Đa hình gen Fut1 và Tap1 ở một số giống lợn bản địa Việt Nam
Tóm tắt
Kết quả nghiên cứu cho thấy: đa hình gen FUT1, chỉ thu được 100% kiểu gen GG. Đối với đa hình gen TAP1, đã xác định được ba kiểu gen AA, AG, GG và hai alen A và G trong 26 giống. Trong đó, kiểu gen GG (có khả năng kháng mạnh vi khuẩn E. coli gây tiêu chảy ở lợn) xuất hiện với tần số cao ở nhiều giống lợn bản địa như CBT (82%), SDL (80%); kiểu gen AG xuất hiện với tần số cao nhất ở BBC (56%) và thấp nhất ở SDL (14%); kiểu gen AA có tần số cao nhất ở MC (60%), không xuất hiện ở bốn giống (HL, MT, CBT, DR). Alen G có tần số cao (>0,5) ở hầu hết các giống như HL (0,92), CBT (0,91), HCB (0,87), MT (0,81) ngoại trừ MC (0,20), VP (0,40), CAL (0,49). Tần số alen A chiếm thấp (<0,5) ngoại trừ MC (0,78), CAL (0,51). Kết quả giải trình tự gen FUT1 không phát hiện đột biến G/A ở vị trí M307, đã phát hiện đột biến mới thay thế nucleotide C/T cách vị trí M307 hai nucleotide và giải trình tự gen TAP1 đã xác định được đột biến điểm G/A ở vị trí G729. Ngoại trừ ba quần thể lợn SDL, OL, DR, tần số kiểu gen ở locus G729 gen TAP1 của các quần thể lợn còn lại đều ở trạng thái cân bằng Hardy-Weinberg.