Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 775
Tổng truy cập : 570,068

Trồng trọt

Biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suât cho ngô vụ đông

Giới thiệu đến bà con kỹ thuật trồng cây ngô vụ đông cho năng suất cao: chọn giống, thời vụ, chọn đất và làm đất, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch hại ngô


Ngô là cây lương thực quan trọng đứng thứ 2 chỉ sau cây lúa nước. Hiện nay, cây ngô được trồng 3 vụ/năm (vụ xuân, vụ hè thu và vụ đông), trong đó vụ đông có diện tích lớn nhất. Để nâng cao được năng suất, sản lượng và nâng cao hiệu quả trong sản xuất ngô đông, việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh cây ngô đông là rất cần thiết. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu đến bà con kỹ thuật trồng cây ngô vụ đông cho năng suất cao.

1. Chọn giống

 Lựa chọn các giống ngô đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết của từng địa phương, cụ thể như:

- Đối với đất bãi ven sông, đất chuyên màu sử dụng các giống ngô: VS36, SSC131, CP999, DK9955, PAC999, CP333, CP111, PSC147, B265, B06, B21,…

- Trên đất lúa sử dụng các giống ngô: VS36, P4199, NK66, NK67, DK6919, DK8868, KD9901, SSC131, SSC2095, 30Y87, P4199, P4206, NK6654, PAC339, PAC999 super, Nếp các loại…

Chú trọng gieo trồng các giống ngô nếp lai mới, năng suất cao, chất lượng tốt như: MX4, MX10, Fancy111, HN68, Sugar 77, Golden Sweeter 93…

2. Thời vụ

- Vụ đông là vụ ngô khó khăn nhất trong năm, nhưng là vụ ngô chính trong cơ cấu luân canh 3 vụ.

- Thời vụ rất khẩn trương, bà con nên gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất.

+ Đất bãi ven sông suối, đất chuyên màu: gieo trồng từ 10 - 20/9 âm lịch.

+ Đất 2 lúa, chân vàn chủ động nước: gieo trồng từ 15/9 - 5/10 âm lịch.

+ Đất đồi thấp: gieo trồng từ 25/9 - 10/10 âm lịch.

3. Chọn đất và làm đất

3.1. Chọn đất:

Cây ngô là cây có thể trồng được trên nhiều loại đất như: đất có thành phần cơ giới nhẹ, đất phù sa được bồi đắp hàng năm, đất đỏ, đất bạc màu… Nhưng thích hợp nhất là những loại đất tơi xốp, nhiều chất dinh dưỡng, lớp đất mặt sâu và có độ ẩm thích hợp, các loại đất thích hợp nhất là đất phù sa được bồi đắp hàng năm, tiếp đến là đất đỏ. Không nên trồng ngô trên vùng đất nhiễm phèn nặng, vùng đất quá khô hạn hay vùng thường bị ngập úng.

3.2. Làm đất:

Trong kỹ thuật trồng ngô, làm đất được xem là biện pháp kỹ thuật quan trọng vì ngô có bộ rễ chùm rất phát triển, có thể lan rộng với bán kính trên 0,5m và ăn sâu trên 1m đến 2m. Do vậy, đất trồng ngô cần được cầy sâu, bừa kỹ, sạch cỏ dại.

* Đối với những vùng ngô tập trung, các lô ruộng lớn và bằng phẳng nên áp dụng phương pháp cơ giới hóa trong sản xuất ngô.

* Đối với ngô đông trên đất ướt, sau gặt lúa cần tiến hành:

- Cày tạo luống rộng 1,1m.

- Vét gọn tạo rãnh thoát nước giữa các luống.

- Trên nền đất ướt cần phải làm ngô bầu hoặc ngô gieo trên nền đất (ngô mạ) để đảm bảo ngô mọc đều.

4. Kỹ thuật trồng

 4.1. Mật độ khoảng cách trồng

- Giống dài ngày: Mật độ 5-5,5 vạn cây/ha với khoảng cách 70 - 30 cm và 60 - 30 cm.

- Giống trung ngày: Mật độ 5,5-6,0 vạn cây/ha với các khoảng cách 70 - 25 cm và 60 - 30 cm.

- Giống ngắn ngày: Mật độ từ 6,0-7,0 vạn cây/ha có thể gieo các khoảng cách 70 - 20 cm và 60 - 25 cm.

 4.2. Kỹ thuật trồng có che phủ đất

Tiến hành trồng với độ sâu vừa phải rồi che phủ đất bằng rơm rạ, thân cây ngô, cỏ khô giúp hạn chế xói mòn đất một cách đáng kể, đồng thời tăng thêm độ mùn và các chất dinh dưỡng cho đất.

5. Chăm sóc

5.1. Bón phân

 - Lượng phân bón (1 ha):

+ Phân chuồng hoai mục: 8 - 10 tấn/ha.

+ Vôi bột: 300 - 400 kg/ha.

+ Đạm: 250 - 300 kg/ha, lân: 350 - 400 kg/ha, kali: 120 - 150 kg/ha.

Hoặc có thể sử dụng phân NPK chuyên dùng bón lót và bón thúc cho ngô thay thế phân đơn.

 - Bón lót: Bón lót cung cấp kịp thời dinh dưỡng giúp cây ngô sinh trưởng, phát triển ngay sau khi nảy mầm đến 3 lá thật.

+ Cách bón: Sau khi làm đất xong rạch hàng sâu, rải phân xuống đáy hàng, lấp kín phân rồi mới tra hạt hoặc đặt bầu, tuyệt đối không để hạt tiếp xúc với phân.

+ Lượng bón: Bón lót 100% phân chuồng + 100% lân + 10 - 15% đạm. Riêng vôi bột bón lót 100% khi cày ải.

- Bón thúc lần 1: Khi cây ngô có 3 - 4 lá thật (đối với ngô trồng hạt), 4 - 5 lá đối với ngô trồng bầu. Lượng bón: 40% đạm ure + 30% kali.

- Bón thúc lần 2: Khi ngô có 7 - 9 lá. Lượng bón: 30% đạm ure + 40% kali.

- Bón thúc lần 3: Khi ngô xoắn nõn. Lượng bón: Bón hết lượng đạm + kali còn lại.

Chú ý: phân rải cách gốc 10 - 12 cm kết hợp làm cỏ, vun gốc.

5.2. Tưới nước

Cây ngô là cây rất cần nước nhưng lại không chịu được ngập úng. Ngô được tưới chủ yếu bằng biện pháp tưới phun. Tưới ướt đều toàn ruộng một ngày sau khi gieo hạt để cung cấp đủ độ ẩm cho hạt nẩy mầm. Luân phiên tưới nước để đảm bảo đủ nước trong suốt chu kỳ sống của cây.

6. Phòng trừ dịch hại ngô

Tiến hành phòng trừ các loài sâu bệnh hại ngô kịp thời. Đặc biệt chú ý các loại dịch hại như sâu đục thân ngô, sâu cắn lá ngô, sâu xám, rệp cờ, bệnh than đen, bệnh đốm lá ngô, bệnh gỉ sắt, bệnh khô vằn, chuột...


87751-ntm.001288_bien-phap-ky-thuat-nang-cao-nang-suat-ngo-dong.pdf