Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1723
Tổng truy cập : 559,438

Chăn nuôi

Chăm sóc lợn con sơ sinh đến khi cai sữa

Hướng dẫn phương pháp kỹ thuật chăm sóc lợn con sơ sinh đến cai sữa: cho lợn con bú sữa đầu; cố định đầu vú; nhốt riêng lợn con vào lồng úm; quan sát, chăm sóc lợn mẹ; tiêm sắt cho lợn con; tập ăn cho lợn con.


Thứ nhất: Cho lợn con bú sữa đầu

Lợn con mới sinh cần được lau khô, cắt rốn và cho bú sữa đầu ngay vì sữa đầu có chứa hàm lượng kháng thể A-globulin và MgSO4... Nhưng sữa đầu chỉ hiện diện trong vòng 24 giờ sau khi sinh nên cần phải cho lợn con bú sữa đầu càng sớm càng tốt để có thể nhận được kháng thể của mẹ truyền qua sữa. Đồng thời cho lợn con bú còn tạo sự kích thích để tiết ra Oxytocin giúp lợn mẹ tăng sự co bóp tử cung sinh con nhanh hơn, đồng thời giảm áp lực gây căng cứng bầu vú ở lợn mẹ. Tuy nhiên, không nên cho bú quá lâu vì có thể làm lợn con bị mất năng lượng, cứng hàm.

Thứ hai: Cố định đầu vú

Cố định đầu vú của lợn mẹ để lợn con bú đúng vị trí sẽ đảm bảo được tất cả lợn con đều được bú sữa đầu, nhất là trong trường hợp số lợn đẻ ra vượt quá số vú thì cần thực hiện cho bú luân phiên. Việc này cũng góp phần làm nâng cao tỷ lệ đồng đều của bầy lợn con, vì do giữa các vú khác nhau sẽ có sản lượng sữa khác nhau.

Thứ ba: Nhốt riêng lợn con vào lồng úm

Lợn con sơ sinh không thể tự điều chỉnh nhiệt độ bên trong cơ thể cho đến khi được vài ngày tuổi. Do đó, cần úm cho lợn con để phòng ngừa cảm lạnh. Trong những ngày đầu tiên, nhiệt độ lồng úm ở mức 320C.

Thứ tư: Quan sát, chăm sóc lợn mẹ

Lợn mẹ thừa sữa (bệ sữa phát triển to), lợn con bú không hết dễ gây tình trạng đọng sữa gây viêm vú. Trường hợp này, nên hạn chế thức ăn cho lợn mẹ và cho lợn con bú nhiều cữ hơn. Sau khi lợn con bú xong, gom chúng vào ổ úm cũng là biện pháp tốt để tránh tình trạng lợn con bị lạnh về đêm, dễ gây rối loạn tiêu hóa.

Mỗi lần cho lợn con bú và gom vào ổ úm, người chăm sóc phải quan sát kỹ tình trạng sức khỏe lợn con, cần tái sát trùng rốn, kiểm tra sức bú của lợn con, sự xuống sữa của lợn mẹ, tình trạng tiêu chảy của lợn con, nhịp thở và phát hiện sớm những con thiếu sữa mẹ, vú mẹ không sữa, để sớm ghép sang đàn khác.

Thứ năm: Tiêm sắt cho lợn con

Khi lợn con 3 ngày tuổi, tiến hành tiêm chất sắt (khoảng 1 ml chế phẩm chứa 100 mg Fe3+/con) và tiến hành tiêm lặp lại lần hai cách 10 ngày sau, để chống thiếu chất sắt lúc 3 tuần tuổi. Một số chế phẩm có chứa các yếu tố cần thiết để tạo hồng cầu như đồng, sinh tố B12…cũng rất hữu dụng.

Thứ sáu: Tập ăn cho lợn con

Khi được 10 ngày tuổi, tập cho lợn con ăn sớm để tránh khủng hoảng vì thiếu sữa mẹ trong tuần tuổi thứ tư (sữa mẹ giảm sau tuần thứ 3). Việc tập ăn giúp cho lợn con biết ăn sớm. Có thể sử dụng các loại tấm, ngô, đậu nành rang xay hoặc nấu chín, có mùi thơm, nhét vào miệng lợn con vài lần cho quen và luôn luôn để thức ăn tập ăn vào ổ úm hay máng bán tự động để lợn con tự do liếm láp. Phải cho lợn con làm quen với nguồn gluxit, lipit, chất đạm của các loại thức ăn thông thường để hệ thống tiêu hóa lợn con sớm bài tiết các enzym tiêu hóa thích hợp.

Khi lợn con bắt đầu ăn mạnh thì thay thế dần thức ăn tập ăn bằng thức ăn hỗn hợp. Nếu có điều kiện, cho ăn thêm thức ăn xanh càng tốt, nhưng phải rửa thật sạch để tránh nhiễm ký sinh trùng đường ruột.

Sự tăng trưởng và sức kháng bệnh của lợn con thời kỳ này phụ thuộc vào lợn mẹ. Nếu lợn mẹ được tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, nuôi dưỡng tốt trong lúc mang thai và tiết sữa, thì đàn lợn con sẽ tăng trọng nhanh, ít bệnh tật. Nếu lợn mẹ bị bệnh viêm vú, viêm tử cung sốt, bỏ ăn, kém ăn, viêm khớp…, đàn lợn con thường bị ảnh hưởng xấu, gầy còm, tăng trọng kém, dễ bị tiêu chảy, tỷ lệ chết cao.

Thứ bảy: Vệ sinh chuồng trại

Cần vệ sinh chuồng kỹ, tránh đọng chất bẩn, phân, thức ăn hư mốc ở các hốc ngách, góc tường, máng uống, ổ úm.

Như vậy việc chăm sóc lợn con theo mẹ là việc làm cần thiết, người chăn nuôi cần lưu ý và thực hiện tốt để có được đàn lợn con đồng đều và khỏe mạnh.

 40745-ntm.003007_huong-dan-cham-soc-lon-con-so-sinh-den-khi-cai-sua.pdf


Đinh Thu Phương - Chi cục Thú y Phú Thọ