Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 11367
Tổng truy cập : 33,082

Chăn nuôi

Biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm vi sinh vật trong giết mổ động vật

Hướng dẫn một số yêu cầu các cơ sở giết mổ cần thực hiện để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh hiện tượng ô nhiễm vi sinh vật trong giết mổ động vật.


Các cơ sở giết mổ cần thực hiện một số yêu cầu như sau:

Về địa điểm: Vị trí của cơ sở giết mổ phải phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy định của chính quyền địa phương, cách biệt khu dân cư, các trang trại chăn nuôi để tránh gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh; Cụ thể: Phải cách xa khu dân cư tối thiểu 300 m, cách trang trại chăn nuôi trên 1 km, cách đường giao thông chính trên 200 m; Đặc biệt, cơ sở giết mổ phải không ở đầu nguồn và xa sông, suối là nguồn cấp nước sinh hoạt.

Về diện tích: Cơ sở giết mổ phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 500 m2.

Về thiết kế và bố trí: Cơ sở giết mổ phải có tường rào bao quanh; Có hố sát trùng hoặc phương tiện vệ sinh, khử trùng ở đầu mỗi cổng ra vào; Có hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng phù hợp; Đường nhập động vật sống và xuất sản phẩm riêng biệt;... mọi thiết kế phải đảm bảo thứ tự hoạt động trong cơ sở lưu thông theo một chiều từ khu bẩn đến khu sạch.

Nơi nuôi nhốt động vật giết mổ phải có mái che, nền không trơn trượt, vệ sinh sạch sẽ, phun thuốc khử trùng hàng ngày; Đảm bảo cung cấp đủ nước uống cho động vật; Riêng đối với gia súc cần cho con vật nhịn ăn trước khi giết mổ ít nhất là 6 giờ và tắm cho gia súc trước khi đưa vào giết mổ.

Động vật đưa vào giết mổ phải có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y, được theo dõi tình trạng sức khỏe trước khi đưa vào giết mổ.

Đối với khu giết mổ: Việc giết mổ, pha lọc thịt phải được thực hiện trên bàn, bệ ốp đá hoặc inox cách mặt sàn ít nhất 30 cm; Bàn cần làm sạch 30 phút/lần hoặc tốt nhất là giết mổ treo. Tường xung quanh khu giết mổ, pha lọc phải ốp bằng vật liệu sáng màu, cao tối thiểu 2 m. Lưu ý: Chỉ sử dụng vòi để xịt rửa thân thịt, không dùng xô, gáo múc nước trong bể chứa dội lên thân thịt.

Thân thịt sau khi rửa sạch cần bảo quản trong kho lạnh hoặc vận chuyển trong thùng kín, đã được vệ sinh đến nơi tiêu thụ.

Tất cả các dụng cụ chứa đựng, giết mổ phải được làm bằng vật liệu không gỉ, không gây độc hại và thôi nhiễm cho thịt.

Nước sử dụng trong giết mổ tốt nhất là nước máy, đối với các cơ sở sử dụng nước giếng khoan, giếng đào cần xét nghiệm các chỉ tiêu vật lý, hóa học, vi sinh vật 6 tháng/lần.

Người tham gia giết mổ phải được trang bị kiến thức và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, có bảo hộ lao động và được khám sức khỏe định kỳ 01 lần/ năm để đảm bảo không mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuân thủ việc rửa tay bằng xà phòng trước khi giết mổ, sau khi tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc những vật liệu bị ô nhiễm.

Thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước, sau giết mổ và định kỳ 1 lần/tuần toàn bộ khu giết mổ bằng một trong các loại hóa chất sát trùng như Iodine 10%, Benkocid,....

Các hành vi bị nghiêm cấm trong giết mổ động vật bao gồm: Giết mổ gần khu dân cư, giết mổ động vật ốm, chết, động vật có sử dụng chất cấm; Bơm nước vào động vật trước khi giết mổ, sử dụng hóa chất tẩy rửa độc hại; Không xử lý chất thải rắn, lỏng trước khi thải ra ngoài môi trường; ….

Các cơ sở giết mổ cần thực hiện tốt các yêu cầu nêu trên để giảm thiểu ô nhiễm vi sinh vật trong quá trình giết mổ, góp phần cung cấp nguồn thịt đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng./.

15446-ntm.003014_bien-phap-ngan-ngua-o-nhiem-vi-sinh-vat-trong-giet-mo-dong-vat.pdf


Đào Ngọc Lan - Chi cục Thú y