Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1257
Tổng truy cập : 557,975

Nuôi trồng thủy, hải sản

Hướng dẫn phòng ngừa bệnh hoại tử gan tụy trên tôm nuôi nước lợ

Hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT trong phòng ngừa bệnh hoại tử gan tụy trên tôm nuôi nước lợ. Giới thiệu đặc điểm bệnh lý, dấu hiệu trên tôm bệnh, một số khuyến cáo để phòng ngừa dịch bệnh tôm nuôi trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả.


 

Hiện nay, trên cả nước dịch bệnh tôm nuôi diễn ra phức tạp, nguyên nhân chủ yếu là do hội chứng hoại tử gan tụy. Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh trên đàn tôm nuôi nước lợ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 437/SNN-NTTS ngày 28/5/2012 hướng dẫn bà con về việc tăng cường công tác phòng chống.

 

Theo đó: Bệnh hoại tử gan tụy là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính trên họ tôm he. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn thuộc lớp Alpha-proteobacteria, ký sinh nội bào bắt buộc thuộc nhóm Rickettsia. Bệnh xuất hiện nhiều ở tôm sú giai đoạn sau 20-30 ngày thả nuôi, ở tôm chân trắng sau 30-35 ngày.

 

Đặc điểm bệnh lý: Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh chưa rõ ràng, tôm chậm lớn và thường chết ở đáy ao, đầm. Ở giai đoạn tiếp theo, tôm bệnh có hiện tượng vỏ mềm, biến màu; giải phẫu thấy gan mềm, sưng to hoặc gan tụy bị teo, kiểm tra mô bệnh học, phát hiện có các đốm đen trên gan tụy hoại tử, có vi khuẩn trong nguyên sinh chất và mô liên kết của các tế bào.

 

Dấu hiệu trên tôm bệnh: Giảm ăn, ruột không có thức ăn, mềm vỏ, thịt mềm nhũn, gan tụy bị teo rất rõ. Kết quả phân tích chất lượng nước tại các ao nuôi có tôm bị chết cho thấy có hàm lượng của thuốc bảo vệ thực vật Cypermethrine, Deltamethrine (các chất này có thể từ ngoài môi trường từ kênh mương cấp nước vào ao hoặc có trong chất diệt tạp).

 

Để phòng ngừa dịch bệnh tôm nuôi trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo bà con:

 

-  Hàng ngày, kiểm tra hoạt động bơi lội của tôm (đặc biệt khi thời tiết thay đổi); quan sát hình dáng bên ngoài (màu sắc, mảng bám trên tôm, thức ăn trong ruột); nhận diện các dấu hiệu bệnh lý (nổi đầu, tấp bờ, bơi lờ đờ, dạt vào bờ, bỏ ăn, màu sắc thay đổi, mềm vỏ, đen mang) để có các biện pháp xử lý phù hợp.

 

- Chỉ thả nuôi tôm khi môi trường nuôi đã ổn định; những vùng nuôi tôm tập trung cần đảm bảo có đủ nguồn nước sạch cung cấp cho ao nuôi; xử lý môi trường trước khi cấp nước vào ao nuôi; không sử dụng các chất diệt tạp, hóa chất cấm hoặc có nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật để xử lý môi trường trực tiếp trong ao nuôi.

 

- Trong quá trình nuôi chỉ sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng, quản lý thức ăn đúng liều lượng, không dùng thức ăn đã hết hạn sử dụng hoặc bị mốc để cho tôm ăn; bổ sung thêm Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa... đặc biệt là nhóm hỗ trợ chức năng gan, tăng cường hệ miễn dịch để tăng cường sức đề kháng cho tôm.

 

Cải tạo ao chứa, lắng; ao nuôi bằng cách bón vôi nâng pH ≥ 9,5, bừa kỹ, ngâm 2-3 ngày để phân hủy Cypermethrine, Deltamethrine có trong bùn đáy.

 


88222-hd-phong-benh-hoai-tu-gan.pdf