Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 845
Tổng truy cập : 557,126

Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác

Hướng dẫn nuôi tằm hiệu quả

Nuôi tằm là khâu quan trọng nhất, quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm tơ, kén, hiệu quả kinh tế của nghề trồng dâu nuôi tằm. Bài viết đã làm rõ quy trình chọn giống, chăm nuôi tằm từ giai đoạn tằm con đến giai đoạn thu hoạch kén.


Nuôi tằm là khâu quan trọng nhất, quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm tơ, kén, hiệu quả kinh tế của nghề trồng dâu nuôi tằm. Nó đòi hỏi thời gian nghiêm ngặt, quy trình chặt chẽ, lao động nhẹ nhàng và có kỹ thuật cao.

1. Thời vụ nuôi tằm

Có 3 thời vụ nuôi tằm: xuân, hè, thu. Vụ xuân, thu mát mẻ nuôi tằm giống tốt, năng suất, chất lượng cao. Vụ hè nóng ẩm, nuôi giống tằm khoẻ, năng suất và chất lượng trung bình.

Vụ xuân nuôi tằm cuối tháng 2 đến đầu tháng 5, vụ hè từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 8 dương lịch, vụ thu từ tháng 9-11.

2. Chọn giống tằm

Vụ xuân, thu: nuôi các giống lai kinh doanh như F1 lưỡng hệ Việt Nam; Trung Quốc: N12 × N16, 906x908; Tứ Xuyên: TN10, 932 × 7532 cho mùa khô Tây Nguyên.

Vụ hè:

+ Kén trắng: N16×01, A7×01, TT201, Tú Xuyên JH112 cho mùa mưa Tây Nguyên.

+ Kén vàng: Bạc mix F1 Trung Quốc.

3. Chuẩn bị trước khi nuôi tằm

Nhà nuôi tằm thoáng mát về mùa hè, ấm áp, thoang khi về mùa đông. Để nuôi được 3 vòng trứng giống tằm (1 hộp = 15g), cần diện tích nhà 18-20m², nơi bảo quản dâu 8m².

* Dụng cụ:

Đũi tầm: 3 cái đủ để được 30 nong tằm.

Nong có đường kính 1,2m: 32 cái.

Ôn, ẩm kế theo dõi nhiệt, ẩm độ phòng nuôi: 01 cái.

Mành che cửa chống nhặng.

Dao, thớt để thái dâu.

Sọt rổ đựng dâu.

Giấy báo, giấy nến (Paraffin).

* Vệ sinh tiêu độc trước khi nuôi tằm:

Trước khi nuôi tằm 1 tuần, toàn bộ nhà cửa, dụng cụ nuôi tằm phải được rửa sạch, xông hơi Foocmôn 2%; sau đó rửa sạch phơi khô.

* Dự tính lượng là dâu có để quyết định lượng tằm nuôi.

Vụ xuân, thu: cần 170-180kg lá dâu/vòng trứng giống (1/3 hộp), bình quân 17-18kg lá dâu/kg kén và thu 10kg ken/vòng trứng giống.

Vụ hè: cần 140-150kg lá dâu/vòng trứng giống (sản xuất 8kg kén/vòng trứng giống).

4. Ấp trứng tằm

Trứng tằm muốn nở đều, tập trung, cần ấp ở nhiệt độ 25-26°C, ẩm độ 80-90%, ánh sáng tự nhiên. Khi trứng ghim, cần bảo quản tối hoàn toàn 01 ngày để khi được tiếp xúc ánh sáng tằm nở đều (khâu ấp trứng tằm nên để các cơ sở sản xuất hoặc đại lý cung cấp dịch vụ trứng tằm thực hiện).

5. Băng tằm

Vụ xuân, thu: băng tầm 9-10 giờ, vụ hè 8-9 giờ. Trường hợp trứng nở không đều, chỉ lấy tầm nở ngày đầu và ngày thứ 2. Tằm nở ngày nào nuôi riêng ngày ấy.

Đối với trứng dính (trứng bìa), rắc dâu thái nhỏ đều lên tằm. Sau 30 phút đến 1 giờ, tằm bò lên ăn dâu. Dùng chổi lông hoặc lông gà quét sạch sang nong hoặc mẹt có lót giấy và rắc dâu cho tằm ăn bữa đầu tiên.

Đối với trứng rời (trứng hộp): khi trứng ghim, đồ trứng ra giấy san mỏng, tằm nở dùng lá dâu khía (như hình bàn tay xoè) đặt lên tằm. Khi tằm bò lên hết lá dâu, nhấc ra nong, mẹt. Có thể dùng giấy bản mỏng đặt lên rồi rắc lá dâu thái nhỏ lên giấy bản. Tằm ngửi mùi dâu bám chặt vào mặt dưới giấy. Nhấc từ từ giấy, lật ngửa rải ra nong và cho ăn bữa ăn đầu tiên.

