Nghiên cứu nhân giống rong sụn (Kappaphycus alvarezii) bằng phương pháp nuôi cấy mô
Cơ quan chủ trì:
Viện nghiên cứu hải sản
Cơ quan chủ quản:
Bộ NN & PTNT
Cấp quản lý đề tài:
Quốc gia
Chủ nhiệm đề tài:
Đào Duy Thu
Lĩnh vực quản lý:
Khoa học tự nhiên
Thời gian bắt đầu:
12/01/2013
Thời gian kết thúc:
03/01/2017
Năm viết báo cáo:
2017
Nơi viết báo cáo:
Số trang:
104
Tóm tắt:
1) Mục tiêu của nhiệm vụ: Nghiên cứu nhân được giống rong sụn (Kappaphycus alvarezii) bằng phương pháp nuôi cấy mô.
2) Kết quả thực hiện:
Các dòng rong Sụn hiện có ở Việt Nam không khác nhau về chất lượng. Tuy nhiên so với trước đây, chất lượng rong Sụn hiện nay đã giảm đi về sinh trưởng và chất lượng carrageenan. Việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào cho nuôi cấy mô nên thực hiện ở Cam Ranh và Ninh Thuận trên tất cả các dòng rong hiện có.
Đề tài đã nghiên cứu xây dựng thành công qui trình nhân giống rong Sụn bằng phương pháp nuôi cấy mô. Qui trình cho tỷ lệ mẫu hình thành mô sẹo đạt >70%, tỷ lệ mô sẹo loại tốt chiếm 40-60%. Mô sẹo tốt sau khi cắt khỏi mẫu và cấy chuyển có thể tiếp tục cắt nhỏ để nhân nhanh số lượng mô sẹo. Tỷ lệ tạp nhiễm ở mẫu cấy ≤20% với đối tượng chủ yếu là vi khuẩn. Tất cả mô sẹo loại tốt đều tái sinh được thành vi mầm sau 10-30 ngày. Vi mầm sau khi chuyển sang môi trường lỏng cho tỷ lệ sống 90% và tạo ra tản rong hoàn chỉnh sau 30-45 ngày. Tản rong thích nghi trực tiếp ra ngoài tự nhiên đạt kích thước 4-5cm sau 60 ngày với tỷ lệ sống đạt trung bình khoảng 60%.
Rong Sụn nuôi cấy mô được kiểm chứng có tương đồng di truyền cao với rong Sụn giống thường (rong Sụn đang trồng hiện nay). Chất lượng rong Sụn giống nuôi cấy mô khi tiến hành sinh sản sinh dưỡng không khác biệt giữa bốn thế hệ khác nhau.
Rong Sụn nuôi cấy mô có tốc độ tăng trưởng là 2,47- 2,56%/ngày gấp 1,08-1,12 lần so với rong giống thường. Tuy nhiên, hàm lượng carrageenan ở rong Sụn giống nuôi cấy mô chiếm từ 45,75-46,75% trọng lượng rong khô sạch với sức đông của carrageenan từ ~690-712 g/cm2 và độ nhớt từ 130-135cPs tương đương với rong giống thường và đạt tiêu chuẩn làm rong nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến.
Đề tài đã tạo ra được khoảng 5 vạn tản rong bằng phương pháp nuôi cấy mô và trồng thử nghiệm ở qui mô 01ha. Kết quả sau 45 ngày trồng thu hoạch được 22,6 tấn tươi (3.190kg rong Sụn khô). Sản lượng này cao tương đương so với sản lượng trồng rong giống thường ở cùng mô hình nhưng thời gian và chi phí đầu tư giảm, khẳng định sử dụng rong nuôi cấy mô hiệu quả hơn so với rong giống thường.
Kết quả của đề tài đã được đăng trên 7 bài báo khoa học công nghệ trong nước, đăng ký 01 giải pháp hữu ích và đã đào tạo được 01 thạc sỹ và 01 kỹ sư chuyên ngành Công nghệ Sinh học.