Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 11581
Tổng truy cập : 2,030,240

Bà con cần biết

Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất rau, quả trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

HĐND thành phố vừa ban hành Nghị quyết số 19/2019/NQ-HĐND Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất rau, quả trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.


Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là: Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp đầu tư tổ chức sản xuất trong vùng sản xuất tập trung (gọi tắt là người sản xuất); Hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện tổ chức quản lý sản xuất, thu mua sản phẩm trong vùng sản xuất tập trung cung cấp cho doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản (gọi tắt là người tổ chức sản xuất). Trên nguyên tắc hỗ trợ, chỉ thực hiện hỗ trợ cho người sản xuất và người tổ chức sản xuất trong vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có diện tích tối thiểu là 5 ha; đáp ứng đầy đủ các điều kiện tương ứng của từng chính sách cụ thể theo quy định.

Thành phố sẽ hỗ trợ về: giống cây trồng; phân bón; lãi suất vốn vay đầu tư phát triển sản xuất; tổ chức quản lý sản xuất, thu mua sản phẩm. Về hỗ trợ giống cây trồng, hỗ trợ cho người sản xuất một lần trồng mới 100% hạt giống (hoặc cây giống) cho vụ đầu đối với cây rau và 100% cây giống (hoặc hạt giống) cho lần đầu trồng cây ăn quả. Về hỗ trợ phân bón, hỗ trợ cho người sản xuất 50% phân bón trong năm đầu (12 tháng) đối với cây ăn quả trồng mới và trong một vụ trồng mới (một chu kỳ sản xuất) đối với cây rau. Đối với hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ cho người sản xuất 100% lãi suất vốn vay ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất rau, quả; mức lãi suất được hỗ trợ không vượt quá 10%/năm. Với hỗ trợ tổ chức quản lý sản xuất, thu mua sản phẩm, hỗ trợ cho người tổ chức sản xuất chi phí tổ chức quản lý sản xuất và thu mua sản phẩm: 2 triệu đồng/ha/năm trong 5 năm đầu đối với cây ăn quả; 5 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm đầu đối với cây rau.

HĐND thành phố giao UBND thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể và chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo UBND các quận, huyện tổ chức ký hợp đồng thu mua nông sản giữa người sản xuất (hoặc đại diện người sản xuất là hợp tác xã, tổ hợp tác) với doanh nghiệp thu mua nông sản; yêu cầu các doanh nghiệp phải có cam kết với chính quyền và người sản xuất nhằm ổn định giá thu mua sản phẩm, thu nhập của người dân. Giao Thường trực HĐND thành phố, các ban của HĐND thành phố, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nguồn: khuyennonghaiphong.gov.vn