Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1976
Tổng truy cập : 560,144

Chăn nuôi

Cách phòng và trị hiệu quả bệnh lở mồm long móng

Nguyên nhân bệnh lở mồm long móng, động vật cảm nhiễm. Sự liên quan giữa bệnh lở mồm long móng ở động vật và chân tay miệng ở người, đường lây truyền, triệu chứng, biện pháp điều trị, phương pháp phòng bệnh.


1. Nguyên nhân

- Do virus thuộc giống Aphthovirus, họ Picornaviridae, nhóm ARN virus , với đặc điểm gây thủy hóa (các mụn mủ) ở tế bào thượng bì.

- Có 7 typ virus gây bệnh lở mồm long móng: A, C, O, Asia 1, SAT1, SAT2 và SAT3.

- Gây bệnh cho Bò ở Việt Nam chủ yếu là 3 typ: A, O và Asia 1

- Dê cừu mẫn cảm với typ A, C nhưng chỉ bị bệnh nhẹ thôi

- Heo mẫn cảm cao với typ O, ít mẫn cảm hơn với typ A và Asia 1

- Virus tồn tại được 14 ngày vào mùa Hè , 4 tuần vào mùa Đông trong môi trường tự nhiên

- Các thuốc sát trùng như BIOXIDE, BIODINE ®, BIOSEPT ®, BIO-GUARD đều diệt được virus lở mồm long móng rất hiệu quả. Virus cũng sẽ bị giết chết ở nhiệt độ 70°C.

2. Động vật cảm nhiễm

- Các loài động vật móng guốc chẵn (móng chẻ) như trâu, bò, dê, cừu, heo, trâu rừng, bò rừng, hươu, heo rừng đều bị bệnh lở mồm long móng. Ngựa, gia cầm không bị bệnh này.

- Thú non bị bệnh nặng và dễ bị chết hơn thú trưởng thành

- Trong tự nhiên virus có thể lây nhiễm chéo giữa các loài thú với nhau

- Bệnh cũng có thể lây sang người nhưng hiếm xảy ra.

3. Bệnh lở mồm long móng ở động vật có liên quan đến bệnh tay chân miệng ở người không?

Bệnh tay chân miệng ở người do Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV-71) thuộc nhóm virus đường ruột gây ra (không liên quan đến virus gây bệnh lở mồm long móng ở gia súc). Trong đó enterovirus 71 có thể gây biến chứng thần kinh, viêm màng não.

4. Đường lây truyền

- Virus có trong nước bọt, phân, nước tiểu, tinh dịch, sữa, dịch trong các mụn mủ của thú bệnh hoặc ở trong không khí…

- Bệnh lây theo đường tiêu hóa và hô hấp do thức ăn, nước uống có nhiễm mầm bệnh, do hít thở không khí có mầm bệnh rồi xâm nhập qua niêm mạc mũi.

- Lây trực tiếp do nhốt chung thú bệnh với thú khỏe.

- Lây gián tiếp do người chăm sóc, xe chở súc vật bệnh, ở các bãi chăn thả, chất thải chăn nuôi, giết mổ và mua bán gia súc bệnh.

- Heo sau khi khỏi bệnh vẫn bài thải virus 1-2 tháng, trâu bò có thể thải virus 3-6 tháng. Vì vậy có thể lây bệnh do chăn thả ngoài đồng cỏ đối với trâu, bò.

5. Triệu chứng

- Thời gian ủ bệnh từ 2-7 ngày.

- Sốt cao trên 40ºC, giảm ăn hoặc bỏ ăn, ủ rũ, thú hay nằm, chân đau không đứng vững, đi khập khiểng. Giai đoạn đầu của bệnh thú đứng hay nhấc chân lên rồi đổi chân do bị đau, nhưng khi bị nặng thì thú không đứng được và thường nằm.

- Chảy nhiều nước dãi có bọt trắng như bọt xà phòng.

