Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1660
Tổng truy cập : 559,206

Trồng trọt

Canh tác cây khoai mì (cây sắn)

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác cây khoai mì: chuẩn bị đất, chuẩn bị giống, thời vụ trồng, phương pháp và mật độ trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây


Canh tác cây khoai mì (cây sắn)

 

I. CHUẨN BỊ ĐẤT:

1. Chọn đất:

Đất bằng phẳng, có thành phần cơ giới nhẹ (đất cát pha, thịt nhẹ), tơi xốp, không bị ngập úng, độ pH = 5 – 7 là thích hợp nhất.

2. Làm đất:

- Đất trồng khoai mì nhất thiết phải được thu dọn rễ cây, tàn dư thực vật, san bằng phẳng và xử lý cỏ dại,…

- Cày sâu 20 – 25cm, cày 2 lần, mỗi lần cách nhau 10 – 15 ngày, bừa 2 lần (lần 1 sau khi cày lật lần 1 khoảng 7 – 15 ngày và bừa lần 2 sau khi cày lần 2 từ 5 – 7 ngày).

- Vùng đất dốc thì làm đất tối thiểu để hạn chế xói mòn, rữa trôi. Nếu đất có độ dốc lớn ( > 8%) thì không cần cày bừa mà cuốc hốc trồng trực tiếp.

- Trồng mì trên đất dốc theo đường đồng mức (luống trồng vuông góc với độ dốc).

- Trồng xen canh hoặc luân canh với các cây họ đậu như đậu phụng, đậu xanh, đậu đen… có tác dụng làm tăng dinh dưỡng đất, phục hồi độ phì sau khi trồng khoai mì. Đây là một trong những biện pháp canh tác bền vững đối với đất trồng khoai mì. Không nên trồng độc canh cây khoai mì nhiều năm liền.

II. CHUẨN BỊ GIỐNG:

 Một số giống khoai mì có năng suất cao như KM 60, KM 95, SM 937-26, KM 98-1, KM 98-5, KM 140, KM 94… (28 – 30 tấn, hàm lượng tinh bột từ 28 – 30%).

- Chọn cây phải đạt ít nhất 6 tháng tuổi, khỏe mạnh, không nhiễm sâu bệnh, nhặt mắt, không bị khô, không trầy xước để làm hom giống.

- Thời gian bảo quản giống không quá 60 ngày, bó từng bó để đứng nơi khô ráo, có bóng mát. Hom giống lấy từ 1/3 ở đoạn giữa thân, chiều dài hom 12 – 15cm, đường kính thân trên 1,7cm và đạt từ 3 – 4 mắt, chặt hom không quá ngắn hoặc quá dài, dùng dao sắc để chặt và tránh làm hom bị dập. Xử lý hom trước khi trồng bằng cách nhúng vào các hỗn hợp diệt nấm.

III. THỜI VỤ TRỒNG:

* Vụ 1: Trồng từ tháng 4 đến tháng 5 và thu hoạch vào tháng 1 đến tháng 3 năm sau. Ở vụ này nên tranh thủ trồng sớm khi đất đủ độ ẩm, khô hạn làm giảm khả năng mọc mầm.

* Vụ 2: Trồng vào tháng 9 đến tháng 10; thu hoạch vào tháng 7 – 8 năm sau.

IV. PHƯƠNG PHÁP VÀ MẬT ĐỘ TRỒNG:

1. Phương pháp trồng:

- Trồng hom nằm ngang trên những diện tích đất tương đối bằng phẳng.

- Ở những diện tích đất có mưa nhiều, thoát nước kém có thể lên luống hoặc lên liếp để trồng; đặt hom đứng hoặc xiên. Nếu trồng vào vụ cuối mưa (trái vụ) thì nên đặt hom đứng.

2. Khoảng cách và mật độ trồng:

- Đất tốt và trung bình trồng với khoảng cách 1,0 x 1,0m (tương đương với 10.000 cây/ha).

- Đất xấu trồng với khoảng cách 1,0 x 0,8m hoặc 0,8 x 0,8m (tương đương với 12.500 – 16.000 cây/ha).

- Có thể trồng xen các cây họ đậu (đậu phụng, đậu xanh…) với trồng mì. Khoảng cách giữa 2 hàng mì từ 1,0 – 1,2m. Đối với cây đậu hàng cách hàng 25 – 30cm và cây cách cây 15 – 20cm. Đặc biệt phải luân canh đối với những ruộng mì bị nhiễm bệnh chổi rồng nặng bằng cách trồng bắp, mè, dưa lấy hạt… tối thiểu là 1 năm.

