Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1367
Tổng truy cập : 1,780,410

Trồng trọt

Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây hoa lily

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc cây hoa lily để thu được những bông hoa lily vừa đẹp vừa tỏa hương thơm ngát, bán được giá thành cao.


Hoa lily là loài hoa đẹp, có màu sắc đa dạng phong phú, được phát triển trong những năm gần đây, nhanh chóng trở thành loại hoa được mọi người ưa chuộng và tiêu thụ số lượng lớn hàng năm.

1. Kiểm tra cây sau trồng

- Sau trồng 10 - 12 ngày, bới đất ở phần gốc của một số cây để kiểm tra sự phát triển của rễ. Nếu thấy rễ trắng, ra đều xung quanh gốc là cây sinh trưởng bình thường, ngược lại cần phải xem xét tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp khắc phục ngay.

- Nên kiểm tra để bổ sung đất (giá thể) nếu thấy rễ thân bị nhô lên khỏi mặt đất.

2. Kỹ thuật tưới nước

- Luôn giữ ẩm cho đất trong suốt quá trình trồng.

- Tưới cây ở phần gốc, tránh làm lá và nụ bị ướt.

- Kinh nghiệm kiểm tra lượng nước tưới vừa đủ: Bóp chặt 1 nắm đất sau khi tưới, không thấy nước rỉ ra ngoài tay, đất nắm thành cục, khi gõ nhẹ vào nắm đất sẽ bị vỡ ra.

3. Chế độ che lưới đen

 - Dùng 1 hoặc 2 lớp lưới đen (tùy theo điều kiện thời tiết từng năm) che cách mặt đất từ 2,0 - 2,5 m. Khi cây bắt đầu xuất hiện nụ hoa thì mở lưới đen ra, những ngày nắng nóng thì kéo lưới đen lại.

- Nếu điều kiện ánh sáng không đủ để cây phát triển, có thể sử dụng biện pháp chiếu sáng bổ sung 3 tiếng (18 - 21h) mỗi ngày, liên tục trong 20 ngày sau khi đã trồng được 35 - 45 ngày, để giảm tỷ lệ thui nụ, nụ biến dạng.

- Từ khi nụ hoa xuất hiện đến khi thu hoạch hoa luôn theo dõi và kiểm tra cường độ ánh sáng nhà trồng lily để có chế độ che hợp lý.

4. Kỹ thuật bón phân

- Sau trồng 3 tuần (cây lily cao khoảng 20 - 30 cm), lúc này bộ rễ cây hoa lily đã ra tương đối đầy đủ, tiến hành bón phân thúc.

- Bón phân qua gốc: Loại phân bón thúc chính thường dùng là NPK Đầu Trâu (13-13-13+TE), ở mỗi giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây có bổ sung thêm phân đạm, lân, kali khác nhau.

+ Lần 1: Sau trồng 3 tuần, bón 1 - 2 kg NPK Đầu trâu (13-13-13+TE) + 0,2 kg đạm Urê/100 m2, hòa tan vào nước để tưới.

+ Lần 2: Bón sau lần 1 từ 7 - 10 ngày, bón 1kg CanxiNitrat + 1 - 2 kg NPK Đầu Trâu (13-13-13+TE) + 0,2 kg đạm Urê/100 m2, hòa tan vào nước để tưới.

+ Lần 3: Khi cây đang xuất hiện nụ hoa, bón 2 kg NPK Đầu Trâu (13-13-13+TE)/100 m2, hòa tan vào nước để tưới.

+ Lần 4: Sau lần 3 từ 7 - 10 ngày, bón 1 - 2 kg NPK Đầu Trâu (13-13-13+TE)/100 m2, hòa tan vào nước để tưới.

Chú ý: Hiện nay trên thị trường có bán loại phân NPK (20:20:20) nhập khẩu từ Trung Quốc có hàm lượng các chất cao, rất tốt cho cây hoa lily, có thể dùng thay thế cho NPK Đầu Trâu (13-13-13+TE).

Tùy theo tình trạng sinh trưởng phát triển của cây hoa lily có thể bón thêm phân cho cây, tuy nhiên thời điểm cuối cùng có thể bón phân cho hoa lily là trước khi hoa nở 3 tuần.

