Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 718
Tổng truy cập : 568,654

Trồng trọt

Hướng dẫn phòng trừ sâu khoang hại đậu tương

Hướng dẫn biện pháp phòng trừ sâu khoang hại đậu tương: đặc điểm hình thái, tập quán sinh sống và quy luật phát sinh gây hại, biện pháp phòng trừ.


1. Đặc điểm hình thái:

- Ngài (trưởng thành) dài 16-21 mm, sải cánh 37-42 mm. Cánh trước màu nâu vàng; phần giữa từ mép cánh trước tới mép cánh sau có một vân ngang rộng màu trắng, trong đường vân trắng có hai đường vân màu nâu; cánh sau màu nâu loáng, phản quang màu tím.

- Trứng hình bán cầu, đường kính 0,5 mm, bề mặt trứng có những đường khía dọc từ đỉnh xuống đáy trứng và những đường khía ngang tạo nên những ô nhỏ. Trứng mới đẻ có màu vàng sau chuyển sang màu xám, sắp nở có màu xám. Trứng đẻ thành ổ, bên ngoài được phủ bằng lớp lông màu nâu vàng.

- Sâu non đẫy sức dài 38-51 mm, có màu nâu đen hoặc nâu tối, một số ít có màu xanh lục. Vạch lưng và vạch phụ lưng màu vàng; trên mỗi đốt dọc theo vạch lưng có vệt đen hình bán nguyệt, vệt ở đốt bụng thứ nhất và đốt bụng thứ 8 lớn nhất.
- Nhộng dài 18-20 mm hình ống tròn, màu nâu tươi hoặc nâu tối. Mép trước đốt bụng thứ 4 và vòng quanh các đốt bụng 5, 6, 7 có nhiều chấm lõm. Cuối bụng có một đôi gai ngắn.

2. Tập quán sinh sống và quy luật phát sinh gây hại:

- Sâu khoang thường vũ hoá vào buổi chiều và chập tối. Ban ngày nấp dưới mặt lá và ở những bụi cây kín. Thời gian hoạt động từ chập tối tới nửa đêm, khi bị khua động ngài có thể bay xa vài chục mét với độ cao 6-7 mét. Ngài có xu tính mạnh với mùi chua ngọt và cả ánh sáng đèn, đặc biệt các loại đèn có bước sóng ngắn. Sau khi vũ hoá vài giờ ngài có thể giao phối và đẻ trứng ngay trong đêm, đẻ tập trung trong 1-2 đêm.

- Sâu non có 6 tuổi, tuổi 1 sống quần tụ quanh ổ trứng; khi bị khua động có thể bò phân tán hoặc nhả tơ thả mình xuống đất. Khi tuổi nhỏ, sâu khoang không lẩn tránh ánh sáng, nhưng từ tuổi 2, 3 có hiện tượng trốn ánh sáng. Ban ngày thường lẩn trốn vào chỗ kín hoặc chui xuống kẽ nẻ trên mặt đất, ban đêm chui ra để gây hại. Những ngày râm mát kèm theo mưa phùn sâu có thể gây hại cả ban ngày. Thời gian phát dục dài hay ngắn phụ thuộc vào điều kiện nhiệt độ, ẩm độ và thức ăn. Khi đẫy sức sâu non chui xuống đất hoá nhộng.

3. Biện pháp phòng trừ:

Khi đậu tương chuẩn bị ra hoa đến khi quả non là giai đoạn mẫn cảm đối với sâu khoang. Để phòng trừ sâu khoang đạt hiệu quả cao cần thực hiện các biện pháp:

- Tưới tràn, giữ ẩm để diệt sâu ở pha nhộng.

- Bẫy bả chua ngọt để tiêu diệt ngài trước khi đẻ trứng. Cách làm bả (Hoà tan 1 kg mật + 4 kg bỗng rượu + 1 lít nước + 1 gam thuốc PADAN 95SP thành 5 lít dung dịch). Lượng dung dịch trên có thể nhúng được 25-30 chiếc bùi nhùi.
Bùi nhùi làm bằng rơm, buộc vào đầu que, que dài 0,7 - 1 mét. Dùng bùi nhùi nhúng vào dung dịch vào chiều tối sau đó cắm trên ruộng. Mỗi sào cắm từ 5-7 chiếc bùi nhùi, sau 3-5 ngày nhúng lại dung dịch bả chua ngọt 1 lần. Vụ đông đặt bả chua ngọt từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11.

- Thường xuyên ngắt ổ trứng và bắt sâu tuổi nhỏ khi chúng chưa phân tán.

- Khi mật độ sâu khoang đạt trên 20 con/m2 cần xử lý bằng các loại thuốc như: PERAN 50EC. Match 050EC… phun khi sâu tuổi nhỏ. Đặc biệt phải phun thuốc vào chiều tối mới có hiệu quả.

 

2883-ntm.002901_huong-dan-phong-tru-sau-khoang-hai-dau-tuong.pdf