Đánh giá hiện trạng và triển vọng ứng dụng công nghệ y học hạt nhân ở Việt Nam
Tóm tắt
Trong nghiên cứu này, các tác giả tổng hợp và phân tích kết quả điều tra thống kê trên quy mô toàn quốc giai đoạn 2017-2020 về trang thiết bị, nhân lực, số ca xạ hình và lượng dược chất phóng xạ của các cơ sở y học hạt nhân, từ đó đánh giá hiện trạng và triển vọng ứng dụng công nghệ y học hạt nhân ở Việt Nam, so sánh với mục tiêu quy hoạch đến năm 2020, làm cơ sở xây dựng quy hoạch giai đoạn 2021-2030. Kết quả điều tra thống kê chỉ ra rằng, đã có sự phát triển nhanh chóng mạng lưới y học hạt nhân ở Việt Nam trong giai đoạn thực hiện Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế đến năm 2020. Việt Nam với trên 97 triệu dân có tổng số 41 cơ sở y học hạt nhân, trong đó 36 cơ sở có thiết bị xạ hình, bao gồm 45 SPECT và SPECT/CT, 14 PET/CT, ngoài ra có 6 cyclotron tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và 1 lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu tại Đà Lạt; đã đạt gần 0,6 thiết bị xạ hình trên 1 triệu dân và 35% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cơ sở y học hạt nhân. Tổng số nhân lực y học hạt nhân ở Việt Nam ước tính khoảng 180 bác sỹ, 90 nhân viên vật lý y khoa và 190 kỹ thuật viên. Phân bố địa lý các cơ sở y học hạt nhân tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với 62% thiết bị xạ hình và 80% số ca xạ hình trong năm 2019. Mặc dù chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Quy hoạch chi tiết đến năm 2020, nhưng lĩnh vực ứng dụng công nghệ y học hạt nhân ở Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong giai đoạn 10 năm qua, đứng top 3 trong khối ASEAN. Cần thiết phải xây dựng một lộ trình phát triển mạng lưới y học hạt nhân trong tương lai với ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng, ứng dụng công nghệ hình ảnh lai ghép hiện đại và một chương trình sản xuất dược chất phóng xạ dựa trên cyclotron và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu để tích hợp trong Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.