- Bón phân qua lá: Muốn nâng cao chất lượng hoa, hạn chế bệnh cháy lá cần phun cho cây lily một số phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng như: Antonix, Komix, Đầu Trâu (502, 901, 902), Ca(NO3)2, NPK tổng hợp... Phun sau trồng 15 - 20 ngày, phun định kỳ 5 - 7 ngày/lần, nồng độ theo hướng dẫn cụ thể từng loại phân ghi trên bao bì của nhà sản xuất.

5. Làm cỏ, xới xáo

- Để đảm bảo cho bộ rễ cây lily phát triển tốt cần tiến hành xới đất để đảm bảo độ tơi xốp và thoáng khí. Sau khi cây mọc lên trên mặt đất khoảng 10 - 15 cm, dùng cào nhỏ xới phá váng mặt đất, sau đó định kỳ 10 - 15 ngày kiểm tra nếu thấy đất bị gắn mặt hoặc quá chặt thì nên xới đất lại.

- Thường xuyên kiểm tra ruộng (vườn) để làm cỏ và xới đất đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cây lily sinh trưởng phát triển.

6.  Phòng trừ sâu bệnh

6.1. Bệnh thối củ, vảy củ

- Triệu chứng: Cây ngừng sinh trưởng, bộ lá xanh nhợt đi. Trên vảy củ và phần dưới thân cây sát củ xuất hiện chấm màu nâu, những chấm này sẽ phát triển rộng làm thối củ.

- Biện pháp phòng trừ: Khi cây mới chớm bệnh có thể dùng Daconil 75WP tưới vào gốc cây với liều lượng 10g/8 lít nước; Anvil 10-15g/8 lít nước. Nếu bệnh nặng hơn nên nhổ bỏ cây bệnh đem tiêu hủy, tránh lây sang các cây khác.

6.2. Bệnh cháy lá

- Triệu chứng: Bệnh cháy lá xuất hiện vào thời điểm trước khi nụ hoa xuất hiện, những lá non xoăn lại vào phía trong và sau đó vài ngày những nốt xanh, vàng, trắng xuất hiện làm giảm khả năng quang hợp. Nếu bệnh nặng có thể làm thui nụ ảnh hưởng đến phẩm chất của hoa.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Chọn những giống ít mẫn cảm với bệnh cháy lá, không nên trồng củ có kích thước lớn, không trồng với mật độ quá dày, đảm bảo độ ẩm đất, trồng củ sâu 6 - 10 cm.

+ Ở giai đoạn phân hoá hoa mẫn cảm nhất, nên giữ cho nhiệt độ, độ ẩm không biến động lớn, duy trì độ ẩm khoảng 75%, che nắng để giảm bớt bốc hơi nước.

+ Khi bệnh xuất hiện có thể dùng các thuốc như: Score, Ridomil, Mighty 560SE… pha thuốc theo hướng dẫn ghi trên bao bì nhãn mác.

6.3. Bệnh teo, rụng nụ

- Do thiếu nước, vi lương (Bo) và thiếu ánh sáng. Nụ có màu xanh nhạt, dần dần chuyển màu vàng, lúc này tại cuống nụ xuất hiện tầng rời và làm rụng nụ hoa.

- Biện pháp phòng trừ: Chiếu sáng đầy đủ, bổ sung dinh dưỡng, nước tưới, cải tạo đất…

6.4. Bệnh lá bao hoa

- Do sự biến đổi nhiệt độ và độ ẩm quá lớn cộng với sự ảnh hưởng của cường độ ánh sáng dẫn đến sự biến đổi của lá bao hoa. Biểu hiện là cánh hoa không phát triển bình thường mà phát triển dị dạng, biến đổi thành dạng lá uốn cong, màu xanh bao bên ngoài nụ hoa, làm giảm chất lượng hoa.

- Biện pháp phòng trừ: Tránh để nhiệt độ và ẩm độ trong nhà trồng biến đổi đột ngột, cung cấp đầy đủ và cân đối dinh dưỡng cho cây, tránh để cho cây sinh trưởng quá nhanh (bằng cách giảm nhiệt độ đất giai đoạn sau trồng)…

 

48640-ntm.002983_huong-dan-ky-thuat-cham-soc-cay-hoa-lily.pdf