Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 8515
Tổng truy cập : 1,773,525

Chăn nuôi

Bệnh sán dây lợn và cách phòng, chống

Chia sẻ với bà con kinh nghiệm phòng trị bệnh sán dây lợn: triệu chứng lâm sàng của bệnh sán dây ở lợn; bệnh tích của bệnh sán dây ở lợn; cách phòng, trị bệnh sán dây trên lợn; tác hại của bệnh sán dây trên người và cách phòng bệnh


 

Sán dây ở lợn dài từ 1-3m, có thể tới 8m, cơ thể có từ 700-1000 đốt. Sán dây lợn là loài lưỡng tính (có cả cơ quan sinh dục đực và cơ quan sinh dục cái trong mỗi đốt sán). Đầu sán nhỏ, có 4 giác bám, có 2 vòng móc có từ 25-50 móc. Cổ sán mảnh và ngắn. Trứng sán hình tròn, vỏ dầy gồm có 2 lớp.

Chu kỳ phát triển của sán dây:Trứng sán theo đốt già rụng ra khỏi cơ thể vàra ngoài theo phân. Khi lợn ăn thức ăn nhiễm trứng sán, trứng sẽ vào ruột nở thành ấu trùng. Ấu trùng tại thành ruột non sẽ phát triển thành sán trưởng thành, còn ấu trùng chui theo hệ mạch máu, hoặc xuyên qua các lớp tổ chức để tìm đến ký sinh ở các cơ quan khác sẽ tạo kén gọi là "lợn gạo".

Tuổi thọ của sán dây lợn 20-30 năm, có thể rất lâu tới 70 năm.

1. Triệu chứng lâm sàng của bệnh sán dây ở lợn

Biểu hiện lâm sàng nặng hay nhẹ phụ thuộc vào mức độ nhiễm.

Động vật ăn ít, khát nước, phân từ bình thường chuyển sang nhão rồi lỏng, có lẫn máu và chất nhầy, trong phân có lẫn những đốt sán. Một số trường hợp thân nhiệt tăng, hay nằm, lười vận động. Con vật gầy yếu dần, lông xù và mất độ bóng.

Thiếu máu do thiếu dinh dưỡng thể hiện rất rõ ở màu sắc nhợt nhạt, xanh tái của niêm mạc.

Sán dây trưởng thành chiếm thức ăn, dẫn đến con vật kém hấp thu, chậm lớn và rối loạn tiêu hóa, ấu trùng sán di chuyển vào các mô cơ, mô não... làm ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể đặc biệt là hệ thần kinh.

2. Bệnh tích của bệnh sán dây ở lợn

Bệnh tích thấy rõ nhất ở ruột non: ruột non viêm cata, niêm mạc có thể có những điểm xuất huyết, trong ruột non chứa nhiều sán, có khi tắc ruột, vỡ ruột.

Ngoài ra, có thể thấy hiện tượng tích nước ở lồng ngực, bụng và bao tim.

Nang sáncó nhiều ở những cơ vận động như cơ gốc lưỡi, cơ đùi nếu có sán sẽ có những hạt như hạt gạo nếp (ấu trùng sán tập trung thành từng bọc), thậm chí nếu mật độ nhiều, khi cắt thịt có thể làm rụng những trứng ấu trùng này ra ngoài. Loại thịt lợn nhiễm sán được dân gian gọi là lợn “gạo”. Có thể có ít hoặc nhiều nang sán trong miếng thịt.

3. Cách phòng, trị bệnh sán dây trên lợn:

Phòng bệnh sán dây trên lợn bằng cách không nuôi động vật thả rông, không cho động vật ăn rau sống, thức ăn sống có lẫn phân người.

Khi lợn nhiễm sán dây dùng thuốc praziquantel, cho uống liều 20mg/kgTT/ngày trong ngày đầu, sau đó cho uống thuốc albendazolee liều 15mg/kgTT/ngày trong 2 ngày tiếp theo để tẩy sán dây.

4. Tác hại của bệnh sán dây trên người và cách phòng bệnh

Tác hại: Người ăn phải thịt lợn gạo mà kén sán chưa chết vào dạ dày, dưới tác dụng của dịch vị, ấu trùng thoát khỏi vỏ kén vào hệ tiêu hóa. Ấu trùng phát triển trong ruột non của người sẽ nở thành sán trưởng thành, một phần ấu trùng di chuyển vào hệ thống mạch máu đến các mô: mô cơ, mô não...gây ra những biến chứngnhư liệt các dây thần kinh, nói ngọng, giảm thị lực, gây động kinh; ...

Các tổn thương trên người có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tháng; song cũng có trường hợp tỷ lệ tử vong cao hay thấp tùy thuộc diễn biến bệnh đơn giản hay phức tạp, nhất là những ca ấu trùng sán tại thần kinh trung ương.

Phòng bệnh sán dây trên người: Cần kiểm soát việc giết mổ động vật tại lò mổ hoặc tại gia đình để kiểm tra phát hiện nang sán hay “lợn gạo”. Đồng thời tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho cộng đồng về tác hại và đường lây truyền của bệnh sán dây và bệnh ấu trùng sán lợn để chủ động phòng chống bệnh. Bên cạnh đó phải thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh: vệ sinh cá nhân, không ăn thịt lợn tái hoặc chưa nấu chín; thực hiện ăn chín, uống chín, ăn rau sống phải rửa sạch dưới vòi nước. Ngoài ra, phải quản lý và xử lý nguồn phân tươi hợp lý, tránh reo rắc mầm bệnh ra môi trường. 


3044-ntm.003000_benh-san-day-lon-va-cach-phong-chong.pdf

Đinh Thu Phương - Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Thọ