Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1677
Tổng truy cập : 559,097

Chăn nuôi

Dinh dưỡng cho đàn bò mùa hạn mặn

Giới thiệu chế độ sinh dưỡng cho đàn bò mùa hạn mặn: Độ mặn trên 2‰ ảnh hưởng đàn bò, hạn chế tác hại của nước mặn. Ngoài nguồn thức ăn xanh, có thể chế biến và sử dụng các loại thức ăn ủ chua, rơm ủ urê để tăng khả năng tiêu hóa; trữ nước ngọt bằng cách đắp đập cục bộ trong mương vườn, ao, hồ, giếng khoan; theo dõi lịch đóng mở cống lấy nước ngọt, đo kiểm tra độ mặn và có kế hoạch lấy nước đảm bảo nguồn nước không ảnh hưởng sức khỏe của đàn bò.


Nuôi bò sữa đang là tiềm năng và thế mạnh của huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre), giúp nông dân có thu nhập ổn định. Với loại vật nuôi này, yếu tố thức ăn, nước uống sẽ quyết định chất lượng sản xuất của người dân, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết hiện nay.

Độ mặn trên 2‰ ảnh hưởng đàn bò

Huyện hiện có trên 99 ngàn con bò, trong đó có trên 1.137 con bò sữa thuộc Dự án Phát triển đàn bò sữa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2015 - 2019. Trung bình mỗi ngày có trên 700kg sữa được khai thác. Về cơ bản, việc chăm sóc bò sữa cũng giống như chăm sóc loại bò truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, chuồng trại và vệ sinh thú y cần nhiều công sức hơn trong mùa khô.

Kỹ sư Nguyễn Hữu Phúc - chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, thời tiết nắng nóng và tình hình nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền như hiện nay có khả năng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của vật nuôi, trong đó có đàn bò. Khi sử dụng nước bị nhiễm mặn, bò bị rối loạn tiêu hóa, có thể dẫn đến tiêu chảy. Bê con hay bò đang mang thai và cho sữa có khả năng chịu mặn kém hơn các con bò trưởng thành và nuôi thịt.

“Nếu sử dụng nước có độ mặn vượt ngưỡng chịu đựng (trên 2‰) trong thời gian dài có thể gây ngộ độc và dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng, sức đề kháng, trường hợp nặng sẽ làm chết bò. Chế độ thức ăn, phòng bệnh cho bò sẽ quyết định trực tiếp đến sức tăng trưởng, sinh sản cũng như chất lượng sữa bò”, kỹ sư Phúc cho hay.

Hạn chế tác hại của nước mặn

Nông dân Huỳnh Nam Trung ở ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Hòa là một trong những hộ có đàn bò sữa nhiều nhất huyện. Từ 19 con bò sữa ban đầu thuộc dự án, đến nay ông phát triển lên 40 con, trong đó có 12 con cho sữa, 10 con đang chửa và 18 bê đực lấy thịt. Để hạn chế tác hại của nắng nóng, hạn mặn đến đàn bò, ông bố trí hệ thống phun sương lên mái chuồng, hạn chế sử dụng nước mặn.

 Ngoài việc chuẩn bị chu đáo về chuồng trại, ông Trung còn đầu tư xây dựng hồ trữ nước ngọt khoảng 1.000m3 để chủ động nước uống cho đàn bò trong mùa mặn. Ông gắn quạt giải nhiệt để giúp bò duy trì sức khỏe, đảm bảo lượng sữa thu hoạch. Ông cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng để bò phát triển, cho nhiều sữa.

Mỗi ngày, đàn bò của ông Trung cho trên 160kg sữa, với giá sữa dao động 12 - 14 ngàn đồng/kg. Theo ông Trung, mỗi tháng sau khi trừ các chi phí, gia đình ông có lời gần 30 triệu đồng, nhờ vậy cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá. Chia sẻ về chế độ dinh dưỡng cho đàn bò, ông Trung cho hay, đối với bò đang cho sữa trọng lượng khoảng 500kg, khẩu phần mỗi ngày là 50kg thức ăn gồm: rơm, thức ăn, cỏ, xác bia và khoảng 30 lít nước.

Kỹ sư Nguyễn Hữu Phúc cho biết, ngoài nguồn thức ăn (cỏ, rơm và rau xanh) ăn đủ sức, trung bình một con bò đang cho sữa cần có 0,4kg thức ăn công nghiệp dạng viên. Tùy theo thể trạng, bò có thể uống từ 20 - 40 lít nước mỗi ngày. Lượng sữa khai thác phụ thuộc rất lớn vào lượng nước cung cấp hàng ngày.

“Khi độ mặn tăng cao trên 2‰, người dân cần tìm nguồn nước ngọt hoặc pha loãng để giảm độ mặn, tránh ảnh hưởng cho đàn bò. Liên hệ thú y để tiêm các vắc-xin phòng các bệnh mùa nắng: dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng… giúp tăng khả năng miễn dịch chống lại các loại bệnh nguy hiểm. Đồng thời, tăng cường chăm sóc, bổ sung các dưỡng chất có trong các loại cỏ chất lượng cao như: cỏ sữa, cỏ voi. Tùy theo điều kiện của hộ nuôi, có thể sử dụng các chất điện giải pha với nước uống hoặc thức ăn để nâng cao sức đề kháng cho bò”, kỹ sư Phúc cho hay.

Theo khuyến cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, ngoài nguồn thức ăn xanh, có thể chế biến và sử dụng các loại thức ăn ủ chua, rơm ủ urê để tăng khả năng tiêu hóa; trữ nước ngọt bằng cách đắp đập cục bộ trong mương vườn, ao, hồ, giếng khoan; theo dõi lịch đóng mở cống lấy nước ngọt, đo kiểm tra độ mặn và có kế hoạch lấy nước đảm bảo nguồn nước không ảnh hưởng sức khỏe của đàn bò.

 26320-ntm003030.-dinh-duong-cho-dan-bo-mua-han-man.pdf