Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 13646
Tổng truy cập : 2,032,743

Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác

Chuột hại và biện pháp phòng trừ

Bài trích giới thiệu về các tác hại và đặc điểm của chuột. Từ đó đưa ra các biện pháp phòng trừ: biện pháp thủ công, biện pháp sinh học, biện pháp hóa học..


I. Tác hại của chuột:

Chuột là đối tượng dịch hại quan trọng. Chuột gây hại cây trồng từ khi gieo trồng đến thu hoạch, chuột gây hại nông sản dự trữ trong kho; Mỗi con chuột ăn trong một ngày có thể hết số lượng thức ăn nặng bằng trọng lượng cơ thể của nó. Chuột ăn nhiều lần trong ngày - đêm, tiêu hóa cũng liên tục. Chuột ăn và dự trữ thức ăn (có con dự trữ trong hang tới 1 -2 kg lương thực). Nhiều cánh đồng lúa, hoa màu bị chuột tàn phá ít là 5% nhiều là 30 - 50 %, có nơi tới 80%. Đặc biệt chuột có bộ răng dài ra liên tục nên chúng có tập quán mài răng nên gây ra những tác hại rất lớn khác nữa như cắn phá các tác phẩm văn hoá, vật dụng gia đình,sách vở, quần áo, vật nuôi,.. chuột đào phá đê đập, mương máng, đường giao thông, các công trình xây dựng; chuột là môi giới lây truyền bệnh nguy hiểm cho người.

II. Đặc điểm của chuột:

Chuột là một loài gặm nhấm thuộc động vật có vú nhỏ, có đại não phát triển, nên chuột rất tinh ranh, đa nghi, di chuyển rộng và hoạt động bầy đàn; chuột có khả năng sinh sản và tái lập quần thể rất nhanh chóng. Nên việc diệt chuột đòi hỏi phải tuân thủ theo những quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt và phải dựa vào các đặc tính sinh lý của chuột để đưa ra những biện pháp diệt chuột hiệu quả.

III. Biện pháp diệt trừ chuột:

Để diệt chuột đạt được hiệu quả cao nhất ta phải kết hợp luân phiên nhiều biện pháp khác nhau như biện pháp thủ công, biện pháp sinh học, biện pháp hóa học…Dù là phương pháp nào chúng ta cũng phải nghiên cứu kỹ đặc điểm, tình hình hoạt động của chuột ở từng khu vực, từng thời điểm để đạt được hiệu quả cao nhất và an toàn với môi trường, vật nuôi và sức khỏe con người; phải tổ chức phong tràodiệt chuột đồng loạt trên diện rộng vào thời kỳ chuột chưa vào mùa sinh sản hoặc trong giai đoạn chuyển tiếp giữa các vụ sản xuất.

1. Biện pháp thủ công:

 - Vệ sinh đồng ruộng: Phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ bờ ruộng, bờ mương không để đất hoang hóa cỏ mọc um tùm hạn chế nơi cư trú của chuột.

- Tổ chức đào bắt, đánh bẫy, đổ nước vào hang chuột, hun khói, dùng chó mèo săn đuổi để bắt chuột,  dùng đất đèn đổ vào hang…để tiêu diệt chuột.

2. Biện pháp sinh học:

Sử dụng thiên địch của chuột để diệt chuột như duy trì và phát triển đàn mèo, chó; bảo vệ các loài trăn, rắn…

3. Biện pháp hóa học:

 Sử dụng các loại thuốc diệt chuột trong danh mục được phép sử dụng trong nông nghiệp của Bộ NN-PTNT như:Biorat; Rat-K 2%D, CAT0,25WP,Ranpart 2%D, Fokeba 20%, Klerat 0,05%, Storm 0,005%, Musal 0,005WB… ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít độc hại với môi trường. Trộn với lúa mầm hoặc cám thực phẩm, tôm, cua cá… Đặt mồi trộn ở bờ ruộng nơi gần hang hoặc gần đường đi của chuột, trên bờ mương, chân đê, bờ ruộng để diệt chuột. Nơi đặt bả phải cách xa nguồn nước sinh hoạt, xa các bãi chăn thả gia súc, gia cầm. Đặt bả vào chiều tối và sáng sớm, hôm sau phải thu nhặt bả thừa và xác chuột chết đem chôn.

Chú ý:

- Trước khi đặt bả phải thông báo rộng rãi cho người dân biết cụ thể về thời gian, địa điểm đặt bả để chủđộng nhốt gia súc, gia cầm.

-Người trực tiếp trộn thuốc và đặt bả phải sử dụng bảo hộ lao động như đeo khẩu trang và găng tay.

- Không đặt bả gần nguồn nước sinh hoạt, trong chuồng trại chăn nuôi.

- Tổ chức thu gom chôn xác chuột chết, thu gom xử lý bao bì thuốc đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường.

 - Trong trường hợp bị ngộ độc do tiếp xúc với thuốc(ăn, uống thực phẩm có dính thuốc…) phải kịp thời chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

 2217-ntm.00538_chuot-hai-va-bien-phap-phong-tru.pdf