UBND thành phố giao thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm bã thải thạch cao phospho của Nhà máy phân bón DAP-Đình Vũ sản xuất phụ gia xi măng, vật liệu làm nền và móng đường giao thông, vật liệu san lấp công trình xây dựng theo công nghệ trộn khô, tạo hạt nhằm hoàn thiện công nghệ xử lý bã thải thạch cao phospho của Nhà máy phân bón DAP - Đình Vũ sản xuất phụ gia xi măng, vật liệu làm nền và móng đường giao thông, vật liệu san lấp các công trình xây dựng. Với lượng bã thải thạch cao tồn chứa lớn như hiện nay,Giám đốc Sở KH&CN cho biết thành phố chủ trương đa dạng hóa thêm các phương án trong việc xử lý, chế biến, sử dụng, tiêu thụ thì mới có thể giải phóng được hết lượng bã thải hiện nay.

Theo báo cáo của nhóm thực hiện dự án, đến nay Viện Vật liệu xây dựng đã nghiên cứu, khảo sát, lấy mẫu và đánh giá bã thải thạch cao phospho; Đánh giá khả năng tạo hạt và pH của PG trên hệ thống viber VMPC25 năng suất 500kh/h; Nghiên cứu làm phụ gia xi măng, nghiên cứu làm vật liệu san lấp, mua thiết bị tạo hạt ABE Iron work. Dự kiến kế hoạch triển khai trong thời gian tới của nhóm nghiên cứu gồm: Ban hành dự thảo tiêu chuẩn vật liệu san lấp và vật liệu làm nền, móng đường từ PG tại các cấp; Hoàn tất các phần lắp đặt thiết bị tại vị trí mặt bằng của dây chuyền sản xuất.

Phát biểu tại Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN Trần Quang Tuấn nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc xử lý thạch cao phospho nhằm bảo vệ môi trường, hướng đến chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và cho biết “Việc giải quyết dứt điểm tồn đọng bã thải thạch cao PG tại Công ty Cổ phần DAP - Đình Vũ không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn góp phần cải thiện môi trường, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tới đầu tư tại Hải Phòng nhất là trong bối cảnh thành phố đang thực hiện Dự án Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, dự kiến kết nối với vành đai Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh”.

Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học và các chuyên gia cùng thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến xử lý bã thải Gyps, công nghệ xử lý bã thải Gyps thành thạch cao PG như: Tổng quan các quy định trên thế giới và Việt Nam về việc sử dụng các loại phế thải làm đường giao thông, vật liệu san lấp; Sử dụng thạch cao PG trong sản xuất xi măng ở Việt Nam; Giới thiệu dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam: Bã thải thạch cao PG làm vật liệu san lấp - Yêu cầu chung; Giới thiệu dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam: Bã thải thach cao PG làm móng đường giao thông - Yêu cầu chung; Vai trò của vật liệu dạng hat làm vật liệu san lấp và đắp nền đường; Sử dụng Viber Explorer xử lý thạch cao và vật liệu dạng bột.

Tiến sĩ Lưu Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, chủ nhiệm đề án cho biết: Sau một thời gian dài nghiên cứu kỹ lưỡng và áp dụng thử nghiệm tại một số tuyến đường, công trình tại Hải Phòng và một số địa phương khác cho thấy việc xử lý bã thải thạch cao phospho của nhà máy phân bón DAP-Đình Vũ  làm vật liệu làm nền và móng đường giao thông, vật liệu san lấp công trình xây dựng có tính khả thi cao” .

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phẩn DAP - Đình Vũ cảm ơn UBND thành phố, Sở KH&CN, các viện nghiên cứu, các nhà đầu tư đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ. Ông hy vọng sau khi dự án hoàn thiện sẽ có thêm hướng xử lý bã thải thạch cao phospho, tiến tới mục tiêu xử lý triệt để vấn đề này. 

Để kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được nhanh chóng ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn, Tiến sĩ Lưu Thị Hồng và các đại biểu tham gia Hội nghị đều thống nhất rằng cần sớm xây dựng và ban hành 02 Tiêu chuẩn quốc gia đối với thạch cao phospho làm vật liệu san lấp công trình xây dựng và Tiêu chuẩn quốc gia đối với thạch cao phospho làm nền và móng đường giao thông.

Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng Nguyễn Quang Hiệp phát biểu kết luận Hội nghị.

Tiến sĩ Lưu Thị Hồng cho biết thêm Viện Vật liệu xây dựng sẽ hoàn thiện 02 Dự thảo Tiêu chuẩn, dự kiến bắt đầu xin ý kiến chuyên gia trong 02 tháng (tháng 5 và tháng 6); Tiếp thu ý kiến và Họp nghiệm thu Bộ Xây dựng vào tháng 7; Hoàn thiện và gửi sang Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng vào tháng 8; Dự kiến nếu đủ điều kiện sẽ công bố Tiêu chuẩn nêu trên vào tháng 9/2024. 

Kết luận Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Viện Vật liệu xây dựng và Ban tổ chức, Viện trưởng Nguyễn Quang Hiệp cảm ơn các nhà quản lý, chuyên gia, đại biểu khách mời đã đóng góp nhiều ý kiến bổ ích tại Hội nghị. Viện trưởng mong muốn thời gian tới, Viện Vật liệu xây dựng tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ Xây dựng, Bộ KH&CN, UBND Thành phố Hải Phòng, các chuyên gia và đơn vị đối tác nhằm đẩy nhanh việc việc triển khai, thực hiện các nghiên cứu liên quan đến xử lý bã thải Gyps nói riêng, phế thải công nghiệp nói chung để làm vật liệu xây dựng, nhằm góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững./.

Hàn Vĩnh Tân (Sở KH&CN Hải Phòng)

http://hpstic.vn/news/Hoi-thao-khoa-hoc-Thach-cao-PG-Vat-lieu-xanh-tuong-lai-24329.html

 


Quản trị hệ thống tra cứu

 
 

DỮ LIỆU CÁC TRƯỜNG, VIỆN