Nghiên cứu ảnh hưởng kích thước mẫu cấy tới khả năng tái sinh chồi trực tiếp rong sụn Kappaphycus alvarezii (Rhodophyta, Solieriaceae) ở Việt Nam
Tóm tắt
Tóm tắt nội dung: Tái sinh chồi trực tiếp là kỹ thuật sinh học được sử dụng để tạo ra một số lượng lớn cây rong sụn non từ cây mẹ. Trong thí nghiệm này, rong sụn Kappaphycus alvarezii có kích thước 0,25-2 cm được nuôi trong môi trường PES, bổ sung 5 mg/l Indole-3-acetic acid (IAA) kết hợp 1 mg/l N6-benzyladenine (BA). Sau 60 ngày thí nghiệm, kích thước mẫu cấy có ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng tái sinh của rong sụn. Mẫu có kích thước 0,25 cm cho tỷ lệ sống và tái sinh thấp nhất (13,33±3,34%), lượng chồi trung bình đạt 3,08±0,14 chồi/mẫu với chiều dài chồi trung bình 1,16±0,56 mm. Mẫu có kích thước 0,75 cm cho hiệu quả tái sinh cao với thời gian hình thành chồi sớm nhất (sau 12 ngày nuôi cấy), tỷ lệ hình thành chồi đạt 83,33±3,34%, lượng chồi trung bình đạt 3,77±0,18 chồi/mẫu, chiều dài chồi trung bình 6,37±0,55 mm, tốc độ sinh trưởng đạt cao nhất 1,13±0,02%/ngày. Mẫu có kích thước 1,5 và 2 cm cho lượng chồi lớn nhất (8,05±0,32 ở mẫu 1,5 cm và 11,54±0,25 chồi/mẫu ở mẫu 2 cm), chiều dài chồi trung bình tương ứng đạt 1,45±0,27 và 1,21±0,12 mm, tốc độ sinh trưởng đạt 0,72±0,08% và 0,70±0,04%/ngày. Như vậy, mẫu kích thước 0,75 cm được xem là lựa chọn tốt nhất cho phương pháp nhân giống vô tính rong sụn K. alvarezii. Rong sau khi tái sinh chồi được chuyển sang bể ươm có mức độ thích nghi tốt với tỷ lệ sống 100% và tốc độ tăng trưởng đạt 1,79±0,32%/ngày.