Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 1527 |
Tổng truy cập : | 558,484 |
Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác
Định hướng và giải pháp xây dựng nông thôn mới cấp thôn
Bài viết đưa ra một số giải pháp chủ yếu trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025: tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát và triển khai hoàn thành có hiệu quả các nội dung của Chương trình giai đoạn 2016-2020; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn;…
Qua quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong những năm đầu cho thấy, có một số tiêu chí không phù hợp với thực tiễn mang tính đặc thù của các vùng, miền (như miền núi phía Bắc, ĐBSCL, Tây Nguyên) hoặc về nội dung, chỉ tiêu đạt chuẩn, khó vận dụng trong việc chỉ đạo thực hiện và đánh giá xã đạt chuẩn ở các địa phương.
Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (trong đó điều chỉnh 5/19 tiêu chí nông thôn mới).
Thực tế, sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều địa phương còn lúng túng, chưa xác định được nội dung chỉ đạo tiếp theo để các xã, huyện tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới. Thậm chí một số địa phương còn lơ là, thỏa mãn với những kết quả đạt được
Giải pháp chủ yếu trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Một là, tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát và triển khai hoàn thành có hiệu quả các nội dung của Chương trình giai đoạn 2016-2020 để tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu phấn đấu của các đề án đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện giai đoạn sau năm 2020 hết sức cụ thể, sát với tình hình thực tế; nhất là giải pháp hỗ trợ các thôn/bản ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới xây dựng nông thôn mới và một số nội dung của Chương trình còn đạt tỷ lệ thấp, để từng bước hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của vùng miền núi phía Bắc.
Hai là, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự... phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Ba là, đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới (trong đó, ưu tiên phát triển các thế mạnh của khu vực về cây ăn quả, rau, cây dược liệu, cây đặc sản, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, lâm nghiệp…), từng bước đưa khu vực miền núi phía Bắc trở thành vùng trọng điểm của cả nước về sản xuất nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ; có chính sách mới để thu hút, phát triển nông, lâm, ngư nghiệp nói chung, chú trọng phát triển lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững; tăng cường triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, xem đây là định hướng trọng tâm để phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Quan tâm phát triển kinh tế mậu biên để khai thác hết tiềm năng, vị trí liền kề thị trường Trung Quốc, trong đó hình thành hệ thống các trung tâm cung ứng nông sản xuất khẩu hiện đại tại các cửa khẩu lớn ở các tỉnh như Lạng Sơn, Lào Cai.
Bốn là, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn, trong đó, có chính sách đột phá, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn những xã đặc biệt khó khăn, trong đó, chú trọng đầu tư cho các công trình cấp thôn, bản nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân, từng bước hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Năm là, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội để nâng cao đời sống tinh thần của người dân nông thôn. Bảo tồn và phát huy sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc, làm cơ sở để nhân rộng các mô hình du lịch cộng đồng ở các vùng nông thôn. Tăng cường bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan, trong đó tập trung phát triển các mô hình thôn/bản xanh, sạch, đẹp làm tiền đề cho phát triển du lịch cộng đồng gắn kết hình thành các tour du lịch kết nối với các điểm nhấn thu hút khách du lịch như Sa Pa, thác Bản Giốc, hồ Ba Bể, hồ Hoà Bình; tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án thí điểm về môi trường.
Sáu là, sớm triển khai chủ trương đưa lực lượng công an chính quy về công an xã ở những khu vực trọng yếu, các điểm nóng phức tạp; nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình tự quản đảm bảo giữ vững an ninh - trật tự xã hội thông qua phát huy vai trò của các trưởng thôn/bản, người đứng đầu dòng họ.
Bảy là, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, thực hiện chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các địa phương, trong đó tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến nông sản theo chuỗi cung ứng và lĩnh vực phi nông nghiệp để tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn (nhất là lĩnh vực dệt may, da giày…);
Tám là, tăng cường nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng như đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chương trình, đề án cụ thể trên địa bàn, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, nâng cao chất lượng lao động, có giải pháp hỗ trợ bổ sung kỹ năng cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, quan tâm tăng cường bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, nhất là ở cấp xã, thôn để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách có tính sáng tạo, đột phá phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng; thực hiện tốt công tác cán bộ cơ sở, tăng cường điều động, luân chuyển cán bộ có năng lực giữ vị trí chủ chốt ở huyện, xã khó khăn để tạo sự chuyển biến trong triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Chín là, thường xuyên tăng cường đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, gắn với rà soát nghiên cứu và đề xuất ban hành các cơ chế chính sách phù hợp với tình hình thực tế. Tiếp tục triển khai các đề án, chuyên đề theo chỉ đạo của Trung ương để phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ, triển khai các chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các tỉnh trong khu vực.
Mười là, đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương giao Ngân hàng Chính sách xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ các thôn/bản khó khăn xây dựng nông thôn mới; giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, xây dựng Đề án riêng về hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp khu vực miền núi phía Bắc trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất mức phân bổ cụ thể nguồn lực từ ngân sách nhà nước để đảm bảo bố trí đủ cho các địa phương khó khăn (không quy định theo hệ số phân bổ như hiện nay), trong đó, ưu tiên tập trung hỗ trợ cho các thôn/bản xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ một số nội dung trọng tâm để thúc đẩy phát triển, nâng cao thu nhập, đặc biệt là Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)./.
4807-ntm.002625_dinh-huong-va-giai-phap-xay-dung-nong-thon-moi-cap-thon.pdf