Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 447
Tổng truy cập : 562,556

Chăn nuôi

Cách phòng bệnh bại liệt ở Bò sinh sản

Chia sẻ kinh nghiệm về phòng bệnh bại liệt ở bò trước khi sinh và sau khi sinh: nguyên nhân và triệu chứng của bệnh, tiên lượng, cách điều trị và phương pháp phòng bệnh


1. Bệnh bại liệt trước khi sinh

a) Nguyên nhân:

– Bệnh thường phát ra ở những tháng chửa cuối cùng ở bò trước khi đẻ hai chân sau bại liệt, con vật không đứng được. Nguyên nhân chủ yếu là do nuôi dưỡng xấu.

– Một số trường hợp không có nguyên nhân rõ ràng:

+ Khẩu phần ăn thiếu Ca, P hoặc cỏ trồng trên vùng đất phèn, cỏ bị nhiễm nước phèn, nước uống bị nhiễm phèn ảnh hưởng hấp thu Ca của gia súc…

+ Trong thời gian mang thai, bò ít được chăn thả, ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.Gia súc có chửa mà quá gầy yếu thì cũng dễ mắc bệnh bại liệt.

+ Do kế phát từ bệnh thiểu năng tuyến giáp trạng, làm thay đổi tỉ lệ Ca/P (Ca tăng, P giảm)

+ Do phải rút Ca, P từ cơ thể để phát triển bộ xương của bào thai do thức ăn không cung cấp đủ.

+ Do bị chèn ép dây thần kinh vùng hông khum.

+ Do quá trình bệnh lý ở não tủy.

b) Triệu chứng:

– Bò thích ăn những thứ mà ngày thường không ăn như đất, gặm nền chuồng,máng ăn.

– Thoạt đầu con vật ưa nằm, nhưng đứng dậy rất khó khăn, hai chân sau yếu, đứng cứ run run, hai chân sau hay dở lên để xuống thường, đi lại càng khó khăn, chân sau xiêu vẹo, sau khi không đứng được nữa dù có người đỡ. Nếu bị bại liệt kéo dài thì các cơ của chân sau bị teo, những chỗ tì xuống đất bị thối loét, không có triệu chứng toàn thân.

– Trường hợp xãy ra đột ngột, bò đang ở trạng thái bình thường đột nhiên nằm xuống không đứng dậy được.

– Nếu bệnh nặng sẽ ảnh hưởng tới tình trạng chung của cơ thể và có thể xuất hiện một số bệnh khác như: sa âm đạo. Khi đẻ, nếu tử cung bị xoắn thì không tống thai ra được.

c) Tiên lượng:

Nếu bệnh phát ra vào giai đoạn con vật sắp đẻ không quá 15 ngày thì sau khi đẻ, con vật sẽ trở lại bình thường. Nếu bệnh phát ra sớm và kéo dài thì gia súc có thể bị bại huyết mà chết do nhiều chỗ bị thối loét.

d) Cách điều trị:

– Phải kịp thời bổ sung những thành phần dinh dưỡng cần thiết, đồng thời phòng những tình trạng bệnh kế phát có thể xãy ra.

– Phương pháp hộ lý:

+ Lót rơm cho bò nằm nơi yên tĩnh, thường xuyên trở mình, có thể dùng đay dây to bản để treo đỡ bò đứng. Nếu gia súc đứng được, mỗi ngày nên nâng nó lên 1 – 2 lần.

+ Cho bò thức ăn có nhiều chất dinh dưỡng, dễ tiêu, có đủ chất khoáng và vitamine.

– Dùng thuốc: Gluconate calci 10 – 20%, Calcimax tiêm tĩnh mạch 10 – 20ml/lần hoặc pha chung với Glucoza 10 % truyền tĩnh mạch ngày 1 – 2 lần. Bổ sung thức ăn tinh thêm Calci Fort Plus, B1 liều cao có thể tiêm bắp thêm vitamine A, D, E, vitamine nhóm B (B1, B6, B12) thao tác làm nhẹ nhàng hạn chế bò giãy dũa.

