Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 427
Tổng truy cập : 562,523

Trồng trọt

Hướng dẫn nuôi dông (kỳ nhông)

Giới thiệu về giống và đặc điểm giống, tập tính sinh hoạt, môi trường sống, sinh trưởng và phát triển, sinh sản, giá trị và thị trường của kỳ nhông. Hướng dẫn phương pháp chăm sóc và nuôi dưỡng kỳ nhông: giống, thức ăn, chuồng nuôi, hồ nuôi, chăm sóc, thu hoạch


Con kỳ nhông hay còn gọi là con dông sống và làm tổ trên đất cát, dông là một loài bò sát đang là món đặc sản được các nhà hàng, quán nhậu tiêu thụ rất mạnh. Do bị săn bắt ngày càng nhiều và do môi trường sống bị biến đổi khiến cho loài dông có nguy cơ bị tuyệt chủng. Chính vì vậy mà hiện nay một số nông dân nhanh nhạy chuyện làm ăn bắt đầu tính đến chuyện nuôi dông để bán thịt. 

I. Giống và đặc điểm giống:

Tên gọi: Tên Việt Nam gọi là dông, giông hay kỳ nhông, dông có nhiều giống, dông vùng đất cát gọi là dông cát benly. Tên Latin: Leiolepis belliana. Họ: kỳ nhông Agamidae. Bộ: Có vảy Squamata. Nhóm: Bò sát

Kỳ nhông hay còn gọi là dông sống trên đất cát ven biển, phù hợp với các vùng đất ven biển miền Trung nước ta.

Vóc dáng: Giống dông này có đặc điểm là có các đốm nhỏ trên lưng không liền nhau để tạo ra một mạng lưới hoặc những đường dọc và dọc theo hông có các vệt lớn màu đen, cam.

Tập tính sinh hoạt và môi trường sống: Loài bò sát rất đẹp này thường ra khỏi hang để sưởi ấm vào buổi sáng để điều hoà nhiệt độ cơ thể (chúng thuộc loài máu lạnh), tìm thức ăn và gây ấn tượng đối với các con cái xung quanh cả ngày, rồi rút vô hang vào xế chiều, đóng cửa hang lại bằng cát.

Dông sống và làm tổ trên đất cát, từ khi còn nhỏ cho tới khi thành phẩm khoảng 8-10 tháng. Môi trường sống tự nhiên ít dịch bệnh, ít tốn công chăm sóc. Đặc biệt, chúng leo trèo rất giỏi và có thể nhảy xa cả mét từ cành cây này sang cây khác.

Sinh trưởng, phát triển và sinh sản: Dông đến tuổi trưởng thành thì bắt đầu đẻ trứng. Con cái đẻ 3 - 8 trứng trong hang vào mùa nóng và khô; sau các cơn mưa lớn đầu mùa, dông con nở ra , có sọc và đuôi màu đỏ nhạt. Dông con mới nở sống chung hang với mẹ trong nhiều tháng trước khi tự đào hang riêng ở gần đó.

Trong chăn nuôi nhân tạo, trứng dông sau khi đẻ ra phải có đủ độ ẩm mới nở ra con (30 – 45 ngày). Thực tế cho thấy, trứng đẻ dưới đất thì  nở ra con, còn những trứng đẻ ở trên sàn thì chết khô do thiếu ẩm.

Giá trị và thị trường: Dông nói riêng và côn trùng nói chung như bọ xít, bọ cạp, bọ hung, sâu đục thân, kiến, dế mèn... là những loại côn trùng phổ biến trên các loại cây trồng, chỉ cần nghe tên thôi cũng làm cho nhiều người "ghê sợ". Thế nhưng, trong những nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng côn trùng có rất nhiều tác dụng bổ ích đối với con người, đặc biệt có thể sử dụng chúng như những món ăn thuộc hàng "đặc sản" với những tác dụng như "cải lão hoàn đồng"...

Hiện nay, thịt dông đang là món "đặc sản" được các nhà hàng, quán nhậu tiêu thụ rất mạnh.  Chế biến cũng tương tự như rắn, bỏ đầu, ruột và các bàn chân là được. Thịt dông trắng, ăn có mùi thơm như thịt gà, thịt thỏ nhưng xương giòn hơn. 

