Chuyên mục

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến:  500
Hôm nay:  74
Tổng truy cập:  953,725

TỔ CHỨC KH&CN THUỘC SỞ

Tin chuyên mục : Tin hoạt động

Hội thảo khoa học đề tài “Nghiên cứu, đánh giá vai trò, thực trạng của hệ sinh thái gò, đồi ngầm và đề xuất giải pháp duy trì, phục hồi hệ sinh thái vùng biển ven bờ Bắc Trung Bộ”, 25/07/2023

Ngày 11 tháng 7 năm 2023, Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước thuộc Chương trình 562: “Nghiên cứu, đánh giá vai trò, thực trạng của hệ sinh thái gò, đồi ngầm và đề xuất giải pháp duy trì, phục hồi hệ sinh thái vùng biển ven bờ Bắc Trung Bộ”, Mã số ĐTĐLCN.78/22, do PGS.TS. Nguyễn Văn Quân làm chủ nhiệm.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có PGS.TS Trần Văn Thụy, PGS.TS Nguyễn Xuân Huấn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN; TS. Lê Hùng Anh, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật; Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đại diện Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga; Đại diện Trường Đại học Vinh; Về phía Viện có GS.TS Đỗ Công Thung, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện; Ban chủ nhiệm đề tài, đại diện lãnh đạo các Phòng, đơn vị thuộc Viện và các cán bộ khoa học trong Viện

Thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài, PGS.TS Nguyễn Văn Quân, Chủ nhiệm đề tài, giới thiệu tóm tắt mục tiêu, nội dung, phạm vi và kế hoạch thực hiện của đề tài. Theo định nghĩa: gò, đồi ngầm (GĐN) phân bố ở vùng biển ven bờ là dạng địa hình luôn luôn ngập dưới mực triều thấp nhất trung bình nhiều năm (0m HĐ), cao từ vài mét đến vài chục mét so với đáy biển. Chúng có lịch sử hình thành và phát triển khác nhau có nguồn gốc từ đá gốc, có liên quan đến đá gốc lộ ngầm dưới biển hoặc trầm tích bở rời.... chịu tác động của động lực biển ven bờ. Hệ sinh thái GĐN có vai trò liên kết về mặt sinh thái học với các hệ sinh thái biển vùng lân cận, đồng thời tiềm năng đa dạng sinh học và nguồn lợi tại vùng biển nơi có gò, đồi ngầm phân bố là rất lớn. Thực trạng môi trường và điều kiện sinh thái GĐN vùng biển ven bờ đang bị chịu sức ép ngày càng tăng trước các sự cố môi trường từ các hoạt động mở rộng phát triển kinh tế - xã hội khu vực, đặc biệt từ các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển tại miền Trung đang phát triển rất nhanh chóng. GĐN vùng biển ven bờ Bắc Trung Bộ không chỉ có sự đa dạng về cấu trúc hình thái, đặc trưng động lực của khối nước mà còn có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái: cung cấp nguồn lợi thủy hải sản, duy trì nguồn gen, cung cấp nguồn dinh dưỡng tạo năng suất sinh học cao, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.... Cho tới nay, hiểu biết về hệ thống GĐN vùng biển ven bờ Bắc Trung Bộ mới chỉ dừng ở mức có những thông tin ban đầu hết sức cơ bản và thiếu đồng bộ với chức năng, vai trò của hệ đóng góp cho giá trị tài nguyên của vùng.

Trước thực trạng trên, Viện TN&MT biển đã được Bộ Khoa học và Công nghệ giao thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đánh giá vai trò, thực trạng của hệ sinh thái gò, đồi ngầm và đề xuất giải pháp duy trì, phục hồi hệ sinh thái vùng biển ven bờ Bắc Trung Bộ”. Kết quả của nội dung nghiên cứu này sẽ góp phần đánh giá một cách tương đối toàn diện, đầy đủ và cập nhật về phạm vi phân bố, đặc điểm địa hình, môi trường, động lực, đa dạng sinh học, nguồn lợi, nguồn giống hải sản và các chức năng, vai trò của hệ sinh thái gò, đồi ngầm vùng biển ven bờ Bắc Trung Bộ, làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các khu vực ưu tiên, các giải pháp sử dụng và quản lý bền vững nguồn lợi thủy sản nói riêng và tài nguyên đa dạng sinh học nói chung của hệ sinh thái biển ven bờ độc đáo này trong thời gian sắp đến. Bên cạnh đó, việc đề xuất các khu vực ưu tiên bảo vệ và giải pháp quản lý phù hợp sẽ góp phần thực hiện Điều 17 của Luật Thủy sản ngày 21/11/2017 về định hướng thiết lập các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và mục tiêu “Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia” theo Nghị quyết số 36 NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời phù hợp theo xu thế phát triển kinh tế bền vững dựa vào tự nhiên (nature-based economy) hoặc kinh tế xanh (blue economy) của thế giới.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã cùng thảo luận, trao đổi về các mục tiêu, phương pháp nghiên cứu, phạm vi và nội dung nghiên cứu của Đề tài, thống nhất rằng đây là đề tài trọng điểm của Chương trình 562, có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu khoa học ứng dụng, qua đó khẳng định được vị trí đầu ngành của Viện trong nghiên cứu khoa học biển hiện nay. Với đội ngũ nhân lực là các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực môi trường và đa dạng sinh học biển, hệ thống thiết bị được trang bị hiện đại, đồng bộ, các đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá cao và tin tưởng Đề tài sẽ hoàn thành vượt trội các sản phẩm  đã đăng ký ban đầu, kỳ vọng sẽ có nhiều phát hiện mới về các loài sinh vật biển đặc trưng, nhiều thông tin, cơ sở dữ liệu mới, quý, có giá trị cho nghiên cứu biển hiện nay và mở ra cho các nghiên cứu về gò, đồi ngầm sau này cũng như bổ sung tư liệu cho công tác giảng dạy tại các trưởng đại học trong nước

Thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài PGS.TS Nguyễn Văn Quân gửi lời cảm ơn và ghi nhận các ý kiến góp ý của các nhà quản lý và các nhà khoa học, khẳng định đây là những đóng góp quan trọng để Ban chủ nhiệm đề tài có được cái nhìn khách quan và chân thực hơn trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở các ý kiến đó, Ban chủ nhiệm sẽ có những định hướng tốt, để triển khai có hiệu quả các nội dung như trong thuyết minh đề tài, đáp ứng yêu cầu về mặt khoa học, thực tiễn và xây dựng các giải pháp chính sách phù hợp./.


Nguồn tin: CN. Phan Thị Thùy Vân, Viện Tài nguyên và Môi trường biển

 

Quản trị hệ thống tra cứu

 
 

DỮ LIỆU CÁC TRƯỜNG, VIỆN