– Một số điều cần lưu ý: Một số thuốc không nên sử dụng như: Strychine, Dexa (Dexa tích nước và rút Calci nhanh hơn khiến bệnh càng trầm trọng hơn). Trường hợp cần thiết sử dụng thuốc kháng viêm thay Dexa bằng Dilorfenac 2,5% (Dilofen).

e) Cách phòng bệnh:

– Đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng thức ăn thô tinh cho từng giai đoạn mang thai chú ý giai đoạn chửa từ tháng thứ 5 trở đi và giai đoạn nuôi con cho đến khi cai sữa. Bổ sung đá liếm, bánh dinh dưỡng, Premix khoáng Calcifort Plus thường xuyên. Tiêm Vitamine A, D, E 1 – 2 tháng/lần những bò cái có nguy cơ ốm, suy dinh dưỡng lúc đang mang thai.

– Nguồn nước uống và thức ăn xanh không bị nhiễm phèn ảnh hưởng sự hấp thu của Calci.

– Cho bò hàng ngày vận động, tắm nắng ban mai.

– Phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

2. Bệnh bại liệt sau khi sinh

a) Nguyên nhân:

– Sau khi bò mẹ bắt đầu tiết sữa, Ca được huy động để chuyển vào sữa cho nên lượng Ca trong máu giảm đột ngột gây ra hiện tượng bại liệt.

– Trong giai đoạn cuối mang thai, bào thai cần một lượng lớn Ca để phát triển bộ xương. Nếu giai đoạn này bò mẹ không được cung cấp đầy đủ các muối phốt phát Ca thì nguy cơ phát bệnh cao.

b) Triệu chứng:

– Bò tự nhiên kém ăn hoặc bỏ ăn, không nhai lại, nhu động dạ cỏ giảm, chướng hơi nhẹ, không đại tiểu tiện.

– Nhiệt độ cơ thể tăng đột ngột từ 41 – 42oC, thở mạnh, chảy nước vãi.

– Con vật bồn chồn, mắt lờ đờ, 2 chân sau lảo đảo đứng không vững, run rẩy, co giật, sau đó 4 chân mất cảm giác và liệt hẳn. Khi liệt, thân nhiệt giảm hơn bình thường, mũi khô, thở khó, sâu, lúc đầu tim đập nhanh mạnh, sau đó yếu dần.

c) Cách điều trị:

– Để bò nằm nơi yên tĩnh, khô ráo, sạch sẽ.

– Truyền dịch Glucoza 10% pha cung với gluconate calci, Calcimax 20 – 30 cc. Khi truyền dịch thường xuyên theo dõi nhiệt độ của bò để xư lý kịp thời khi gia súc có biểu hiện tăng hoặc giảm nhiệt độ ( khi giảm nhiệt độ thêm Calci, tăng nhiệt độ thêm vitamine C, khi bò có biểu hiện co giật, sùi bọt mép, mí mắt sụp xuống phải ngừng truyền dịch và dùng các thuốc trợ tim như: Camphona, Depersolone, Solucortef…).

– Tiêm bắp cho bò cái mang thai vitamin A, D, E, Strychnal-B1, Strychine.

– Bổ sung Ca trong khẩu phần bằng bánh đá liếm,bánh dinh dưỡng, Premix Calci Plus.

d) Cách phòng bệnh:

– Đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng thức ăn thô tinh cho từng giai đoạn mang thai chú ý giai đoạn chửa từ tháng thứ 5 trở đi và giai đoạn nuôi con cho đến khi cai sữa. Bổ sung đá liếm, bánh dinh dưỡng, Premix khoáng Calcifort Plus thường xuyên.

– Nguồn nước uống và thức ăn xanh không bị nhiễm phèn ảnh hưởng sự hấp thu của Calci.

– Cho bò hàng ngày vận động và tắm nắng ban mai.

– Phát hiện sớm và điều trị kịp thời.


83955-ntm.001965_phong-benh-bai-liet-o-bo.pdf