Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1978
Tổng truy cập : 560,149

Chăn nuôi

Bệnh dại và biện pháp phòng, chống

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính chung cho nhiều loài gia súc và người do một vi rút hướng thần kinh gây ra. Bài viết giới thiệu nguyên nhân và con đường lây truyền bệnh, giới thiệu các triệu trứng gây bệnh và hướng dẫn biện pháp phòng, trị bệnh dại.


Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính chung cho nhiều loài gia súc và người do một vi rút hướng thần kinh gây ra, thường gây rối loạn thần kinh bắt đầu từ não và tủy sống. Vật bị bệnh thường điên cuồng hay bại liệt, tỉ lệ chết tới 100%

1. Nguồn bệnh

Ổ chứa vi rút dại trong thiên nhiên thường là loài động vật có vú hoang dã máu nóng như: chó sói, chó rừng, cáo trắng, cáo xám, chồn, dơi. 

Ở Việt Nam, chó là nguồn truyền bệnh dại chủ yếu (97%), ngoài ra có thể thấy ở mèo và một số loài động vật khác (3%).
2. Đường truyền lây

Vi rút từ động vật bị bệnh thường truyền trực tiếp sang người hay động vật khác qua vết cắn; có khi do tay, chân người hay gia súc bị tổn thương cơ giới, rồi vết thương đó bị nhiễm vi rút do nước bọt của chó dại bài thải ra môi trường; Vi rút cũng có thể xâm nhập qua niêm mạc mắt không bị tổn thương (nguyên lành).

3. Cách sinh bệnh

Vi rút sau khi xâm nhập vào cơ thể người hay động vật (qua vết cắn), vi rút không sinh sản ở vết cắn mà khư trú tại đó một thời gian để thích nghi, sau đó vi rút theo dây thần kinh về hạch rồi vào thần kinh trung ương (chủ yếu ở sừng a mông dưới bán cầu đại não).

Khi vào đến thần kinh trung ương, vi rút sinh sản rất nhanh, rồi theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt. Tại thời điểm này, cơ năng thần kinh chưa bị tổn thương đáng kể nên bề ngoài con vật vẫn bình thường, nhưng ở nước bọt đã có vi rút (trước khi có triệu chứng từ 2 - 14 ngày). Sau đó vi rút phá hủy dần các tế bào thần kinh, lúc đầu con vật bị kích thích rồi xuất hiện những biến loạn tâm lý, hung dữ hay sợ sệt rồi chuyển thành bại liệt và kết thúc bằng cái chết.
4. Triệu chứng

Thời kỳ ủ bệnh ở động vật thường từ 21 - 30 ngày sau khi con vật bị nhiễm vi rút, cá biệt có thể sớm từ 7 ngày và muộn có thể nhiều tháng tùy thuộc loài, độc lực của vi rút và vị trí vết cắn.

Thời kỳ ủ bệnh ở người thường từ 1 - 3 tháng (26 - 40 ngày) sau khi người bị nhiễm vi rút và có thể kéo dài hàng năm tùy thuộc tình trạng, vị trí, khoảng cách của vết cắn đến não bộ. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Bệnh dại thường thể hiện ở hai thể: thể dại điên cuồng và thể dại bại liệt. Thực tế hai thể trên thường lẫn lộn, xen kẽ hoặc nối tiếp nhau.

Ở CHÓ

* Thể dại điên cuồng: được chia làm 3 thời kỳ:

- Thời kỳ mở đầu (tiền lâm sàng): con vật thay đổi thói quen thường ngày, bỗng trở nên lo lắng, bứt dứt, giận dữ hay trái lại vật bỗng vui vẻ hơn, vồn vã hơn, quấn quýt lấy chủ, mắt sáng, tai vểnh lên. Vật vẫn ăn uống bình thường nhưng khẩu vị đã thay đổi.

- Thời kỳ kích thích (điên cuồng):

+ Chó thể hiện bằng những rối loạn về cảm giác và cơ năng: chạy lung tung, hoảng loạn, có khi vồ bóng, vồ mồi vô hình; con vật bỏ ăn, khó nuốt giống như có một cái xương vướng ở cổ họng, tỏ ra khát nước muốn uống nhưng không uống được; tiếng sủa, tiếng kêu khản đặc cuối cùng giống lên như một tiếng rú.

+ Chó bắt đầu chảy nước dãi, sùi bọt mép, tỏ vẻ bồn chồn, cảnh giác, sợ sệt (sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng, sợ tiếng động), cắn vu vơ, hay giật mình, đi lại không có chủ định, trở nên hung dữ, điên cuồng. Con vật chạy lung tung, bỏ nhà đi và thường không trở về nhà nữa. Trên đường đi gặp vật gì nó cũng cắn xé, ăn bừa bãi, tấn công các con vật khác kể cả người. Những cơn điên như thế nối tiếp, chó gầy sút rất nhanh rồi chuyển sang bại liệt.

