Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 536
Tổng truy cập : 562,826

Trồng trọt

Cách trồng và chăm sóc hoa nhài

Giới thiệu về các đặc tính sinh học của hoa nhài. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa nhài: chọn và nhân giống, trồng và chăm sóc, thu hái hoa


Hoa nhài tẻ hoa nhỏ, sai mà thơm, nhiều tinh dầu được ưa chuộng hơn nhài trâu hoa to, ít hoa mà không thơm.

1. Đặc tính sinh học:

Hoa nhài là loại cây bụi, cành nhỏ vươn dài, hoa trắng nở vào khoảng 7-8 giờ tối, hương thơm ngát. Nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng là 20- 33 độ C, nhiệt độ thấp 8-10 độ C cây sinh trưởng kém. Nhài ưa sáng do đó cần trồng nơi thoáng, rộng, không bị che bóng mới cho năng suất cao và hoa mới thơm. Nhài sống được trên nhiều loại đất khác nhau từ đất đồng bằng trung tính (pH từ 6,5-7) đến đất đồi núi hơi chua (pH từ 3,5-4); từ đất thịt nặng đến đất thịt pha cát, đất đồi núi nghèo dinh dưỡng, đất bạc màu nếu được chăm sóc tốt, bón phân, tưới nước đầy đủ vẫn cho năng suất hoa cao. Hoa nhài cần nước để sinh trưởng và ra hoa liên tục nhưng không chịu úng do đó cần trồng nơi cao ráo, tưới tiêu thuận lợi.

 

2. Chọn và nhân giống:

Có 2 loại hoa nhài: Hoa nhài tẻ hoa nhỏ, sai mà thơm, nhiều tinh dầu được ưa chuộng hơn nhài trâu hoa to, ít hoa mà không thơm. Bộ môn Cây hương liệu (Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc) đã tuyển chọn được giống nhài bụi hoa nhỏ vừa cho năng suất cao, chất lượng hoa thơm hơn nhiều so với các giống nhài khác. Cây hoa nhài dễ trồng, nhân giống chủ yếu bằng cách giâm cành cho ra rễ rồi đem trồng hoặc tách gốc từ cây mẹ để trồng trực tiếp. Nếu giâm cành thì chọn các cành bánh tẻ cắt thành từng đoạn 5- 7cm có 1 cặp lá, chấm gốc cành vào chất kích thích ra rễ (TTG) rồi giâm vào bầu hoặc trên mặt luống có bón nhiều phân chuồng, thường xuyên tưới đủ ẩm cho cây nhanh ra rễ. Làm giàn che, chăm sóc khoảng 4-5 tháng, khi cây có chiều cao 15-20cm, lá ổn định thì đem trồng ra ruộng.

 

3. Trồng và chăm sóc:

Hoa nhài có thể trồng quanh năm, nhưng với các tỉnh phía Bắc thời vụ tốt nhất từ tháng 2-4; các tỉnh phía Nam trồng trước và sau mùa mưa. Đất làm kỹ, nhặt sạch cỏ dại, sỏi đá, khơi mương rãnh thoát nước để ruộng nhài không bị úng ngập. Có thể trồng thành từng băng rộng 3-4m (nếu đất cao) với khoảng cách 40x50cm (45.000- 50.000 khóm/ha). Kinh nghiệm của bà con Đông Xuân (Sóc Sơn- Hà Nội) là lên luống rộng 70cm, cao 25- 30cm, rãnh rộng 30cm, trên mỗi luống trồng 2 hàng cách nhau 40cm, cây cách nhau 50cm cho năng suất hoa cao nhất. Cuốc hố, bón lót 1kg phân chuồng hoai mục + 0,3kg hỗn hợp lân và kali. Trộn đều phân với đất trước khi trồng cho khỏi bị xót rễ. Trồng bằng cành chưa ra rễ thì lấp sâu 10-15cm, trồng bằng gốc thì lấp kín phần cổ rễ, trồng bằng bầu cây thì lấp kín phần hom đã cắm vào bầu. Trồng xong tưới đẫm và thường xuyên tưới đủ ẩm cho nhài sinh trưởng, phát triển tốt. Khi cây đã bén rễ, hồi xanh, pha nước phân chuồng + 3% đạm urê để tưới. Sau mỗi đợt thu hoa thì bón thúc thêm cho cây bằng phân chuồng hoai, phân đạm, và kali bằng cách xới cách gốc 15cm, bón phân, lấp đất và tưới nhẹ. Có thể phun thêm các loại phân bón qua lá để tăng năng suất và chất lượng hoa. Hàng năm đốn trẻ hoá vườn nhài vào tháng 11-12 bằng cách dùng dao, kéo sắc cắt toàn bộ thân cành cách gốc 15-20cm, tỉa bỏ bớt các cành già, cành khô, cành sâu bệnh, bón thúc, tưới nước đủ ẩm để cây tiếp tục cho hoa vụ tới.

 

4. Thu hái hoa:

Hoa nhài trồng được 1 năm thì bắt đầu cho thu hoa lứa đầu và thu liên tục trong khoảng 7-10 năm mới phải trồng lại. Thời điểm thu hoa bắt đầu từ 10 giờ sáng, tốt nhất là từ 3-6 giờ chiều sẽ cho nhiều hương nhất. Chọn hái những nụ hoa to có màu trắng tinh như màu giấy trắng. Hoa hái về tải ra trên nền nhà chờ giao cho nhà máy hoặc đem đi ướp chè.

 


35319-ntm.00951_trong-va-cham-soc-hoa-nhai.pdf