Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 12661
Tổng truy cập : 217,768

Trồng trọt

Kinh nghiệm nâng cao năng suất, chất lượng củ đậu thu đông

Trình bày một số kinh nghiệm trong chọn giống, xác định thời vụ trồng, làm đất, đặt hạt, rắc rạ phủ luống, chăm sóc, bấm ngọn, ngắt hoa, phòng trừ sâu hại, thu hoạch và bảo quản củ đậu để có được năng suất và chất lượng cao cho củ đậu thương phẩm.


Cây củ đậu vụ thu đông đã và đang được nhiều địa phương quan tâm và phát triển trong sản xuất bởi giá trị mang lại của cây trồng này (trừ chi phí thu lãi trung bình từ 10-15 triệu đồng/sào, cá biệt có vụ thu lãi trên 20 triệu đồng/sào). Trong khi đó trồng củ đậu không đòi hỏi phải tốn nhiều công chăm sóc cũng như thuốc bảo vệ thực vật... Tuy nhiên, để có được năng suất và chất lượng cao cho củ đậu thương phẩm, cần thực hiện một số biện pháp kĩ thuật.

+ Giống: Hiện tại có 2 giống Chiêm xanh Thái Bình và Chiêm lá nhỏ miền Nam có khả năng chịu được thời tiết khô hạn hoặc ngập úng cũng như lạnh giá.

Lượng hạt cần cho 1 sào Bắc Bộ (360m2) khoảng 3,5- 4,2 kg hạt.

+ Thời vụ trồng: Củ đậu có thể trồng từ tháng 6 đến tháng 9 dương lịch.

Kinh phí đầu tư trung bình khoảng 4- 4,5 triệu đồng/sào Bắc bộ.

+ Làm đất: Đất trồng củ đậu tốt nhất là đất cát pha hoặc thịt nhẹ giàu mùn.

Đất được lên luống 2 lần: Lần 1 (luống sơ bộ - lõi luống), lần 2 luống hoàn chỉnh.

Lên luống sơ bộ: Đất được cày vỡ, phân luống (khoảng 4m/luống) rồi lên luống cao khoảng 40cm. Tiến hành bón lót các loại phân bao gồm: 2-3 tạ phân chuồng mục + 12-15kg supe lân + 12- 15 kg NPK (15-15-15) + 4- 5kg u rê.

Sau đó cày nhặt xá( cày cách xá) và lên luống hoàn chỉnh sao cho luống cao khoảng 60- 70cm theo hình mai rùa (đỉnh luống rộng khoảng 3cm), thân luống rộng 1,8 - 2m để thoát nước tốt. San phẳng bề mặt luống sao cho phân lót được vùi sâu so với bề ngoài mặt luống khoảng 5-7cm để không thất thoát phân. Đồng thời, hạt không bị thối do rễ chạm phân bón.

Dùng thuốc cỏ màu (tiền nảy mầm) phun đều mặt luống và cả dõng để hạn chế cỏ dại trước khi đặt hạt khoảng 2 ngày.

+ Đặt hạt: Bắt đầu đặt hạt cách dõng luống khoảng 20- 25cm. Hạt được đặt nằm ngang đều và so le nhau sao cho hạt cách hạt từ 8-10cm.

* Chú ý:

- Tránh không được đặt phần đầu phôi hạt (thường gọi là mày hạt) hướng xuống, vì làm vậy mầm hạt sẽ quay xuống dưới đất và sẽ bị thối trước khi lên cây.

- Trước khi đặt hạt nên tưới ẩm luống đất để tránh cho hạt không bị chày xước, khô bong (hỏng hạt).

- Khi đặt hạt cần ấn nhẹ hạt dính vào đất để hạt không bị trôi khi tưới nước hoặc rắc rạ.  

+ Rắc rạ phủ luống: Trồng củ đậu nhất thiết phải có rạ hoặc rơm phủ kín luống mới mang lại hiệu quả cao cho củ sau này và thuận tiện cho quá trình chăm sóc. Rạ phải được phủ dày tối thiểu khoảng 3- 4cm. Trung bình để trồng được 1 sào củ đậu cần khoảng 1,5 sào lúa để rạ (nên chọn rạ ở những ruộng không bị nhiễm nặng nấm khô vằn).

