Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1619
Tổng truy cập : 558,728

Trồng trọt

Để rau được an toàn với phân bón

Hướng dẫn cách chọn lọc phân bón và chất bổ sung, cách xử lý và sử dụng phân bón an toàn, tuân thủ thời gian cách ly phân bón để cây phát triển an toàn đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.


Phân bón là dinh dưỡng không thể thiếu để cây trồng sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Song, cũng giống như các nhân tố đất, nước, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón luôn tiềm tàng, ẩn chứa rất nhiều nguy cơ ô nhiễm cho cây trồng đặc biệt là cây rau. Đó là các nguy cơ ô nhiễm về sinh học (virus, vi khuẩn, nấm) và hóa học (các nguyên tố kim loại nặng, hàm lượng nitơrat). Vì vậy, việc sử dụng phân bón hợp lý và an toàn cho cây trồng nói chung, cây rau nói riêng là một việc làm cần thiết, phục vụ cho sức khỏe con người.

Chọn lọc phân bón và chất bổ sung:

- Chỉ được sử dụng phân bón và chất bổ sung đáp ứng được giới hạn cho phép về kim loại nặng, tạp chất thấp. Để làm được điều này, nông dân cần mua phân bón đòi hỏi phải có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng  phân bón có trong danh mục được phép sản xuất của các công ty có giấy phép kinh doanh nhà nước).

- Không sử dụng phân bón không nhãn mác, nguồn gốc hoặc quá hạn sử dụng.

- Không sử dụng các loại phân hữu cơ chưa qua xử lý để bón cho rau vì chúng chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh.

Xử lý phân bón an toàn:

Đối với phân chuồng dùng để bón cho rau cần phải được xử lý ít nhất 06 tuần (thông qua ủ thông thường), đảo thường xuyên để đảm bảo đủ nhiệt độ, độ ẩm cho các chất hữu cơ có thời gian phân hủy.

Sử dụng phân bón an toàn:

- Đối với phân hữu cơ, nếu bón cho các cây rau có thời gian sinh trưởng trong vòng 60 ngày cần bón lót cho cây 100% (vùi phân vào đất) nhằm giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc của các sản phẩm hữu cơ với phần ăn được của cây rau. Đồng thời, đảm bảo khi phân đem bón phải mục (phân tơi xốp và không thấy mùi thối).

- Đối với phân vô cơ: Cần bón đủ liều lượng đối với mỗi loại phân, cho từng loại rau theo quy trình kĩ thuật. Tránh bón phân đạm quá mức sẽ gây tồn dư nitơrat trong rau.

- Không sử dụng phân bón và chất bổ sung khi điều kiện chưa thích hợp. Ví dụ, khi đất còn quá ướt hoặc trong những ngày mưa... để tránh phân bón gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm.

- Không bón phân hữu cơ vào những ngày có gió, nhất là ở những ruộng gần nơi cây rau sắp sửa được thu hoạch.

Tuân thủ thời gian cách ly phân bón:

Hàm lượng nitơrat tồn dư trong nông sản là yếu tố chính gây nên bệnh ung thư cho con người. Vì vậy, để rau quả được an toàn cho người sử dụng, không nguy hại đến tính mạng của con người, trước hết, người làm ra những sản phẩm này cần phải biết rõ thời gian cách ly đối với từng loại phân bón. Cụ thể là phân hữu cơ và phân đạm.

Theo hướng dẫn có trong Vietgap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam) thì việc đảm bảo cho rau quả được an toàn đối với phân bón, yêu cầu:

- Chỉ bón phân hữu cơ đã được xử lý triệt để và dừng bón trước thời điểm thu hoạch tối thiểu là 2 tuần.

- Đối với phân vô cơ, cần bón đủ liều lượng phân đạm theo quy trình kĩ thuật cho mỗi loại rau. Dừng bón đạm trước khi thu hoạch ít nhất là 10 ngày. Làm được như vậy rau quả mới đảm bảo không còn tồn dư nitơrat


13922-ntm.00142_de-rau-an-toan-voi-phan-bon.pdf

Trần Thị Liên