Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2085
Tổng truy cập : 560,294

Trồng trọt

Bệnh hại cây hành và cách xử lý

Giới thiệu một số nguyên nhân gây bệnh hại trên cây hành: do nguồn bệnh trong đất, làm đất chưa kỹ, bảo quản giống, cách bón phân, do thuốc hóa học... Đưa ra các cách xử lý để hạn chế bệnh hại: chọn giống tốt, làm đất, luân canh, bón phân, đảm bảo thời vụ, thường xuyên kiểm tra ruộng,...


1. Nguyên nhân

 Do nguồn bệnh hại tích lũy quá nhiều trong đất như nấm hạch, thối củ, lở cổ rễ... làm các loài vi sinh vật có ích trong đất mất khả năng kiềm chế nên dù đã chọn củ giống và chăm sóc tốt, hành vẫn bị bệnh.

 Do làm đất chưa kỹ, nhiều nơi chưa kịp để ải. Vệ sinh đồng ruộng và tiêu hủy tàn dư cây bệnh trên ruộng, ngay sau khi thu hoạch chưa kịp thời, triệt để nên tàn dư thân, lá, củ hành bị nhiễm bệnh tiếp tục trở thành nguồn bệnh lâu dài.

 Thời gian bảo quản hành giống quá dài (thường từ 7 - 8 tháng). Khi ở nhiệt độ cao, ẩm ướt... củ giống dễ bị thối hoặc bị nhiều loại sâu, bệnh phá hại.

 Do bón nhiều phân đạm, lân không cân đối, tưới nước không hợp lý dẫn đến cây hành dễ nhiễm bệnh; nhất là ở giai đoạn hành xuống dọc hình thành củ

 Do sử dụng nhiều thuốc hóa học, hoạt chất quá cũ, kém chất lượng, thuốc chỉ có tác dụng tiếp xúc, phun thuốc nhiều lần hoặc tăng liều lượng thuốc dẫn đến hình thành tính kháng thuốc của các loài vi sinh vật gây hại.

 Ngoài ra che phủ luống hành bằng rơm rạ ẩm ướt, chưa hoai mục cũng tạo điều kiện cho các nấm bệnh từ rơm rạ lây nhiễm sang cây hành.

2. Cách xử lý

 Cần chọn củ giống chắc, đáy tròn, không mọc rễ non, không bị sâu bệnh hại hoặc giập nát để trồng, xử lý củ giống bằng thuốc hóa học thích hợp.

 Luân canh hành với lúa hoặc cây trồng khác họ.

 Làm đất thật kỹ, phơi ải, lên luống cao, tránh để nước ứ đọng trên ruộng hành.

 Bón lót phân chuồng đã hoai mục (bình quân từ 5 - 8 tạ/ sào Bắc bộ), bón lót vôi bột nếu đất chua. Lựa chọn bón lót phân hữu cơ vi sinh để cung cấp các chất dinh dưỡng dễ tiêu và vi sinh vật có ích, kiềm chế các loài vi sinh vật gây bệnh.

 Đảm bảo thời vụ và mật độ trồng thích hợp phụ thuộc giống hành, vùng đất.

 Bón phân NPK cân đối và bổ sung phân trung,vi lượng hợp lý. Tăng cường kali, hạn chế bón đạm vô cơ khi bệnh xuất hiện và không bón phân thúc muộn.

 Thường xuyên kiểm tra ruộng hành nhất là trong thời kỳ mưa nhiều.Trong điều kiện trời âm u hoặc mưa ẩm, nhiều sương, nhiệt độ không khí thấp trên dưới 20 độ C, các bệnh sương mai, đốm khô lá hành dễ phát triển phá hại. Trái lại trong điều kiện mùa đông ấm, nhiệt độ cao hơn 25 độ C, các bệnh thán thư, thối gốc, lở cổ rễ, bệnh thối ướt vi khuẩn sẽ phá hại nặng hơn.

 Thường xuyên vệ sinh ruộng hành, tỉa bỏ lá bệnh, làm sạch cỏ, tiêu hủy tàn dư cây bệnh và chú ý tưới nước hợp lý để giảm độ ẩm trên ruộng hành.

 Phòng trừ bệnh hại cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng nồng độ (liều lượng), đúng lúc, đúng cách và đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch 7 - 14 ngày. Lựa chọn thuốc ít độc (nhóm độc 3 - 4) và thuốc hoạt chất mới, có tác dụng thấm sâu hoặc nội hấp để sử dụng (ví dụ Nativo 750WG là thuốc thế hệ mới, an toàn với môi trường và phòng trừ tốt các bệnh nấm hại hành).

 Thu hoạch hành chọn ngày nắng ráo. Khi để giống chú ý loại bỏ những củ bị sâu, bệnh hại hoặc bị giập nát, xây xát và không cắt lá khi hành chưa khô.

 Kho, giàn bảo quản hành giống đảm bảo luôn khô ráo, thông thoáng vì nhiệt độ cao và ẩm ướt là hai yếu tố cơ bản dẫn đến củ hành giống bị hao hụt và tạo cơ hội thuận lợi cho nhiều loài nấm, vi khuẩn tồn tại, phát triển để gây thiệt hại lớn cho cây hành trồng vụ sau.


9694-benh-hai-cay-hanh-va-cach-xu-ly.pdf