Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1391
Tổng truy cập : 558,183

Trồng trọt

Hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật phòng, chống bệnh héo vàng lá chuối do nấm gây ra

Bài viết hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật phòng, chống bệnh héo vàng lá chuối do nấm gây ra giúp bà con nông dân chủ động nhận biết và phòng chống bệnh hại gây ra trên cây chuối nhằm nâng cao năng xuất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.


Để giúp bà con nông dân chủ động nhận biết và phòng chống bệnh hại gây ra trên cây chuối nhằm nâng cao năng xuất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Bài viết hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật phòng chống bệnh héo vàng lá chuối do nấm gây ra như sau:

 1. Đặc điểm phát sinh, gây hại

1.1. Đặc điểm phát sinh, phát triển của bệnh

Bệnh héo vàng lá chuối là một bệnh gây chết cây chuối dần dần do nấm xâm nhập qua vết thương trên rễ chuối, do tuyến trùng hoặc dụng cụ làm vườn gây ra, làm nghẽn mạch dẫn dinh dưỡng dẫn đến cây chuối thiếu dinh dưỡng, lá vàng, quả kém phát triển và chết cây.

1.2. Tác hại của bệnh

Bệnh làm cho các lá chuối bị héo vàng từ dưới lên trên và gây chết cây dần dần, các chồi mọc ra từ thân cây mẹ bị bệnh sau này cũng bị héo rụi nên không thể để lưu gốc cho vụ sau hoặc sản xuất cây giống mới. Cây bị bệnh thường không cho thu hoạch hoặc vẫn cho thu hoạch nhưng phẩm chất quả rất kém. Bệnh lây lan và gây hại nghiêm trọng cho các vùng trồng chuối với tỷ lệ cây bị bệnh lên tới 80% nếu không được xử lý.

1.3. Phương thức lây bệnh

Nấm bệnh lây lan chủ yếu qua hoạt động của con người, côn trùng, vật liệu giống, dụng cụ lao động, qua đất và dòng nước…

2. Biện pháp phòng, chống bệnh

2.1. Sử dụng giống sạch bệnh, giống kháng bệnh

Lựa chọn những giống chuối khỏe sạch bệnh phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và thị trường tiêu thụ để trồng mới; tuyệt đối không sử dụng nhân giống từ các vườn chuối đã bị nhiễm bệnh.

2.2. Biện pháp canh tác

Đối với đất trồng:

+ Chọn khu vực đất có độ pH trung tính, hơi kiềm để hạn chế vi sinh vật gây hại phát sinh.

+ Xử lý hố trước khi trồng: Bón vôi, phân chuồng ủ hoai mục cùng với chế phẩm nấm Trichoderma vào các hố trồng để phòng bệnh.

+ Xử lý cây giống trước khi trồng: Cắt sạch rễ và đất ở gốc chuối con, rồi nhúng gốc vào dung dịch Bordeaux hoặc các thuốc gốc đồng trong 10 - 15 phút để diệt trừ mầm bệnh.

- Bón phân: Trong quá trình chăm sóc, sử dụng phân chuồng đã hoai mục, bón đầy đủ, cân đối N-P-K; trong quá trình trồng và chăm sóc nên sử dụng phân đạm Nitrat, hạn chế bón phân đạm Amon, hàng năm bổ sung vôi bột để cải thiện pH đất.

- Quản lý nước: Bố trí hệ thống thoát nước dạng xương cá để nước mưa, nước tưới không chảy tràn trên bề mặt và không chảy tràn sang các vườn chuối khác; không nên để ẩm độ đất quá cao trong thời gian dài.

- Vệ sinh đồng ruộng: Thường xuyên kiểm tra, loại bỏ các lá già, lá vàng nghi bị bệnh đem tiêu hủy. Khi phát hiện cây chuối bị bệnh phải chặt bỏ, đào củ và thu gom toàn bộ đem tiêu huỷ; đồng thời rắc vôi bột hoặc đổ trấu vào hố đã đào gốc rồi đốt để khử trùng đất.

- Luân canh cây trồng: Những nơi cây chuối tiêu bị bệnh héo vàng gây hại nặng có thể chuyển sang trồng chuối tây và những giống chuối kháng bệnh hoặc luân canh với cây trồng khác trong khoảng 2 đến 3 năm.

3. Biện pháp sinh học

Sử dụng chế phẩm nấm Trichoderma ủ với phân hữu cơ để bón lót hoặc hòa với nước tưới vào vùng rễ để phòng, chống bệnh héo vàng lá chuối.

4. Biện pháp hóa học

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam có hoạt chất Zineb, Difenoconazole,… để phòng trừ nấm gây bệnh và thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Carbosulfan để phòng trừ tuyến trùng gây hại rễ. Liều lượng, nồng độ sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất ghi trên bao bì.

 62737-ntm.003308-huong-dan-mot-so-bien-phap-ky-thuat-phong-chong-benh-heo-vang-la-chuoi-do-nam-gay-ra.pdf 37937-ntm.003309-nhu-cau-va-cach-cung-cap-du-nuoc-uong-cho-heo.pdf