Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 648
Tổng truy cập : 563,213

Trồng trọt

Biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây cảnh trồng ban công

Để phòng và trừ sâu bệnh cho cây cảnh trồng ban công, cần lưu ý: xử lý đất nước trước khi gieo trồng, mật độ cây trồng hợp lý, trồng cây đúng thời vụ, thay hoặc tráo đất trồng sau mỗi năm/ mùa hoa,…


1. Xử lý đất trước khi gieo trồng

Đất là giá thể phổ biến nhất khi trồng cây và bạn có biết đây cũng là nơi nương náu của kí sinh trùng, sâu bệnh hại cây để lại từ những vụ mùa trước? Vậy nên muốn phòng trừ sâu bệnh cho cây cảnh trồng ban công, điều đầu tiên chúng ta cần quan tâm là xử lý đất để bài trừ tác nhân gây bệnh.

Phần lớn các vi sinh vật, nấm mốc gây hại sống trong môi trường kị khí, ưa ấm nhưng không chịu được nhiệt độ cao và đặc biệt là mẫn cảm với môi trường kiềm. Chính vì thế, mẹo hay khi xử lý đất là bạn hãy làm tơi đất để tăng độ thoáng khí cho giá thể, đồng thời trộn đất với vôi và để nó trong thời gian 1 đến 2 tháng trước khi sử dụng chúng làm giá thể nuôi cây.

2. Mật độ cây trồng hợp lý

Mật độ cây trồng có ảnh hưởng rất nhiều đến sự sinh trưởng của cây cảnh trồng ban công. Ban công thường có diện tích mặt sàn nhỏ thế nhưng nhiều gia đình vẫn ôm đồm trồng cây với mật độ quá dày, khiến cây vừa sinh trưởng kém, vóng cây, vừa tạo môi trường ẩm ướt cho sâu bệnh sinh sôi và lây truyền chéo từ cây này đến cây khác. Từ thực trạng này, chúng ta rút ra kết luận: cần đảm bảo mật độ cây trồng hợp lý, phù hợp với đặc tinh sinh học của từng loài cây cảnh khác nhau, có như vậy mới mong giảm trừ sự phát sinh của các loài sâu bệnh gây hại.

3. Trồng cây đúng thời vụ 

Trong kĩ thuật trồng cây cảnh, chúng ta nên chú ý đến thời vụ vì mỗi loài cây cảnh chỉ sinh trưởng tối ưu ở những khoảng thời gian nhất định trong năm. Có những giống cây nếu trồng trong mùa xuân hè, cây ít sâu bệnh, phát triển nhanh nhưng ngược lại, nếu trồng trong mùa thu đông, cây lại còi cọc, dễ sâu bệnh. Người ta gọi đó là sự thích nghi của thực vật trong quá trình phát triển của loài và nếu có thể, khi trồng, chăm sóc cây cảnh trên ban công, hãy chú trọng đến khâu thời vụ để giảm thiểu ảnh hưởng của sâu bệnh lên quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng.

4. Thay hoặc tráo đất trồng sau mỗi năm/mùa hoa

Có những loài sâu bệnh gây hại trên loại hoa/cây cảnh này nhưng với đối tượng khác, chúng lại hoàn toàn thân thiện. Bởi vậy có một mẹo hay để phòng ngừa sâu bệnh trên cây cảnh trồng ban công là thay đất chậu trồng sau mỗi mùa vụ hoặc tráo cây giữa các chậu. Việc làm này vừa giúp tận dụng dinh dưỡng cho cây, vừa loại trừ được các giống sâu hại quen thuộc đang tiềm ẩn trong dòng đất cũ.

5. Lưu ý đến cách chăm sóc cây

Ánh sáng là nhân tố bài trừ sâu bệnh cực hiệu quả và dù là cây ưa bóng hay cây ưa sáng, chúng ta vẫn nên đặt cây ngoài ánh sáng trực xạ tối thiểu 1 đến 2 tiếng một ngày để tận dụng khả năng đặc biệt này của thiên nhiên. Ngoài ra, còn một lưu ý tối quan trọng khi chăm sóc cây cảnh trên ban công, đó là chỉ nên tưới nước dạng phun sương hoặc tưới quanh gốc, không nên tưới ồ ạt vào phần khe lá, chồi non của cây vì việc ứ đọng nước ở những khu vực này sẽ là điều kiện vàng để sâu hại, nấm và rệp sinh sôi, nảy nở.


28242-ntm.002311_bien-phap-phong-tru-sau-benh-cho-cay-canh.pdf