+ Chăm sóc: Cần tưới nước giữ ẩm thường xuyên luống củ đậu giúp cây phát triển thuận lợi. Sau trồng khoảng 1 tháng, bón phân thúc để nuôi cây với lượng khoảng 2kg ure + 3kg supe lân hoặc phân tổng hợp NPK bằng cách rắc đều trên mặt luống rồi tưới nước cho phân tan và ngấm đều (cần tưới đủ nước để lá cây không bị cháy).

 Tùy theo thời tiết và chân đất, quan sát màu sắc lá có thể tiến hành bón phân thúc tiếp cho cây từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 4 khoảng 2- 3 lượt (không nên bón đạm quá nhiều cây sẽ không phát triển được củ hoặc củ hay bị thối).

+ Bấm ngọn, ngắt hoa: Khi cây củ đậu có khoảng 5- 6 lá thật, tiến hành bấm ngọn lần đầu tiên. Sau đó, khi cây bật ngọn phụ và ra hoa thì cần phải bấm và ngắt bỏ kịp thời để cây xuống củ được thuận lợi. Tuy nhiên, luôn luôn phải đảm bảo duy trì trên mỗi cây củ đậu phải có từ 10-12 lá thật để cây quang hợp tốt, củ sẽ nhanh to.

* Chú ý: Khi bấm ngọn cho cây cần dùng kéo sắc và bấm dứt khoát để vết cắt không bị dập nát, cây không bị nấm bệnh xâm nhập qua vết cắt (tốt nhất, nên chọn lúc nắng ráo hoặc khô hanh tiến hành bấm ngọn).

Ngoài ra, có thể sử dụng các chế phẩm phân bón qua lá để tăng chất diệp lục cho cây khi cần hoặc giúp củ xuống nhanh, bóng, nhẵn...

+ Bảo vệ thực vật:

- Sâu hại:  Củ đậu thu đông thường hay bị các loại sâu (sâu xanh, sâu khoang, rệp muội) gây hại. Cần thường xuyên thăm đồng kiểm tra, áp dụng các biện pháp tổng hợp và trừ sâu kịp thời khi đến ngưỡng.

- Bệnh hại: Một số bệnh chính gây hại củ đậu thu đông đó là: Bệnh chết thắt thân cây con, bệnh vàng lá, bệnh đốm nâu và bệnh gỉ sắt.

Biện pháp: Sau khi hạt mọc mầm và phát triển thành cây con (cây bật khỏi mặt rạ và có 2 lá mầm), nên sử dụng thuốc Validacin để phòng bệnh chết thắt thân cây con( không được sử dụng thuốc Anvil lúc này sẽ dễ làm cây cháy lá).

* Chú ý: Khi thời tiết ưu tiên cho bệnh phát sinh phát triển (nắng mưa xen kẽ hoặc mưa phùn ẩm ướt), cần chăm sóc sao cho cây khỏe, cứng cáp (dùng kali trắng (K2SO4) kết hợp với phân bón lá siêu vi lượng phun lên thân lá. Đồng thời,   phun thuốc phòng bệnh định kì cho cây củ đậu. Vì nếu để bệnh phát sinh trên cây rồi mới trừ bệnh thì ảnh hưởng rất lớn đến việc xuống củ của cây (củ bị còi cọc, xù sì...). Thuốc dùng để phòng bệnh nên sử dụng các thuốc gốc đồng như: Boocdo 1%, Batocide, ...

+ Thu hoạch: Củ đậu có thể thu hoạch sau trồng khoảng 4 tháng. Song, thu hoạch tốt nhất khi cây được 5,5 - 6 tháng tuổi (năng suất và chất lượng củ cao nhất). Có thể kiểm tra bằng cách: Bóc vỏ củ đậu và xoa nhẹ ngón tay vào thịt củ nếu không còn thấy nhớt dính tay là thu hoạch được - củ ngon nhất). Không nên để củ đậu trên 7 tháng tuổi rồi mới thu hoạch vì lúc này củ đã bị xốp, mất hết chất dinh dưỡng và độ ngọt.


49339-ntm.00221_nang-cao-nang-suat-chat-luong-cu-dau.pdf

Trần Thị Liên