II. Chăm sóc nuôi dưỡng:

1. Giống:

Phong trào nuôi dông phát triển mạnh cũng đặt ra vấn đề cung cấp giống cho hộ nuôi. Trước đây giống dông thường đi bắt tự nhiên, tuy nhiên bắt trong tự nhiên không thuần nhất, có con đã lớn, con còn nhỏ, trung bình 1 kg dông chỉ khoảng 30 con. Dông có khả năng sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt nên thường các hộ chỉ thả giống ban đầu, còn sau đó tự gây giống để duy trì và phát triển đàn.

Loại nhân giống nhân tạo trong hố nuôi, loại này đồng cỡ, chăm sóc nuôi dưỡng dễ hơn. Nguồn giống dông hiện rất hiếm, cung chưa đủ cầu. Chọn những con dông khoẻ mạnh, không bị thương tật, dị hình để nuôi.

2. Thức ăn:

Thức ăn chủ yếu của dông là thực vật, lá cây, rau, quả, nụ hoa quả và chồi cây, ngoài ra chúng còn ăn trứng bọ cánh cứng, bướm và các côn trùng khác như sâu, giun...

Nguồn thức ăn "bình dân" này rất dễ kiếm, dễ đáp ứng. Điều này, tạo ra công ăn việc làm cho một số hộ gia đình, đồng thời phòng tránh được sâu rầy phá hoại mùa màng...

3. Chuồng nuôi, hồ nuôi:

Việc làm chuồng cho dông không hề đơn giản, mỗi loại thú đều có cách thiết kế riêng nhưng tựu trung lại là chuồng phải luôn có cây xanh, ánh nắng, hồ nước, cát… như môi trường tự nhiên. Trong khuôn viên nuôi nên trồng vài cây trứng cá khi quả chín rụng xuống làm thức ăn cho dông

Hồ nuôi dông được xây tường rào xung quanh cao trên 1,2m, bên trên có viền tô láng bằng tôn kẽm khoảng 30cm để dông không bò ra ngoài. Đáy hồ được lót gạch, để chừa khe hở giữa các viên gạch từ 3-6cm cho nước rút, bên trên đổ cát dày 0,7 - 1m cho dông làm tổ. Có thể trồng cây hoặc dựng chòi nhỏ bên trong tạo bóng mát nhưng phải cách tường rào hơn 1 m để phòng chống dông nhảy ra ngoài.

Mật độ thả nuôi khoảng từ 20 đến 25 con giống trên một mét vuông.

4. Chăm sóc nuôi dưỡng:

Chăm sóc nuôi dưỡng dông rất đơn giản, chủ yếu canh giữ là chính, buổi sáng ra chợ xin hoặc mua rau, quả phế phẩm... về bỏ vào chuồng cho chúng ăn. Có thể băm nhỏ thức ăn hoặc để nguyên dông tự ăn cũng được. Phun nước tạo ẩm cho đất cát.

Mô hình này ví như một động cát tự nhiên được thu nhỏ. Khi đưa dông hoang dã vào chuồng nuôi cần chú ý đến 3 điểm: diện tích chuồng nuôi phải rộng (trên 200m2); mùa khô phải thường xuyên phun nước tạo độ ẩm; chuồng phải cách xa khu dân cư, tránh sự rượt bắt của mèo, chuột cống.

5. Thu hoạch:

Thường thì thu hoạch từ 12 đến 15 tháng sau khi nuôi, có thể thu hoạch sớm từ sau 5-6 tháng nuôi. Thu hoạch bằng cách bắt những con lớn hoặc vừa tầm, còn lại để giữ giống hoặc cho sinh đẻ thêm, hoặc mua thêm giống bỏ thêm vào và như thế cứ tiếp tục, nên duy trì con giống sau khi thu hoạch và chọn những con giống tốt để phát triển đàn dông trong hồ. Trọng lượng dông trưởng thành khi thu hoạch đạt từ 6-12 con/kg

Nuôi dông đơn giản, ít vốn, ít dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và an toàn dịch bệnh, trong khi công lao động không cần nhiều, thị trường đang hút hàng...


70230-huong-dan-nuoi-ky-nhong.pdf