Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 1504 |
Tổng truy cập : | 558,409 |
Chăn nuôi
Công tác chuẩn bị cho tái đàn vật nuôi
Hướng dẫn công tác chuẩn bị, vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại để tái đàn cho người chăn nuôi để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm
Công tác chuẩn bị cho tái đàn vật nuôi
Với tốc độ tái đàn tăng cao, để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm người chăn nuôi cần làm tốt công tác chuẩn bị, vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại để tái đàn
Hiện nay ở các tỉnh miền Bắc nước ta chuẩn bị bước vào vụ sản xuất đông xuân, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, rét đậm kéo dài, xen kẽ những ngày nhiệt độ tăng cao, ban đêm xuống thấp, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tăng nguy cơ mắc và bùng phát dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm.
Mặt khác vào thời điểm trước, trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm gia tăng và rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, tâm lý người chăn nuôi thường chủ quan, ít quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Từ thực trạng trên, với tốc độ tái đàn tăng cao, để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm người chăn nuôi cần làm tốt công tác chuẩn bị, vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại để tái đàn như sau:
1. Chuẩn bị chuồng trại, dụng cụ, trang thiết bị trước khi nhập con giống
- Khu vực chăn nuôi phải tách riêng biệt với khu nhà ở, kho thức ăn, kho đựng dụng cụ, vật tư chăn nuôi. Phải có hàng rào hoặc tường bao ngăn cách xung quanh khu vực chăn nuôi. Trước cổng trại, trước mỗi dãy chuồng, trước cửa chuồng nuôi phải có hố khử trùng chứa dung dịch chất sát trùng hoặc vôi bột.
- Kiểm tra, tu sửa lại chuồng nuôi: Chuồng nuôi đảm bảo cao ráo, dễ thoát nước, nền chuồng không tù đọng chất thải vật nuôi. Gia cố lại mái chuồng và hệ thống rèm che đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, không để mái chuồng dột khi mưa, tránh nắng nóng, không bị mưa tạt, gió lùa.
- Tu sửa lại hệ thống điện sáng, hệ thống chụp sưởi, hệ thống cấp nước, máng ăn, máng uống...
2. Công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi
- Trước khi nhập giống về nuôi phải quét dọn, cọ rửa, vệ sinh sạch sẽ sau đó phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng nuôi và khu vực xung quanh, khơi thông cống rãnh và rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi.
- Các trang thiết bị chăn nuôi được vệ sinh sạch sẽ, dụng cụ chăn nuôi như máng ăn, máng uống, xô chậu… phải được cọ rửa sạch, phun thuốc sát trùng hoặc phơi nắng.
- Phải có thời gian trống chuồng trước khi nhập đàn vật nuôi mới, thời gian trống chuồng ít nhất là 2 tuần (đối với nuôi gia súc, gia cầm lấy thịt), 4 tuần (đối với chăn nuôi sinh sản).
3. Lựa chọn, nhập mua con giống
- Vật nuôi tái đàn phải rõ nguồn gốc xuất xứ, có giấy chứng nhận KDĐV, con giống phải khỏe mạnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Không mua giống ở vùng có dịch, vùng không an toàn dịch bệnh.
- Con giống nhập về phải nuôi cách ly (nuôi tân đáo), theo dõi ít nhất 2 tuần và thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định thú y.
4. Chuẩn bị thức ăn, nước uống, vật tư, thuốc thú y
- Chuẩn bị đầy đủ thức ăn, nước uống đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, phù hợp từng lứa tuổi, đối tượng vật nuôi.
- Bổ sung thuốc trợ sức, trợ lực (MultiVit, Bcomplex, điện giải, ADE...) để tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi khi mới mua về.
- Phải dự phòng vật tư, thuốc thú y để sử dụng cho đàn gia súc, gia cầm khi cần thiết.
Lưu ý: Trong quá trình thực hiện công việc, người chăn nuôi phải thực hành đúng quy trình vệ sinh thú y: mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, đi ủng, đeo kính bảo hộ, đội mũ, đi găng tay, sau khi thực hiện công việc xong phải tắm rửa và sát trùng tay, chân, quần áo và các vật dụng có liên quan.
98551-ntm.003122_cong-tac-chuan-bi-cho-tai-dan-vat-nuoi.pdf
KS. Trần Văn Trung