Đối với cả 2 loại (trứng dính, trứng rời), đều có thể dùng lưới hoặc giấy mỏng đục lỗ, kích thước lỗ bằng hạt đậu đen, đặt lên tờ trứng rắc dâu thái nhỏ, sau 30 phút, nhấc tằm sang nong hoặc mẹt và cho ăn bữa ăn đầu tiên.

Chú ý: Khi băng tằm thao tác phải nhẹ nhàng, tránh gây sát thương tằm.

Hái lá và bảo quản dâu:

Hái dâu: Hái dâu đúng tuổi tằm, không hái dâu khi trời mưa sương ướt. Hái lá vào lúc trời mát (buổi sáng hoặc chiều mát), dâu đựng trong rổ hoặc sọt cứng không để dập nát, vận chuyển nhanh về nơi bảo quản.

Bảo quản: Bảo quản ở nơi ẩm, mát, sạch, không để dâu thành đống dầy quá 40cm, đậy dâu bằng bao tải đay, vải ẩm... Nếu trời nóng, khô cứ 2 giờ phun nước 1 lần, kết hợp đảo dâu tránh hấp hơi.

6. Nuôi tằm con

Nuôi tằm con tuổi 1, 2, 3 có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả nuôi tằm lớn tuổi 4, 5.

Tằm con có khả năng chịu được nhiệt độ cao, ẩm độ cao hơn tằm lớn và sinh lý cũng khác tằm lớn nên cần được chăm sóc chu đáo:

Yêu cầu nhiệt độ và ẩm độ:

Tuổi tằm

Nhiệt độ (°C)

Ẩm độ (%)

1

27-28

85-90

2

26-27

80-85

3

26

75-80

Yêu cầu lá dâu nhiều đạm (non), mềm mại, ít xơ. Hái là dâu từ trên ngọn xuống và chọn lá nuôi tằm theo tuổi: (Vị trí lá thứ nhất kế dưới 2 lá sát búp).

- Tầm tuổi 1: hái lá thứ 2 đến lá thứ 4.

- Tầm tuổi 2: hái lá thứ 4 đến lá thứ 6.

- Tầm tuổi 3: hái lá thứ 6 đến lá thứ 9.

Chú ý chống kiến, thạch sùng, chuột.

- Kích thước lá dâu thái theo tuổi tâm (cm):

Tuổi tằm

Đầu tuổi

Giữa tuổi

Ướm ngủ (chuẩn bị ngủ)

1

0,2

0,3

0,2

2

0,3

0,5

0,3

3

0,5

1,5

0,5

- Số bữa cho tằm ăn:

Tầm con nuôi thường có đậy nilông mỏng để giữ ẩm cho lá dâu tươi lâu. Vì vậy, ngày đêm cho ăn 5 bữa:

Bữa 1: 5-6 giờ sáng

Bứa 2: 10-11 giờ

Bữa 3: 14-15 giờ

Bữa 4: 18-19 giờ

Bữa 5: 22-23 giờ

Chú ý: Bữa 22-23 giờ lượng dâu cho tằm ăn nhiều gấp rưỡi bữa 18-19 giờ.

Nếu nuôi không đậy nilông, cho tằm ăn 7-8 bữa/ngày, đêm (khoảng 3-4 giờ cho ăn một lần).

- Thay phân, san tằm:

+ Thay phân kết hợp với san tằm, san tằm để mở rộng diện tích, thoáng, tạo điều kiện thuận tiện cho tằm ăn dâu và không thải phân lên nhau.

Tuổi 1: Thay phân, san tằm một lần trước khi tằm ướm ngủ.

Tuổi 2: Thay phân, san tằm hai lần: đầu và cuối tuổi.

Tuổi 3: Thay phân, san tằm ba lần: đầu, giữa và cuối tuổi.

+ Khi tằm ướm ngủ, thay phân sạch sẽ. Cho tằm ngủ dưới lớp dâu mỏng. Khi tằm dậy, rắc lớp vôi bột khô + 2% clorua vôi để phòng bệnh.

- Xử lý tằm thức, ngủ (chuẩn bị ngủ, ngủ, tằm dậy): Xử lý tằm thức, ngủ đảm bảo cho tằm lớn đều, ngủ đểu, dễ nuôi, chín tập trung, ít bệnh.

- Tằm chuẩn bị ngủ, có màu bóng vàng, ăn ít dâu. Khi 90% tằm ngủ thì ngừng cho ăn.

Tằm ngủ, ngừng ăn dâu, ít động đậy, đầu ngẩng cao, sau 20-24 giờ tuỳ theo mùa, tằm lột xác, chuyển sang tuổi sau, tằm dậy. Trong khi ngủ, cần yên tĩnh, ánh sáng yếu, tránh gió lùa và động mạnh vào nong, đũi.

Tằm dậy 95% thì cho ăn, bữa đầu cho ăn dâu tươi, thái nhỏ hơn bữa thứ 2 trở đi.

