Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 1672 |
Tổng truy cập : | 559,022 |
Chăn nuôi
Chăm sóc sức khỏe vật nuôi thời điểm giao mùa
Để đảm bảo sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi trong thời điểm giao mùa, người chăn nuôi cần áp dụng một số biện pháp sau: chế độ dinh dưỡng, chủ động phòng bệnh bằng văc xin, tăng cường vệ sinh chuồng trại, thường xuyên kiểm tra, thăm khám sức khỏe cho con vật, vận chuyển vật nuôi
Vào thời điểm tháng 9 (tháng 8 âm lịch) tại khu vực phía Bắc vẫn có mưa nhiều, mưa kéo dài, lưu lượng nước ở các khu vực tăng lên, độ ẩm cao. Bên cạnh đó thời tiết thường xuyên thay đổi đột ngột, thường có các đợt gió mùa đông bắc. Thời tiết se lạnh, kèm theo mưa phùn, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để nhiều loại mầm bệnh phát sinh phát triển tấn công vật nuôi.
Đối với trâu, bò một số bệnh hay nhiễm tại thời điểm này như bệnh viêm phổi, hội chứng tiêu chảy hoặc có thể xảy ra các bệnh truyền nhiễm như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, cảm lạnh. Đàn bò sữa ngoài các bệnh trên có thể mắc các bệnh về sinh sản như viêm vú, viêm tử cung âm đạo, bệnh chậm sinh.... Trên đàn lợn một số bệnh thường gặp như tai xanh, lở mồm long móng và hay gặp nhất là 04 bệnh đỏ (Tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, đóng dấu). Ở lợn con,lợn mới xuất chuồng hay mắc hội chứng tiêu chảy, viêm phổi, Ecoli ... Với gia cầm, một số bệnh hay gặp trong giai đoạn chuyển mùa từ hè sang thu như bệnh tụ huyết trùng, Gumboro, Newcastle, bệnh cúm, hội chứng tiêu chày. Ở chó mèo hay xảy ra các bệnh như care, tiêu chảy, viêm ruột, đặc biệt rất dễ xảy ra bệnh dại là bệnh truyền nhiễm có thể lây sang người và gia súc khác.
Để đảm bảo sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi trong thời điểm giao mùa, người chăn nuôi cần áp dụng một số biện pháp sau:
* Chế độ dinh dưỡng: Với trâu, bò, nhất là bò sữa cần cân đối lượng thức ăn tinh và thức ăn thô xanh để cho con vật ăn đầy đủ. Chú ý ủ thức ăn xanh hoặc ủ rơm với Ure để dự trữ thức ăn mùa đông cho bò, mặt khác khi trâu bò được ăn thức ăn ủ chua còn có tác dụng kích thích cho con vật ngon miệng, ăn tốt hơn. Để chủ động thức ăn mùa đông sắp tới ngay từ bây giờ người chăn nuôi cần chú ý chăm sóc diện tích trồng cỏ, thu mua các loại cỏ thân cây ngô, cây họ đậu, rơm tươi, rơm khô sau thu hoạch để ủ dự trữ thức ăn cho trâu bò bằng phương pháp ủ chua và ủ rơm với Ure. Bên cạnh chế độ ăn, cần đảm bảo đủ nước uống cho con vật, nước uống bổ sung một lượng muối nhất định, cần cho con vật uống nước sạch, nếu trong ngày nhiệt độ xuống thấp, trời lạnh cần cho con vật uống nước ấm.Trong thức ăn hàng ngày nên bổ sung các loại khoáng chất, vitamin để giúp cho con vật nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn mầm bệnh. Đối với lợn và gia cầm có thể bổ sung trực tiếp vào thức ăn, nước uống một số vitamin, khoáng chất, chất điện giải cho con vật ăn trực tiếp. Khi sử dụng thức ăn trực tiếp chú ý kiểm tra phát hiện thức ăn có nấm mốc, mùi vị không bình thường cần loại bỏ ngay, tuyệt đối không cho con vật ăn. Với thức ăn ủ chua, ủ rơm với Ure phải đảm bảo có mùi vị đặc trưng, không cho con vật ăn thức ăn ủ bị hỏng mốc, có mùi vị khác thường.