V. CHĂM SÓC:

1. Trồng dặm:

Sau khi trồng 10 – 12 ngày, hom đã nảy mầm. Khoảng 18 – 20 ngày nếu đất còn độ ẩm thì dặm lại các hom không nảy mầm hoặc mầm yếu.

2. Bón phân:

- Mì hút nhiều dinh dưỡng, do đó để đảm bảo năng suất cao cần bón phân đầy đủ và cân đối NPK; có thể phun thêm phân bón lá để bổ sung trung vi lượng cho cây; đặc biệt là tăng cường bón phân hữu cơ.

* Lượng phân cho 1ha:

- Phân chuồng 5 – 10 tấn hoặc phân vi sinh 0,5 – 1 tấn.

- Phân hóa học:

+ Bón 80kg N + 40kg P2O5 + 80kg K2O (khoảng 175kg Urea + 200 Super lân + 130kg KCl)

+ Nếu thâm canh, bón 160kg N + 80kg P2O5 + 160kg K2O (khoảng 350kg Urea + 400 Super lân + 260kg KCl). Nếu đất chua cần bổ sung thêm từ 500 – 700kg vôi.

* Thời gian bón:

+ Bón lót: toàn bộ phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh + phân lân + vôi khi cày bừa hoặc bón theo hốc trước khi trồng;

+ Bón thúc bón theo hốc (cách gốc hoặc hom khoai mì 15 – 20cm).

Lần 1: 25 – 30 ngày sau trồng (1/2 phân đạm + 1/2 kali);

Lần 2: 50 – 60 ngày sau trồng (1/2 phân đạm + 1/2 kali).

3. Trừ cỏ dại:

- Phun thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm Dual hoặc Antaco với lượng dùng là 2,5 lít/ha, phun ngay sau khi trồng từ 1 – 2 ngày, đảm bảo nồng độ và lượng nước phun và ẩm độ đất đủ cho thuốc có thể thấm xuống đất từ 2 – 3cm.

- Có thể kết hợp giữa làm cỏ bằng tay và phun thuốc là tốt nhất: làm cỏ bằng tay 1 lần sau khi trồng từ 25 – 30 ngày, sau khi làm cỏ xong phun thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm Dual hoặc Antaco với lượng dùng là 1,2 lít/ha. Khi phun tránh thuốc dính vào đọt mì non. Nếu có điều kiện phủ bề mặt ruộng bằng tấm nhựa PE để khống chế cỏ dại.

VI. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI:

 Cây mì ít bị sâu bệnh, nhưng cần chú ý một số đối tượng thường xuất hiện như nhện đỏ, bệnh thối đọt, bệnh xì mủ…, đặc biệt là bệnh chổi rồng.

Một số sâu bệnh hại thường gặp:

1. Sâu hại:

- Bọ cánh cứng: Phun các thuốc thông thường điều trị như: Oncol,…

- Nhện đỏ: Thường xuất hiện ở mùa khô gây cho khoai mì cháy khô từng vùng, dùng Admire, Comite, Nissorun…

- Rệp sáp: Phun một trong các thuốc như: SK Enspray, DC-Tron Plus, Map Permethrin, Wimax…

- Sùng trắng: Dùng một trong các loại thuốc hạt như: Carbofuran, Vibasu, Vicap, Visa, Padan, Regent, Diazinon…

Trong quá trình để giống, sử dụng các loại thuốc đặc trị rầy, rệp phun định kỳ 15 – 20 ngày/lần để ngăn ngừa cho đến khi trồng.

2. Bệnh hại:

- Bệnh thối đọt, cháy lá: Dùng Benlate, Benlate-C, Copper-B, Bavistin…

- Bệnh xì mủ: Hiện nay chưa có thuốc trị, chỉ phòng trừ môi giới truyền bệnh là chính.

- Đốm lá: Phun một trong các loại thuốc như: Score, Carbenzim, Carbendo..

- Phấn trắng: Phun một trong các loại thuốc như: Manozed, Kumulus, Sumi Eight, Carbendo, Score,…

 9900-ntm.003148_quy-trinh-ky-thuat-canh-tac-cay-khoai-mi-cay-san.pdf