Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 359
Tổng truy cập : 567,918

Nuôi trồng thủy, hải sản

Giải pháp khử trùng nước hiệu quả

Khử trùng nước ao nuôi hiệu quả làm giảm đáng kể mầm bệnh trong suốt vụ nuôi, sức đề kháng của tôm cũng được cải thiện. Tuy nhiên, trên thực tế, việc khử trùng nước như thế nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: mô hình ao nuôi, nguồn nước, thổ nhưỡng, mùa vụ nuôi, giai đoạn nuôi…


1. Khử trùng đầu vụ nuôi

Diệt khuẩn, khử trùng đầu vụ nuôi rất quan trọng vì đó là khâu xử lý nước đầu vào sẵn sàng cho việc nuôi tôm, giúp tôm có bước đà phát triển tốt và giảm thiểu các bệnh cho vi khuẩn, virus, nấm…

Tiến hành rải vôi phơi đáy với ao đáy đất. Sử dụng vôi nóng 300 kg/1.000 m2, phơi ao ít nhất 3 ngày giúp diệt khuẩn, chống xì phèn và cân bằng pH đất. Không phơi ao quá lâu khiến cho đất bị nứt nẻ. Cấp nước ao lắng để xử lý phèn, khử trùng.

Hạ phèn trước khi khử trùng, diệt khuẩn. Phèn lơ lửng ảnh hưởng đến các phản ứng hóa – lý trong quá trình diệt khuẩn ao. Bước này có thể được thực hiện trong ao lắng.

Chọn thuốc khử trùng sao cho phù hợp và hiệu quả phụ thuộc vào nguồn nước, tình trạng tôm vụ trước, thời gian chuẩn bị ao dài hay ngắn. Sau đó tạo nguồn vi sinh ban đầu, tạo màu. Đối với tôm giống trong tuần đầu tiên, thức ăn chủ yếu là tảo có lợi, động vật phù du, động vật phiêu sinh vậy nên việc tạo vi sinh có lợi giúp tôm khỏe mạnh. Bên cạnh đó vi sinh còn gây màu nước hiệu quả và ổn định môi trường.

Trong 3 ngày đầu, tiến hành chạy quạt liên tục để giáp xác và trứng cá nở hết rồi tiến hành cho rotenone (rễ cây thuốc lá); saponin; hay có thể một số hóa chất với liều lượng vừa phải. Sau khoảng 2 ngày sau khi diệt tạp, tiến hành diệt khuẩn để loại trừ bớt mầm bệnh có trong ao. Người nuôi có thể sử dụng các chất diệt khuẩn như TCCA, Chlorine, BKC, Iodine, PVP-Iodine, thuốc tím… để có thể xử lý vi khuẩn hiệu quả. Tuy nhiên, Chlorine được người nuôi sử dụng phổ biến nhất hiện nay, với pH <7,5, liều lượng của Chlorine cần để xử lý khoảng 25 – 30 ppm, có thể tăng giảm tùy thuộc vào hàm lượng chất hữu cơ và độ pH của nước. Ở các vùng nuôi xuất hiện bệnh hoại tử gan tụy cấp tính thì nên sử dụng BKC liều lượng 0,3 ppm.

2. Trong vụ nuôi

Khi thấy tôm có dấu hiệu ăn ít, yếu đường ruột, lỏng ruột, đứt khúc, xoắn ruột người nuôi nên giảm thức ăn, tiến hành xổ ruột, sau đó diệt khuẩn ao bằng Iodine, sử dụng Zeolite hạt để lắng tụ và xiphong.

Thay nước 30% đối với ao đất, thay nước mới đối với ao bạt. Sau khi diệt khuẩn, cho tôm ăn thức ăn với các men đường ruột các sản phẩm men tiêu hóa có chứa Lactobacillus và bổ sung thêm vitamin, khoáng, acid amin cần thiết để tôm phục hồi.

Từ lúc tôm đã thả được 45 ngày đến khi thu hoạch, giai đoạn này tôm có sức chống chịu cao hơn với thuốc sát trùng. Nhưng người nuôi vẫn cần cẩn thận với các thuốc sát trùng Chlorine, KMnO4 và Iodine do tính diệt tảo và động vật phù du trong ao, ảnh hưởng đến sức khỏe, gây chết tôm đang yếu hoặc đang trị bệnh. Thuốc sát trùng nên được sử dụng khi xung quanh có dịch bệnh, môi trường nước ao tôm dơ bẩn hoặc gần thu hoạch. Chú ý, Chlorine tuyệt đối không được dùng ở tháng cuối.

3. Cuối vụ

Nhiều người nuôi bỏ qua bước này hoặc xử lý sơ sài dẫn đến bắt đầu vụ mới không thuận lợi. Cuối mỗi vụ tôm, nên tiến hành xịt rửa bạt, khử trùng thiết bị bằng thuốc tẩy gốc Cl, gốc HCl hoặc thuốc diệt khuẩn và phơi nắng, rửa đáy áo và vét bùn.

4. Lưu ý khi sử dụng

Cách sử dụng: Đối với cá do ao nuôi cá có mực nước sâu nên việc xử lý thuốc phải được thực hiện theo từng mục đích khi sử dụng. Đối với ao tôm: Ao tôm có mực nước thấp và có trang bị quạt nước nên việc xử lý thuốc sát trùng ao thuận lợi hơn. Sau khi tính liều thuốc và pha loãng theo hướng dẫn thì tạt khắp mặt nước, sau đó chạy quạt nước để thuốc phân tán đều. Tuy nhiên, khi thuốc xử lý nước ao tôm cần xem xét màu nước trong ao mà chọn thuốc để kiểm soát mật độ tảo trong ao ở mức hợp lý vì một số loại thuốc có khả năng diệt tảo ao nuôi.

Cần lưu ý, sau khi sát trùng nước thì vi khuẩn gây hại sẽ nhanh chóng bùng phát trở lại. Vì thế, người nuôi cần phải cấy vi sinh ngay sau 48 giờ sử dụng để giúp vi khuẩn có lợi bacillus tạo quần thể ưu thế trước, từ đó khống chế mật độ vi khuẩn gây bệnh dưới mức nguy hiểm. Ở điều kiện bình thường, việc sử dụng chế phẩm vi sinh định kỳ có thể lấn át vi khuẩn gây hại trong nước ao nuôi, trong trường hợp áp lực dịch bệnh cao, việc sử dụng thuốc sát trùng là cần thiết vì giúp kiểm soát mật độ vi khuẩn có hại dưới mức nguy hiểm.

 1426-ntm.003346-giai-phap-khu-trung-nuoc-hieu-qua.pdf