* Chủ động phòng bệnh bằng vac xin: Tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của cơ quan thú y,một số vác xin cần tiêm ngay tại thời điểm này và đảm bảo tiêm phòng định kỳ như với trâu, bò tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Đàn lợn đảm bảo tiêm phòng 04 bệnh đỏ (tụ huyết trùng, dịch tả, đóng dấu, phó thương hàn),bệnh tai xanh, lở mồm long móng. Với lợn nái tiêm thêm vác xin leptospira,suyễn lợn, lợn con tiêm vác xin Ecoli. Với đàn gia cầm đảm bảo tiêm đầy đủ vác xin Newcastle, gumboro, cúm gia cầm, đàn chó, mèo tiêm phòng vác xin dại, Care ...
* Tăng cường vệ sinh chuồng trại: Hai công đoạn cần làm trong vệ sinh chuồng trại là vệ sinh cơ giới và phun thuốc sát trùng. Vệ sinh cơ giới là quét dọn rửa chuồng,khơi thông cống rãnh không để ứ đọng nước, lưu ý, khâu này cần được làm thường xuyên hàng ngày. Sau khi vệ sinh cơ giới xong phun thuốc sát trùng, một số loại thuốc sát trùng có hiệu quả cao, an toàn như Vikol, Halamit, Biocid, Haniodil.Việc phun phòng tốt nhất là phun định kỳ, diện tích phun rộng cả khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh. Đối với các trang trại cần thực hiện tốt việc dùng các hố sát trùng và rắc vôi bột ngoài khu vực chuồng nuôi. Đối với các hộ còn nuôi ở trong gia đình cần lưu ý hệ thống thoát nước thải ra ngoài khu dân cư, tốt nhất cần có hệ thống bioga để bảo vệ môi trường chăn nuôi cũng như môi trường công cộng. Hiện nay có một số sản phẩm khử mùi hôi trong chuồng có tác dụng rất tốt để xử lý chuồng trại như sản phẩm Farm Cleam, sử dụng 50g/10m2, nếu là hố ủ thì sử dụng 50g/m3, cách sử dụng là trực tiếp rắc trên nền chuồng hoặc trực tiếp vào hố ủ.
Những ngày này, cần chú ý che chắn chuồng trại, tránh gió lùa, nhất là những ngày có gió mùa đông bắc. Tốt nhất chủ động che chắn chuồng trại cho con vật vào ban đêm vì thời điểm giao mùa này sáng sớm thời tiết thường trở lạnh hoặc có gió mùa đông bắc. Khi có mưa phùn hoặc mưa bão kéo dài, ẩm độ cao cần giữ ấm cho con vật, nhất là đối với con vật non, mới sinh.
* Thường xuyên kiểm tra, thăm khám sức khỏe cho con vật: Thời gian chuyển mùa con vật rất dễ có biểu hiện không bình thường nên cần thường xuyên để ý, kiểm ra thăm khám cho con vật. Khi phát hiện con vật không bình thường (bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, con vật đi đứng không bình thường, thích nằm, biểu hiện mệt mỏi ..) cần tách con vật nuôi nhốt riêng để theo dõi. Biện pháp làm ngay là giữ ấm cho con vật, cho con vật ăn uống tốt, có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng riêng, sau một vài ngày nếu con vật tiến triển tốt trở lại bình thường cho nhập đàn trở lại.Trường hợp thấy con vật có các biểu hiện triệu chứng nặng lên, tiến triển không tốt cần báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp phòng trị bệnh tích cực kịp thời.
* Vận chuyển vật nuôi: Khi có nhu cầu vận chuyển con vật trong thời điểm chuyển giao mùa, cần chú ý theo dõi thông tin về thời tiết để tránh và hạn chế thấp nhất vận chuyển con vật vào những ngày có mưa, gió mùa đông bắc. Chú ý đảm bảo các quy trình vận chuyển cho con vật, thực hiện nghiêm kiểm dịch vận chuyển để đảm bảo an toàn dịch bệnh.Khi mới nhập đàn trong thời điểm này với trâu bò ngoài việc tiêm phòng các vác xin thông thường cần tiêm phòng thuốc phòng ký sinh trùng đường máu để phòng một số bệnh như tiên mao trùng, lê dạng trùng, biên trùng. Khi vận chuyển đảm bảo phương tiện vận chuyển tốt, có che chắn và vật dụng đệm nót tốt đồng thời đảm bảo dinh dưỡng để tăng sức khỏe cho con vật.
91446-ntm.00536_cham-soc-suc-khoe-vat-nuoi-thoi-diem-giao-mua.pdf