Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 7957
Tổng truy cập : 2,025,927

Chăn nuôi

Kinh nghiệm nuôi chim trĩ đỏ

Giới thiệu đến bà con nông dân kỹ thuật nuôi chim trĩ đỏ: về chuồng trại, chọn chim giống, chăm sóc chim qua các thời kỳ sinh trưởng, thời kỳ đẻ trứng và kỹ thuật ấp nở, vệ sinh chuồng trại…


Chim trĩ đỏ hay tên đầy đủ Trĩ đỏ khoang cổ là loài chim thuộc họ Trĩ nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Chúng sống ở khu vực miền Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh…), khu bảo tồn U Minh Thượng (Kiên Giang), khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên Huế); ở tỉnh Lâm Đồng, loài chim Trĩ này xuất hiện trong những cánh rừng ở vườn quốc gia BiDoup Núi Bà, rừng quốc gia Cát Tiên, trước đây còn thấy xuất hiện ở vùng đồi núi thấp của huyện Đức Trọng.

Trĩ đỏ lớn rất nhanh và có khả năng đề kháng cao nên ít khi mắc bệnh. Nuôi Trĩ đỏ mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi gà. Trứng chim Trĩ rất thơm ngon, bổ dưỡng, hiện trứng Trĩ đang được thị trường rất ưa chuộng. Thịt chim Trĩ có giá trị dinh dưỡng cao và chữa được một số bệnh. Ngoài ra, nuôi chim Trĩ còn có mục đích để làm cảnh. Chúng tôi xin giới thiệu đến bà con nông dân kỹ thuật nuôi chim Trĩ đỏ. 

1. Về chuồng trại

Yêu cầu chung: Chuồng nuôi phải được xây dựng ở những nơi cao ráo, thoáng mát, đảm bảo giữ ấm về mùa đông, mát về mùa hè; cách xa các trại nuôi gia súc, gia cầm khác. Nền chuồng phải bằng phẳng, tiện cho công tác dọn vệ sinh, rải chất độn chuồng bằng phôi bào hoặc trấu có thể trộn với cát được phơi khô đã được phun khử trùng.

Chuồng nuôi theo từng giai đoạn:

- Lồng úm nuôi giai đoạn 0 - 4 tuần tuổi: Giai đoạn này mật độ nuôi 15-40 con/m2. Trong thời gian úm gột, để tập trung nguồn nhiệt tránh gió lùa sử dụng lồng úm với chiều cao 40 - 50 cm, chiều dài 1,0 - 1,2 m; chiều rộng 0,7 - 0,9 m. Xung quanh được đóng bằng gỗ ép hoặc cót ép, phía trên làm bằng lưới ô nhỏ để tránh chim bay.

- Chuồng nuôi giai đoạn 5 - 12 tuần tuổi: Giai đoạn này mật độ 4-12 con/m2, chim Trĩ được nuôi thả ra nền chuồng bê tông để rải trấu hoặc phôi bào với độ dày 5 - 8 cm, có khu đổ cát để chim tắm cát. Sân chơi được rào kín bằng lưới để ngăn chim thoát ra ngoài. Để ngặn chặn việc bay mất, kẹp lông cánh khi chúng 4 tuần tuổi hoặc cắt lông cánh ngay ban đầu

- Giai đoạn sau 12 tuần tuổi: Ở giai đoạn này có thể đưa chim ra chuồng lớn với mật độ nuôi 1 - 2 con/m2. Nên chia chuồng thành nhiều ô khác nhau để tiện cho công tác quản lý và theo dõi bệnh tật cũng như quá trình sinh trưởng và phát triển của chim. Tường vây có thể xây hoặc dùng lưới B40, lưới mắt cáo. Trên nóc sử dụng các loại tấm lợp đảm bảo chim không thoát ra ngoài. Nền chuồng được rải cát để chim tắm cát và làm ổ đẻ.

- Làm chuồng cho chim lớn: Nên chia chuồng thành nhiều ô khác nhau để tiện cho công tác quản lý và theo dõi bệnh tật cũng như quá trình sinh trưởng và phát triển của chim. Nếu làm chuồng mới để nuôi chim sinh sản có thể thiết kế theo khung cơ bản sau: Rộng ngang 3,5 m x dài 6 m x cao 2,5 - 2,8 m. Với diện tích ô chuồng này có thể nuôi được 20 - 25 cá thể chim bố mẹ sinh sản hoặc 30 - 40 cá thể chim hậu bị.

2. Chọn chim giống: Chọn những con nhanh nhẹn, mắt sáng, lông bông, bụng gọn, chân mập, khối lượng 20-23g là đạt yêu cầu. Cần loại ngay những con khô chân, vẹo mỏ, khèo chân, hở rốn, bụng nặng, lông bết.

