Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 8520
Tổng truy cập : 29,483

Chăn nuôi

Biện pháp phòng, trị bệnh viêm phổi ở bê, nghé

Một trong những bệnh thường xảy ra trong thời điểm nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch và gây tỷ lệ chết cao đó là bệnh viêm phổi ở bê, nghé. Chia sẻ thông tin về triệu chứng, bệnh tích, phương pháp điều trị bệnh và biện pháp phòng bệnh viêm phổi ở bê, nghé


Thời tiết trong những ngày vừa qua đã có sự chênh lệch về nhiệt độ giữa ngày và đêm. Ban ngày, nền nhiệt cao, trời oi nóng; Về đêm, nhiệt độ giảm xuống khiến cho độ ẩm trong không khí tăng. Do sự thay đổi đó khiến vật nuôi mệt mỏi, kém ăn, sức đề kháng giảm. Đây chính là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát sinh, gây ra một số bệnh ảnh hưởng đến đàn vật nuôi. Một trong những bệnh thường xảy ra trong thời điểm này và gây tỷ lệ chết cao đó là bệnh viêm phổi ở bê, nghé.

Bệnh viêm phổi ở bê, nghé là bệnh truyền nhiễm, thường gặp ở bê nghé dưới một năm tuổi, đặc biệt ở bê, nghé mới sinh đến vài tháng tuổi, do sức đề kháng của cơ thể còn yếu. Khi trời mưa lạnh, thức ăn, nước uống không được cung cấp đầy đủ theo nhu cầu; Chuồng trại không được vệ sinh định kỳ, ẩm ướt, mật độ nuôi nhốt cao sẽ làm sức đề kháng của cơ thể vật nuôi yếu hơn. Bên cạnh đó, một số vi khuẩn gây bệnh luôn cư trú trong đường hô hấp của bê, nghé như vi khuẩn liên cầu khuẩn, vi khuẩn phế viêm, vi khuẩn tụ cầu; Khi sức đề kháng của bê nghé giảm, các vi khuẩn này sẽ tấn công vào phổi và gây bệnh.

1. Triệu chứng

Bệnh tiến triển rất nhanh, thời gian ủ bệnh chỉ từ 3 - 5 ngày. Bê, nghé có những biểu hiện: sốt cao 41 – 420C, sốt liên tục trong 3 - 5 ngày; ăn kém hoặc bỏ ăn, niêm mạc mắt đỏ sẫm, chảy nước mắt, nước mũi. Khi sốt cao bê, nghé thường có biểu hiện run rẩy, co giật, đi xiêu vẹo hoặc nằm liệt một chỗ.

Bê, nghé khó thở, thở nhanh và thường “thở bằng bụng”, biểu hiện ho tăng dần, khi ho chảy nhiều bọt khí, chảy dãi. Trường hợp nặng hơn có dịch mủ chảy ra từ miệng mũi. Một số bê, nghé bị bệnh có biến chứng viêm ruột, ỉa chảy do bê, nghé nuốt đờm dãi có chứa vi khuẩn vào đường tiêu hóa.

2. Bệnh tích

Bê, nghé thường chết trong khoảng thời gian 3-5 ngày với tỷ lệ chết cao (80 - 100%);

 Phổi phù thũng, tụ huyết, xuất huyết đỏ; Trong phế quản, khí quản có nhiều bọt khí hoặc dịch mủ. Màng phổi dính vào lồng ngực và màng tim, trong xoang ngực có nhiều dịch màu vàng.

3. Điều trị bệnh

 Có thể sử dụng một trong số các loại thuốc kháng sinh sau: Hanoxylin, Kanamycin, Gentatylosin, Tiamulin… dùng liên tục 3-5 ngày. Liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Kết hợp dùng các thuốc trợ sức, trợ lực như: Cafein, B.Complex và Vitamin C-2000.

4. Phòng bệnh

Cho bê, nghé bú sữa đầu ngay từ khi mới sinh để nhận được lượng kháng thể từ cơ thể mẹ truyền sang; Định kỳ tẩy giun sán cho bê, nghé và thức ăn dinh dưỡng đảm bảo khẩu phần ăn, nước uống đầy đủ.

Chuồng trại luôn khô thoáng, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè và kín ấm trong mùa đông. Định kỳ phun thuốc sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi bằng các loại thuốc: Benkocid, HanIodin, Vikon…

 25944-ntm.003002_bien-phap-phong-tri-benh-viem-phoi-o-be-nghe.pdf


Nguyễn Thị Hồng Hạnh