 - Thời kỳ bại liệt:

Sau những cơn hung dữ và chạy lung tung, con vật lả đi; chó bại liệt, không nuốt được thức ăn, nước uống, trễ hàm, lưỡi thè ra, chảy nhiều nước dãi, chân sau liệt ngày càng rõ; đuôi thường cụp, bụng thóp lại do không ăn uống được; vật kiệt sức, suy sụp dần rồi chết.

Thông thường thể dại điên cuồng tiến triển trong khoảng từ 4 - 5 ngày và phần lớn chó bị chết.

* Thể dại bại liệt (dại câm):

Vật buồn bã từ đầu, thích nằm chỗ tối, chó thu mình một chỗ, hàm trễ xuống, lưỡi thè ra, nước dãi chảy tự do. Vật không cắn, không sủa được, chỉ gầm gừ trong họng gọi là dại câm. Thường chó bị liệt một phần cơ thể, nửa người hoặc 2 chân sau. Vật gầy sút nhanh chóng, nằm xuống lịm dần rồi chết.

Thường thể dại bại liệt chó chóng bị chết hơn thể dại điên cuồng. Phần lớn chó con bị bệnh thường hay mơn trớn, cắn hoặc liếm chân người, buồn bã, không ăn rồi chết.

Ở MÈO

Mèo bị bệnh thường buồn bã, tìm chỗ kín đáo nằm, bại liệt dần hoặc kêu luôn mồm, bứt dứt, nếu sờ vào thì lập tức bị nó cắn. Sau đó bệnh chuyển sang thể bại liệt. Dại ở mèo thường nguy hiểm vì khi cắn có vết thương sâu.  

5. Phòng bệnh

- Thông tin, tuyên truyền về tình hình bệnh dại, cách nhận biết chó, mèo nghi mắc bệnh dại và các biện pháp phòng chống; hướng dẫn người dân chủ động theo dõi, phát hiện, khai báo kịp thời cho chính quyền và cơ quan thú y về các trường hợp chó, mèo hoặc động vật khác nghi mắc bệnh dại để xử lý; người bị chó, mèo cắn phải đến ngay cơ sở y tế xử lý vết thương và điều trị dự phòng (tiêm phòng vắc xin dại), không chữa thuốc nam.

- Tổ chức quản lý chặt chẽ đàn chó nuôi trên địa bàn, yêu cầu chủ vật nuôi phải có sổ theo dõi, quản lý chó; chó nuôi phải khai báo đăng ký với chính quyền cơ sở để quản lý và tiêm phòng vắc xin dại theo quy định; không nuôi chó thả rông, khi đưa chó ra nơi công cộng phải có dây xích, đeo rọ mõm và có người dắt.

- Tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho 100% chó, mèo từ 1 tháng tuổi trở lên bằng vắc xin RABISIN hay Rabigen mono với liều 1ml/con, sau đó tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.

- Người bị chó, mèo cắn phải rửa ngay vết thương thật kỹ bằng xà phòng đặc dưới vòi nước chảy, dội rửa nhiều lần sau đó sát trùng bằng cồn Iodine.

+ Trường hợp người bị con vật lên cơn dại, nghi dại cắn; vết cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu các chi, bộ phận sinh dục, có nhiều vết cắn nguy hiểm, vết cắn sâu; chó bị chết hoặc bỏ nhà đi mất; khu vực người bị súc vật cắn đang có hoặc trước đó có súc vật bị dại thì phải đến ngay cơ sở y tế để điều trị dự phòng (tiêm kháng huyết thanh sớm trước 72 giờ sau khi bị súc vật cắn, tiêm phòng vắc xin dại).

+ Trường hợp vết cắn nhẹ, vết cắn xa thần kinh trung ương; tại thời điểm con vật cắn người, con vật đó vẫn sống bình thường, hoàn toàn không có dấu hiệu nghi mắc bệnh dại; khu vực người bị súc vật cắn không phát hiện có bệnh dại ở súc vật thì tiến hành theo dõi con vật cắn người trong vòng 15 ngày, nếu trong thời gian này con vật phát dại, nghi ngờ mắc bệnh dại, bị chết hoặc bỏ nhà đi mất thì người bị súc vật cắn phải đến ngay cơ sở y tế để điều trị dự phòng.

- Khi phát hiện chó, mèo có những biểu hiện bất thường, bỏ ăn hoặc ăn ít, sốt, hung dữ khác thường, cắn người thì báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc thú y cơ sở.

- Thường xuyên quét dọn vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi chó mèo, định kỳ phun thuốc sát trùng.

6. Điều trị

- Bệnh dại khi đã lên cơn thì không có thuốc điều trị kể cả người và động vật, tỉ lệ chết 100%.

- Súc vật bị dại, nghi bị dại phải tiêu hủy ngay, xử lý chôn sâu giữa 2 lớp vôi, tiêu độc khử trùng khu vực tiêu hủy và nuôi nhốt súc vật.


78551-ntm.00909_benh-dai-va-bien-phap-phong-chong.pdf