Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 998
Tổng truy cập : 557,484

Tri thức khoa học khác

Hạn dùng và nguy hại khi dùng gạo hết hạn

Gạo khô hoặc cơm được nấu chín từ gạo có thể bị hỏng, có khả năng gây nên những nguy hại khi ăn gạo hay cơm hết hạn. Bài viết chia sẻ một số thông tin về những nguy hại khi ăn gạo hay cơm hết hạn.


Gạo là nguồn lương thực chính của nhiều quốc gia. Có nhiều loại, bất cứ loại gạo nào cũng có thời hạn sử dụng và ngày hết hạn của nó.

Gạo khô hoặc cơm được nấu chín từ gạo có thể bị hỏng, có khả năng gây nên những nguy hại khi ăn gạo hay cơm hết hạn. Cho nên chúng ta cần quan tâm đến vấn đề này để bảo vệ sức khỏe. 

Thời hạn sử dụng của gạo khô      

Thời hạn sử dụng của gạo khô hoặc gạo chưa nấu chín khác nhau, tùy thuộc từng loại gạo. Mặc dù thực tế có nhiều loại gạo khác nhau, nhưng sự khác biệt về thời hạn sử dụng cần xác định giữa hai loại gạo chính là gạo trắng và gạo lứt. Gạo lứt thường không được xay xát và đánh bóng hạt gạo, có hàm lượng dầu hoặc chất béo nhiều hơn gạo trắng nên dễ bị ôi thiu nhanh hơn gạo trắng. Tuy vậy cả hai loại gạo đều được xem là có thời hạn sử dụng ổn định khi ở trạng thái khô và bảo quản an toàn ở nhiệt độ trong phòng. Thông thường, gạo trắng có thời hạn sử dụng có thể lên đến 2 năm, trong khi đó gạo lứt có thời hạn sử dụng chỉ từ 3 đến 6 tháng, kể từ ngày sản xuất. Nếu thực hiện việc bảo quản gạo bằng cách làm lạnh hoặc đông lạnh có thể kéo dài đáng kể thời hạn sử dụng của cả hai loại gạo.

Tất cả các loại thực phẩm ổn định trong thời hạn sử dụng thường có quy định ngày hết hạn được gọi là hạn sử dụng hoặc hạn dùng. Trên thực tế có thể được sử dụng và tiêu thụ an toàn sau ngày đó nếu không có dấu hiệu hư hỏng trên bao bì của sản phẩm. Việc xác định gạo khô có bị hư hỏng hay không tương đối dễ dàng, chỉ cần kiểm tra gói hàng để tìm các dấu hiệu hư hỏng bao gồm cả các lỗ thủng, lỗi khuyết, sâu bọ, ẩm ướt hoặc thấm nước trên bao bì có thể dẫn đến tình trạng nấm mốc phát triển gây nguy hại. Đặc biệt đối với gạo lứt sẽ nhận thấy được sự đổi màu, có mùi ôi thiu hoặc mùi hôi bất thường hay kết cấu gạo có chất dầu. Muốn kéo dài chất lượng gạo khô lâu hơn, nên bảo quản gạo ở nơi khô ráo như bảo quản trong tủ đựng thức ăn hoặc tủ bếp bảo đảm tiêu chuẩn cần thiết. Cũng có thể bảo quản gạo khô trong hộp kín sau khi mở bao bì bảo quản để sử dụng, sẽ khắc phục hạn chế và bảo vệ được gạo khô khỏi bị lỗi khuyết, hư hại do ảnh hưởng của độ ẩm.

Thời hạn sử dụng của cơm được nấu chín từ gạo

Trái với gạo khô, thời hạn sử dụng gạo được nấu chín thành cơm hầu như giống nhau đối với tất cả các loại gạo. Sau khi gạo khô được nấu chín thành cơm vẫn có thể giữ được hương vị, kết cấu và chất lượng trong khoảng thời gian từ 3 đến 4 ngày khi được bảo quản trong tủ lạnh, mặc dù một số người cho rằng có thể để được cả tuần mà không bị hư hỏng. Trên thực tế có thể trữ đông lạnh cơm đã nấu chín trong thời gian tối đa khoảng 8 tháng. Tuy vậy, có một số phương pháp để nhận biết cơm được nấu chín từ gạo bị hư hỏng đầu tiên bằng cách ngửi mùi của cơm, nếu gạo mới được nấu thành cơm thường gần như không có mùi, khi gạo đã hết hạn sử dụng sẽ có mùi khó chịu hoặc mùi lạ. Phải xem kỹ kết cấu của nó, thông thường cơm được nấu chín từ gạo có tính chất thoáng và xốp. Nếu gạo hết hạn thì tính chất cơm trở nên nhão hoặc mềm. Cuối cùng cần kiểm tra gạo để tìm nấm mốc, nếu gạo đã bị nhiễm nấm mốc thường có dấu hiệu xuất hiện dưới dạng các đốm màu xanh lá cây, xanh lam hoặc đen. Nếu phát hiện thấy bất kỳ một dấu hiệu hư hỏng nào thì hãy loại bỏ gạo hay cơm đi, không được sử dụng vì có thể gây nguy hại cho sức khỏe.

Nguy hiểm khi ăn gạo hết hạn

Thông thường gạo hết hạn sử dụng hầu hết bị nhiễm nấm hoặc mốc tạo ra độc tố nấm mốc, có thể gây nên tình trạng ngộ độc thực phẩm. Việc hấp thụ độc tố nấm mốc có liên quan đến các triệu chứng xảy ra từ nôn mửa, buồn nôn và đau bụng đến co giật, hôn mê, tăng nguy cơ ung thư, làm cho hệ thống miễn dịch bị suy kém. Đồng thời sự nhiễm nấm mốc trong gạo khô cũng có thể làm giảm đi chất lượng dinh dưỡng của gạo. Cần lưu ý, bất kể gạo đã hết hạn sử dụng, nếu xử lý thực phẩm không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Bacillus cereus gây nên triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa... Bacillus cereus là một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong gạo, nó có thể tồn tại trong quá trình gạo đã được nấu chín thành cơm.

Gạo trắng khô có thể để được đến 2 năm nếu bảo quản ở nhiệt độ phòng, trong khi đó gạo lứt chỉ để được khoảng 6 tháng. Nếu được làm lạnh và đông lạnh chúng sẽ tăng thời hạn sử dụng. Nếu phát hiện thấy bất kỳ sự thay đổi nào về mùi, vị, kết cấu hoặc dấu hiệu phát triển của nấm mốc, sâu bọ ở cả gạo khô hoặc cơm đã nấu chín thì hãy loại bỏ chúng ngay tức thì, không được sử dụng vì rất nguy hại cho sức khỏe.


BS. Nguyễn Võ Hinh