3. Chăm sóc chim qua các thời kỳ sinh trưởng

Nuôi chim con (giai đoạn từ 1- 3 tháng tuổi ): Chim được nuôi trong lồng nhỏ bằng lưới mắt cáo, sử dụng bóng điện hoặc đèn sưởi đám bảo nhiệt độ 25-27 0C. Trong quá trình nuôi phải quan sát phản ứng của chim đối với nhiệt độ nếu thấy chim tập trung gần nguồn nhiệt, chen lấn chồng đống lên nhau là chuồng nuôi không đủ nhiệt, chim bị lạnh. Nếu chim tản ra xa nguồn nhiệt, nháo nhác, kêu, khát nước, há mỏ để thở là bị quá nóng cần phải điều chỉnh giảm nhiệt độ. Nếu chim tụm lại một phía là bị gió lùa rất nguy hiểm, cần che kín hướng gió thổi. Khi đủ nhiệt, chim vận động ăn uống bình thường, ngủ, nghỉ tản đều lồng úm. Khu vực nuôi thường xuyên được khử trùng định kỳ tối thiểu 15- 20 ngày/lần. Thức ăn sử dụng là loại cám viên dùng cho gà con, sử dụng loại máng ăn, uống phù hợp với độ tuổi của chim…nên cho lượng cám và nước vừa đủ, khi chim ăn hết lấy máng ra vệ sinh và thay nước mới, tránh để nước lưu lại sang ngày thứ 2. Với chim nhỏ sức đề kháng yếu ta sử dụng loại nước cất hoặc nước đun sôi để nguội cho chim uống.

Nuôi chim trưởng thành: Chim được nuôi trong lồng lớn sử dụng thức ăn dành cho gia cầm trưởng thành, gia cầm sinh sản (cám gà đẻ) kết hợp với lúa. Tỉ lệ pha tuỳ theo thời kỳ sinh trưởng của chim: Có thể dùng tới 60% lúa trong khẩu phần thức ăn. Ngoài ra kết hợp cho ăn thêm các loại rau xanh: Rau muống, rau lang, thân cây chuối thái nhỏ ..vv.

4. Thời kỳ đẻ trứng và kỹ thuật ấp nở

Chim trĩ giống bình quân sau khi nuôi đến 8 tháng tuổi có thể đẻ trứng. Thời gian đẻ thường từ đầu tháng 1 âm lịch đến khoảng tháng 4 âm lịch. Sau đó chim trĩ ngừng đẻ khoảng 1 tháng rồi tiếp tục đẻ lứa thứ 2, đến khoảng tháng 8 âm lịch thì nghỉ. Bình quân mỗi năm, 1 chim mái có thể đẻ từ 68-80 trứng.

Chim trĩ trong tự nhiên không tự ấp trứng, chim thường đẻ nhờ vào tổ chim khác. Vì vậy khi đưa vào nuôi trong môi trường nhân tạo ta phải dùng tác nhân phụ để ấp trứng cho chim. Tỉ lệ nở phụ thuộc vào 2 yếu tố là chất lượng phôi trứng và kỹ thuật ấp. Thường có 2 cách cơ bản để ấp trứng Trĩ:

- Dùng vật nuôi khác có thân nhiệt và điều kiện ấp nở tương tự (thường dùng gà mái để ấp). Cách ấp này đơn giản như ấp trứng gia cầm thông thường tuy nhiên cho tỷ lệ thành công thấp và khó áp dụng cho nuôi quy mô lớn.

- Dùng máy ấp: Sử dụng loại máy ấp trứng gia cầm thông thường để ấp. Thời gian ấp nở khoảng 22 - 23 ngày. Hiệu chỉnh nhiệt độ, độ ẩm tùy theo giai đoạn:

+ Nhiệt độ ấp trong tuần đầu : 37,50C, độ ẩm 55%;

+ Tuần thứ 2 nhiệt độ 37,3 0C, độ ẩm 60 %;

+ Tuần thứ 3 trở đi nhiệt độ 370C, độ ẩm 75 %.

5. Vệ sinh phòng bệnh:

- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh xung quanh chuồng nuôi, định kỳ phun thuốc khử trùng tiêu độc;

- Che chắn chuồng nuôi đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hè; sử dụng thức ăn nước uống đảm bảo vệ sinh;

- Định kỳ tiêm phòng vắc xin đối với một số bệnh thường gặp như Newcaste, Cúm gia cầm…Sử dụng kháng sinh cho vào thức ăn, nước uống để phòng một số bệnh do vi khuẩn như tụ huyết trùng, cầu trùng, thương hàn…;

- Định kỳ diệt trừ các loài động vật gặm nhấm, chim hoang và côn trùng có hại khác./.

 

 


3625-ntm.002644_ky-thuat-nuoi-chim-tri-do.pdf 

Xuân Duy