Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 1683 |
Tổng truy cập : | 559,128 |
Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác
Dùng bả sinh học diệt chuột hiệu quả
Hướng dẫn phương pháp dùng bả sinh học để diệt chuột hiệu quả: chọn mua thuốc sinh học để diệt chuột, chọn mồi để diệt chuột, trộn mồi với thuốc, chọn nơi đặt bả, tiến hành diệt tập trung và hàng loạt
Dùng bả sinh học là một trong những biện pháp được lựa chọn hàng đầu để diệt chuột. Việc làm bả, đặt bả để chuột chết nhiều, ít tốn mồi là khâu rất quan trọng.
Nên chọn mua thuốc sinh học do các công ty có uy tín trên thị trường sản xuất hoặc nhập khẩu. Lựa chọn thuốc mới được sản xuất là tốt nhất. Vì thuốc sinh học nếu để lâu, không được bảo quản tốt rất dễ bị hư hỏng, mất tác dụng.
Các thuốc sinh học diệt chuột hiệu quả hiện nay có thể kể đến là Biorat, Cat, Rat K, Kill Rat… Nên chọn các loại thuốc ít độc với người và gia súc, gia cầm, an toàn với môi trường. Không được sử dụng các loại thuốc có tính độc cao như Phosphua kẽm, thuốc cấm,…
Chuột là loài gặm nhấm nên chúng thích ăn các thứ rắn. Vì vậy khi chọn mồi để diệt chuột hiệu quả không nên làm mồi bằng các thức ăn mềm. Việc sử dụng thóc làm mồi là cách thông dụng và có kết quả cao. Song thực tế cho thấy, thóc mầm (thóc đã qua ngâm ủ để nảy mầm) dùng để làm mồi diệt chuột sẽ có hiệu quả cao hơn là thóc bung (thóc luộc). Vì chuột thích ăn thóc mầm hơn. Mặt khác, thóc bung khi rải ra đồng ruộng dễ bị thối hỏng hơn nhất là khi gặp mưa.
Khâu trộn mồi với thuốc đòi hỏi thao tác phải nhanh sao cho thời gian đảo phải ngắn thì mới có kết quả cao. Trước khi tiến hành trộn mồi thành bả cần chuẩn bị sẵn các vật dụng tư trang như găng tay, khẩu trang, ủng, bình ô doa, kéo cắt, xẻng,… để đảm bảo vệ sinh an toàn. Sau khi trộn bả cần rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn.
Tùy theo các loại thuốc có hoạt chất độc cao thấp khác nhau mà hòa nước và phối trộn với thóc với tỷ lệ khác nhau. Ví dụ, với thuốc diệt chuột Cat tùy theo thóc mầm khô hay ướt mà 1kg thuốc hòa từ 4-5 lít nước thành dung dịch trộn đều với 50kg thóc mầm (dùng ô doa đựng dung dịch thuốc tưới đều lên thóc rồi trộn đều cho thóc ngấm thuốc).
Qua thực tế đã làm, nếu thóc được đảo thuốc từ hôm trước, để qua 1 đêm đến chiều hôm sau đem đánh chuột sẽ có hiệu quả cao hơn thóc vừa trộn thuốc xong. Vì để như vậy, thóc mầm sẽ ngấm dần thuốc, chuột sẽ không nghi ngờ.
Ngoài thóc mầm dùng làm mồi ra, cần bổ sung thêm chất bám dính và chất dẫn dụ vào bả chuột: Có thể dùng dầu thực vật làm chất bám dính (1 chén con dầu/50kg thóc mầm) và dầu cá hoặc bánh đậu làm chất dẫn dụ (1 hộp dầu cá 100 viên hoặc 1 gói bánh đậu 10 cái/50kg thóc mầm).
Chọn những nơi chuột hay sống tập trung (gò, đống, bờ, mương,…) và những chỗ bị chuột đang cắn phá, đặt bả vào buổi chiều mát sao cho mồi không bị dính nước. Ngày hôm sau kiểm tra lại bả, nếu thấy chuột ăn hết mồi thì đặt tiếp bổ sung 1-2 lần nữa. Đây là việc làm bắt buộc nhằm diệt chuột hiệu quả.
Dù diệt chuột theo cách nào, muốn đạt hiệu quả thì đều cần phải chỉ đạo tiến hành diệt tập trung và đồng loạt. Không được làm riêng lẻ hay kéo dài thời gian ở mỗi đợt. Trong phạm vi đơn vị một huyện, tốt nhất mỗi đợt diệt chuột chỉ nên kéo dài 2-3 ngày. Mỗi xã nên cử các tổ diệt chuột hoặc mỗi thôn cử khoảng 10 – 15 người có kinh nghiệm diệt chuột để đi đặt bả. Nên chọn những ngày không mưa hoặc ít sương để đặt.
11741-dung-ba-sinh-hoc-diet-chuot.pdf