- Các mụn đỏ xuất hiện ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi răng, trong mũi, lở loét và có nhiều màu sắc khác nhau như đỏ, vàng, xám

- Các mụn loét cũng xuất hiện ở quanh chỗ da tiếp giáp với móng chân, có thể làm long móng chân, thú đi lại khó khăn.

Mụn loét cũng xuất hiện ở núm vú trên các thú cho sữa làm cho vú nứt nẻ, chảy dịch, thú mẹ không cho con bú vì rất đau. Có thể gây sẩy thai ở thú mang thai.

6. Điều trị

- Mặc dù chưa có thuốc đặc trị virus lở mồm long móng, tuy nhiên phải điều trị các mụn mủ, các vết loét ở miệng, lưỡi, chân, núm vú … để ngừa phụ nhiễm, sút móng, giúp thú mau lành bệnh và ít mất sức. Việc điều trị phải thực hiện cùng lúc cả điều trị tại chỗ và toàn thân.

- Điều trị tại chỗ: Rửa các vết loét ở miệng, lưỡi, chân, móng, bầu vú bằng một trong các dung dịch như nước muối, acid citric 1% hoặc thuốc tím 1%, phèn chua 2% (hoặc dùng các loại trái cây chua như khế, chanh vắt lấy nước, nhúng vào vải gạc sạch rồi rửa nhẹ lên vết loét ở miệng, lưỡi ngày 2 lần). Sau khi rửa sạch các mụn mũ ở vú, chân bằng nước muối, lau khô, rồi dùng thuốc BIO-BLUE SPRAY để xịt vào vết thương. Các mụn loét ở chân phải băng lại để chống ruồi.

- Điều trị toàn thân: Sử dụng BIO-CEVIT hoặc BIO-ADE+B.COMPLEX để tăng cường sức đề kháng. Điều trị nhiễm khuẩn thứ phát bằng một trong hai kháng sinh như BIO-TYLOSIN-PC, hoặc BIO-D.O.C ® rất hiệu quả.

- Nếu thú bị suy nhược thì nên kết hợp truyền thêm BIO-GLUCOSE 5%

- Nhốt thú ở chuồng sạch và khô ráo, nên có tấm lót để thú không bị đau chân. Cho ăn thức ăn mềm để dễ nhai và dễ tiêu hóa. Ở những vùng khí hậu lạnh phải giữ ấm cho thú. Nếu điều trị đúng cách và chăm sóc tốt, thú sẽ lành bệnh sau 10-15 ngày.

7. Phòng bệnh

- Thực hiện tốt biện pháp an toàn sinh học & vệ sinh phòng bệnh. Do sau khi đã lành bệnh, thú vẫn còn bài thải virus một thời gian khá dài.Vì vậy, nên sát trùng chuồng trại 2 ngày 1 lần để tiêu diệt mầm bệnh và hạn chế lây lan với các thuốc sát trùng như BIOXIDE, BIODINE ®, BIOSEPT ®, BIO-GUARD

- Không chăn thả trên đồng cỏ khi trong vùng đã có gia súc bệnh lở mồm long móng.

- Chuồng nuôi heo nên làm xa chuồng trâu bò để tránh lây lan bệnh.

- Phòng bệnh bằng vắcxin. Ở nước ta nên dùng vắcxin đa giá có đủ 3 type virus A, O, Asia1 cho cả heo và trâu bò thì hiệu quả phòng bệnh sẽ cao hơn. Sau khi tiêm vaccin sẽ tạo miễn dịch được 6 tháng. Vì vậy, mỗi năm nên tiêm ngừa 2 lần.

- Chỉ mua thịt gia súc có dấu kiểm soát giết mổ và được bảo quản hợp vệ sinh. Không nên giết mổ thú bệnh tại nhà, không vận chuyển hoặc bán chạy thú bệnh.

Theo quy định của pháp lệnh thú y, súc vật bị bệnh lở mồm long móng phải thiêu hủy hoặc chôn sâu có thuốc sát trùng.

 

6521-ntm.002545_cach-phong-va-tri-hieu-qua-benh-lo-mom-long-mong.pdf