Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 91 |
Tổng truy cập : | 561,592 |
Chăn nuôi
Hướng dẫn kỹ thuật nuôi thỏ thịt
Hướng dẫn biện pháp kỹ thuật nuôi thỏ đạt trọng lượng thịt cao: chọn con giống, chuồng trại, thức ăn, vệ sinh phòng bệnh
Thỏ dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là rau xanh, lá cây, cỏ và cám viên. Chúng có thời gian sinh trưởng ngắn, từ 3 – 3,5 tháng đã đạt trọng lượng thịt.
Không cần diện tích chăn nuôi lớn, kinh phí đầu tư nhiều, người nuôi có thể tận dụng diện tích nhỏ hẹp để nuôi thỏ.
1. Chọn con giống
Thỏ có nhiều loại như thỏ nội (thỏ đen, thỏ xám), thỏ ngoại (thỏ NewZealand, thỏ California, thỏ Pháp, thỏ Hungari…). Khi nuôi thỏ lấy thịt thì nên chọn dòng thỏ NewZealand (toàn thân lông trắng, mắt đỏ) và thỏ California (lông trắng có đốm đen ở tai và mũi). Chỉ chọn mua những con có thể lực tốt, linh hoạt, nhạy cảm, mắt sáng sủa, mũi khô, tai và chân sạch sẽ không có vẩy; lông bóng mượt, răng cửa mọc bình thường. Thỏ giống chuẩn có thể mua từ Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (thuộc Viện Chăn nuôi) hoặc Trại thỏ Việt – Nhật (Ninh Bình). Thỏ trưởng thành, con đực đạt từ 5 – 5,5 kg/con, con cái đạt từ 3,5 – 4 kg/con, với tỷ lệ thịt xẻ từ 55 – 60%.
2. Chuồng trại
Xây chuồng bằng gạch, có mái lợp chắc chắn. Bên trong có những lồng nuôi làm bằng gỗ, tre hoặc bằng sắt, thép không rỉ. Mỗi lồng nuôi thỏ thịt cần bảo đảm thỏ hoạt động thoải mái, dễ dàng vệ sinh, sát trùng, bảo vệ khỏi sự tấn công của các địch hại như mèo, chuột… Thỏ mẫn cảm với thời tiết và dễ lây nhiễm bệnh nên chuồng cần thông thoáng, sạch sẽ và có chỗ thu gom phân, rác thải. Máng ăn và uống có thể tận dụng chai nhựa bỏ đi, chậu sành (hiện nay thị trường có bán van nước tự động cho thỏ uống, giúp tiết kiệm nước và tránh vãi nước uống ra nền chuồng). Nuôi thỏ thịt nên giảm bớt ánh sáng buổi chiều vào lồng, chuồng, tạo không gian yên tĩnh cho thỏ nghỉ ngơi, ngủ, ít hoạt động.
3. Thức ăn
Thức ăn xanh gồm lá ngô, su hào, cải bắp, cỏ ghi-ne, cỏ voi, chè đại… Thức ăn xanh cho thỏ cần thu hái từ nguồn sạch sẽ. Không được cắt thức ăn từ những nơi chăn thả gia súc, gia cầm hoặc đọng nước để tránh các bệnh giun sán, xuất huyết ruột. Cũng không được cho thỏ ăn thức ăn đã bị mốc, chua, nẫu, lên men để tránh các bệnh tiêu chảy, chướng bụng đầy hơi. Không nên chất thức ăn thô xanh (cỏ, lá) thành đống mà nên trải ra hoặc làm giàn phơi ráo nước mới cho ăn. Có thể làm giàn phơi cỏ khô thật kỹ, bó lại treo lên để dự trữ làm thức ăn vào những ngày mưa.
Nếu nuôi thỏ bằng cám công nghiệp thì chú ý không cho ăn cám nhiều đạm mà chỉ cần loại thức ăn từ 15-16% đạm. Lưu ý không nên cho thỏ ăn cám đậm đặc vì nhiều muối thỏ sẽ chết. Trước khi xuất chuồng 7 – 8 ngày, giảm cho ăn rau cỏ, lá cây mà cho ăn cám viên hoặc thức ăn phối trộn theo công thức sau: 1kg thức ăn hỗn hợp= 50 g cám ngô + 20 g cám gạo (hoặc bột sắn) + 20 g cám viên + 10 g rau xanh để thỏ tăng trọng.
4. Vệ sinh phòng bệnh
Hằng ngày phải quét dọn phân, rác đọng lại ở đáy, góc chuồng thỏ. Phun thuốc sát trùng Vinkon, Hantox, i-ốt xung quanh chuồng nuôi 1 lần/tuần. Rắc vôi tẩy uế và để trống chuồng nuôi 7 ngày sau khi bán thỏ.
Chú ý: Phải bắt thỏ thật cẩn thận tránh gây chấn thương. Nếu nhấc thỏ lên phải nắm thật chắc chắn nhưng rất nhẹ nhàng. Khi bắt thỏ, không làm chúng sợ, chạy hỗn loạn và phản ứng lại, cào cắn. Không được nắm chân, nắm tai thỏ để nhấc lên. Vì tai thỏ có nhiều mạch máu, nếu túm vào tai thỏ dễ bị đứt mạch máu và chết. Với thỏ trưởng thành, một tay vuốt dọc tai và nắm chắc da vùng trên lưng sát gáy thỏ, tay khác đỡ dưới mông thỏ nhấc lên. Với thỏ con, cần nắm chắc vùng giữa xương chậu và mông nhấc thỏ lên để đầu thỏ cúi xuống.
79153-ntm.002301_huong-dan-ky-thuat-nuoi-tho-thit.pdf