Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 589 |
Tổng truy cập : | 568,462 |
Nuôi trồng thủy, hải sản
Biện pháp kỹ thuật xử lý ao nuôi và lồng nuôi thủy sản trước khi thả giống
Xử lý ao nuôi, lồng nuôi cá sau khi thu hoạch là một khâu rất quan trọng trước khi thả giống vào vụ nuôi mới; việc thực hiện đúng kỹ thuật ở khâu này sẽ khử trùng, diệt tạp, giải phóng khí độc một cách triệt để góp phần giảm thiểu dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng của đàn cá và hiệu quả sản xuất trong chu kỳ sau.
Khi xử lý ao nuôi, lồng nuôi bà con cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật như sau:
1. Đối với trong ao
* Cải tạo ao
- Tát cạn ao, bắt hết cá tạp, kiểm tra tu sửa bờ ao, cống cấp thoát nước đảm bảo chắc chắn, không rò rỉ. Đối với những ao có lượng bùn đáy dày thì cần vét bùn đáy chỉ để lại lớp bùn dày khoảng 10-15cm.
- Bón vôi để khử trùng, diệt cá tạp trong ao, liều lượng vôi bón tùy thuộc vào pH của đất: với ao không chua (PH ≥ 6,5) bón 7-10kg/100m2; với ao đất chua (pH < 6,5) bón 10-15 kg/100m2. Đối với những ao bị nhiễm phèn quy trình khử trùng, bón vôi cho ao cần phải tiến hành 2-3 lần tùy theo mức độ nhiễm phèn (khi rải vôi lần 1 thì tiến hành cho nước vào ao ngâm 2-3 ngày sau đó hút cạn nước, lại tiến hành rải vôi với lượng 10-15kg/100m2.
- Phơi đáy ao từ 5-7 ngày đảm bảo đáy ao khô nứt chân chim để tiêu diệt triệt để mầm bệnh, phân hủy chất hữu cơ dư thừa và giải phóng tối đa khí độc ở đáy ao.
Lưu ý: Đối với những ao nhiễm phèn không tiến hành phơi đáy ao.
* Cấp nước vào ao
- Nguồn nước cấp không bị ô nhiễm bởi các nguồn chất thải tiến hành cấp nước vào ao làm 2 lần: Lần 1, cấp nước vào ao đảm bảo mực nước từ 0,5- 0,8m.
- Lần hai cấp đủ nước cho ao nuôi.
- Nước cấp vào ao phải được lọc qua túi lọc gắn vào cửa cống cấp để tránh cá tạp, cá dữ xâm nhập vào ao.
* Bón phân gây màu nước
- Đối với phân chuồng: phân chuồng cần được ủ hoai, 1 lớp phân với 1 lớp vôi; lượng vôi bằng 1% lượng phân; thời gian ủ 30 ngày. Sau đó cho phân chuồng xuống ao với lượng 30-50kg/100m2 rải đều khắp ao.
Tuyệt đối không xả phân chuồng chưa được ủ hoai mục xuống ao.
- Đối với phân xanh: có thể sử dụng tất cả các loại cây trên cạn không đắng, không độc làm phân xanh như: điền thanh, dây khoai lang, khoai tây, cúc tần (không dùng các loại cây có vị đắng, có chất độc, chất dầu như lá soan, sương rồng, lá bạch đàn); cây phân xanh bó thành từng bó 5-10kg rải đều mặt ao từ 30- 50kg/100m2; dùng cọc cố định bó cây phân xanh sao cho bó lá phải ngập trong nước; sau khi dầm cây phân xanh 4-5 ngày tiến hành đảo bó lá; vớt toàn bộ phần không phân hủy được.
- Đối với phân vô cơ: có thể dùng phân lân, đạm NPK, để bón cho ao với lượng 0,2-0,4kg/100m2, tỷ lệ đạm/lân: 2/1 (lưu ý: phân bón phải hòa tan vào nước và té đều khắp ao).
Việc tuân thủ đúng quy trình cải tạo ao và định kỳ xử lý môi trường ao nuôi tốt sẽ làm hạn chế vi khuẩn, mầm bệnh gây hại, giảm chi phí, tăng tỷ lệ sống của cá nuôi thương phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
2. Đối với trong lồng:
* Chọn vị trí đặt lồng nuôi:
Vị trí đặt lồng/bè phải nằm trong vùng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản cho phép của cơ quan có thẩm quyền, không ảnh hưởng bởi lũ, phương tiện giao thông, mực nước không bị thay đổi đột ngột.
* Cách đặt lồng:
- Lựa chọn các đoạn sông có lưu tốc dòng chảy 0,2-0,5m/s, mực nước sâu > 4m; độ trong > 0,2m, tránh xa nơi tàu thuyền thường xuyên qua lại, khu vực bến bãi, cống qua đê.
- Đảm bảo diện tích lồng nuôi <0,2% diện tích mặt sông lúc cạn nhất; mỗi cụm lồng tối đa không quá 30 lồng/cụm. Các cụm lồng, bè khi đặt song song phải cách nhau tối thiểu 10m; khi đặt so le, nối tiếp cách nhau tối thiểu 200m; đáy lồng cách mặt đáy sông hoặc suối ít nhất 0,5m vào lúc mức nước thấp nhất.
* Vệ sinh lồng nuôi:
- Trước khi nuôi cần kiểm tra kỹ lồng nuôi để kịp thời sửa chữa tránh thất thoát trong quá trình nuôi.
- Hàng tuần phải tiến hành vệ sinh cọ rửa sạch các sinh vật bám trong và ngoài lưới lồng để hạn chế vi khuẩn, vi rút gây bệnh và đảm bảo thông thoáng tăng hàm lượng oxy hòa tan cho cá phát triển trong suốt quá trình nuôi.
Việc thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật xử lý ao nuôi và lồng nuôi trước khi thả giống có vai trò quyết định đến sản lượng và nâng cao giá trị sản xuất cho người nuôi thủy sản trong vụ nuôi mới.
44643-ntm.002994_bien-phap-ky-thuat-xu-ly-ao-nuoi-va-long-nuoi-thuy-san.pdf