Ngừng cho ăn dâu quá sớm trước khi ngủ, cho tằm ăn quá muộn sau khi dậy đều làm cho tằm đói, cơ thể suy nhược, tạo điều kiện cho bệnh phát triển.

7. Nuôi tằm lớn

Tằm lớn tuổi 4, 5 ăn khoẻ, tằm tuổi 4 ăn 10%, tuổi 5 ăn 80% lượng dâu của cả lứa. Thời kỳ này, tầm bài tiết nhiều, sức đề kháng yếu dễ bị mắc bệnh.

Tằm lớn cần nuôi dưỡng trong môi trường thông thoảng, không khí luân chuyển, trong sạch, tránh gió lùa mạnh và ánh sáng trực xạ.

Tuổi 4 yêu cầu nhiệt độ 24-26°C, ẩm độ 75-80%. Tuổi 5 yêu cầu nhiệt độ 23-24°C, ẩm độ 65-75%.

Vượt quá giới hạn đó cần rắc vôi bột khô, trấu rang cháy để giảm độ ẩm. Dùng quạt thông gió để giảm nhiệt độ.

- Số bữa ăn cho tằm:

Tằm tuổi 4 cần hái lá dâu bánh tẻ, màu xanh đậm. Tằm tuổi 5 cần lá dâu thành thục hơn, nhiều xơ hơn, tránh cho tằm ăn lá dâu già, úa vàng, bẩn, ướt, lá nhiễm bệnh.

Mỗi ngày cho tằm ăn 5 bữa (như nuôi tằm con có đậy nilông). Tuổi 4 lá dâu được thái làm đôi, tuổi 5 cho ăn cả lá hoặc để cả cành.

- Thay phân, san tằm:

Tằm tuổi 4 mỗi ngày thay phân 1 lần vào buổi sáng. Tằm tuổi 5, thay phân 2 lần vào buổi sáng sớm và chiều tối. Nên sử dụng lưới để thay phân, vừa nhanh, giảm lao động, vừa tránh gây sát thương cho tằm.

Xử lý cho tằm ngủ: Tằm lớn chỉ ngủ một lần cuối tuổi 4, dậy tuổi 5. Thời gian ngủ dài hơn ở các tuổi tầm con khoảng 5 giờ. Khi tăm ngủ cần yên tĩnh, khô ráo. Nếu ẩm độ không khí cao cần rắc một lớp mỏng trấu rang cháy. Tầm dậy rắc thuốc phòng bệnh.

Vụ xuân tằm hay bị mắc bệnh vôi, mùa hè bệnh bủng và nhặng hại tằm. Cần chú ý đề phòng các bệnh, dùng thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn ghi trên nhãn mác.

8. Tằm chín lên né

Tuổi 5 cho tằm ăn dâu đầy đủ, sau 6-8 ngày tằm chín. Tằm chín da láng bóng, tằm ngừng ăn dâu, có xu hướng bỏ đi tìm nơi thích hợp làm tổ. Khi có ít nhất 1/3 cơ thể con tằm có màu trong suốt là thời điểm bắt đầu lên né tốt nhất. Giống tằm đa hệ thường chín vào buổi sáng 6-7 giờ, lưỡng hệ chín vào buổi trưa. Muốn tằm chín tập trung cần dùng thuốc kích thích (pha theo tỷ lệ hướng dẫn trên nhân thuốc) phun lên lá dâu, cho ăn vào 10 giờ đêm (22 giờ), sáng hôm sau tằm chín đều. Bắt tằm chín kịp thời, cho lên né, có thể dùng né rơm, né Bảo Lộc 'W'. Khi lên né cần nhiệt độ 30-32°C, ẩm độ 60-65% để tằm nhả tơ đều, chất lượng cao. Vụ xuân, thu: nhiệt độ thấp, ẩm độ cao bố trí trở lửa (dùng than tăng nhiệt) 2 đêm đầu. Vụ hè nóng, ẩm dùng quạt thông gió tạo điều kiện thoáng mát giảm ẩm.

Khi tằm lên né thải rất nhiều nước tiểu, vì vậy phải vệ sinh nhà né (nơi để né) luôn sạch sẽ và khô ráo. Khi đa số tằm lên né vừa tạo xong hình kén phải gắp bỏ ngay những con tằm chết và không làm tổ trên né.

9. Thu hoạch kén

Tằm chín nhả tơ làm tổ, 4-5 ngày tằm hoá nhộng hoàn toàn, lúc này gỡ kén là vừa, gỡ kén kết hợp phân loại sơ bộ. Sau khi gỡ xong, kén được dàn đều trên nong để loại tiếp những kén bắn, móng, thối, thủng đầu..... Dụng cụ đựng phải cứng để kén nhộng không bị dập nát trong quá trình vận chuyển đến nơi bán.

Những kén xấu nên được sấy bằng hơi nóng hoặc nhúng vào nước sôi càng sớm càng tốt, tránh sự lây lan bệnh tằm.

67657-ntm.003307-huong-dan-nuoi-tam-hieu-qua.pdf