Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 126 |
Tổng truy cập : | 565,678 |
Trồng trọt
Kỹ thuật cấy và chăm sóc lúa xuân muộn
Hướng dẫn quy trình kỹ thuật cấy và chăm sóc lúa vụ xuân muộn để đảm bảo chất lượng tốt, gồm các khâu: chuẩn bị đất, kỹ thuật cấy, bón phân, quản lý nước, làm cỏ, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)
I. KỸ THUẬT CẤY LÚA XUÂN MUỘN
1. Chuẩn bị đất
Đất được cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại và tàn dư cây trồng trên ruộng, san phẳng, phát be bờ sạch sẽ đảm bảo giữ nước tốt. Trước khi bừa cấy lần cuối, cần bón lót đầy đủ phân lót cho lúa.
2. Kỹ thuật cấy lúa
- Khi mạ đến tuổi (2,5 -3,5 lá), nhiệt độ trung bình ngày đêm trên 150C tiến hành cấy lúa. Nếu nhiệt độ dưới 150C tuyệt đối không được đem mạ đi cấy.
- Mật độ cấy: Tùy theo chân đất mà cấy với mật độ sau:
+ Đất tốt, mật độ cấy từ 25-30 khóm/m2;
+ Đất trung bình, mật độ cấy từ 30-40 khóm/m2;
+ Đất xấu, mật độ cấy 40-45 khóm/m2.
- Số dảnh cấy: 1-3 dảnh/khóm tuỳ giống (lúa lai, lúa thuần cấp nguyên chủng trở lên cấy 1-2 dảnh/khóm; lúa thuần giống xác nhận cấy 2-3 dảnh/khóm).
- Cấy nông tay, cấy vuông mắt sàng hoặc cấy theo khoảng cách hàng rộng, hàng hẹp (hiệu ứng hàng biên).
- Những nơi có điều kiện, chủ động nước có thể gieo thẳng. Đối với lúa thuần: Mật độ gieo thích hợp 1,5 -2kg thóc giống/sào Bắc bộ 360m2, lúa lai: Mật độ gieo thích hợp 1,0 -1,2kg thóc giống/sào Bắc bộ 360m2. Mật độ gieo thích hợpsẽ cho năng suất đạt tối đa, gieo quá dày hoặc quá thưa, năng suất giảm. Mật độ bông lúa để đạt năng suất cao cần từ 300 - 350 bông/m2.
II. CHĂM SÓC, QUẢN LÝ DỊCH HẠI
1. Chăm sóc
a) Bón phân
* Lượng bón (tính cho 1 sào Bắc Bộ 360m2)
Để đạt năng suất cao cần bón phân cân đối, bón tập trung, bón lót sâu, bón thúc sớm và khuyến cáo bón phân tổng hợp NPK chuyên dùng cho lúa. Lượng bón tùy theo giống, chân đất và mùa vụ.
- Đối với lúa thuần: Bón 300 - 500 kg phân chuồng (hoặc 15-25 kg phân hữu cơ vi sinh); 7-8 kg Đạm; 15-20 kg Lân; 6-7 kg Kali. Nếu dùng phân bón tổng hợp NPK thì tính đủ lượng đạm, lân, kali nguyên chất theo phân đơn hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất phân bón. Đất thịt, phù sa màu mỡ bón ít; đất cát, bạc màu bón nhiều; đất lầy thụt giàu đạm thiếu lân, kali thì bón giảm đạm, tăng lân và kali.
- Đối với lúa lai: Lượng phân bón được bón tăng hơn so với lúa thuần 15-20% (theo hướng dẫn của nhà sản xuất giống).
- Nếu đất chua, bón 15-20 kg vôi bột/sào Bắc bộ 360m2. Bón vôi trước cấy 7-10 ngày, không bón vôi cùng lúc với bất kỳ phân bón nào.
* Cách bón: Cần thực hiện nguyên tắc bón lót đầy đủ, bón thúc kịp thời và kết thúc bón sớm.
- Bón lót (trước khi bừa cấy): Toàn bộ lượng phân chuồng + phân lân + 20- 30% phân đạm; đối với lúa lai + 20% phân kali (nếu bón phân tổng hợp NPK thì không nên lót kali);
- Bón thúc lần 1 (khi lúa bén rễ - hồi xanh) sau cấy 12-15 ngày, tùy theo nhiệt độ, bón 50% phân đạm + 30% phân kali (không bón phân thúc khi nhiệt độ dưới 150C);
- Bón thúc lần 2 (khi lúa đứng cái đến phân hoá đòng): Bón 50% lượng kali còn lại và dùng bảng so màu lá lúa để quyết định bón lượng đạm còn lại.
* Chú ý: Đối với đất cát pha cần chia nhỏ thành 3 lần bón:
- Bón thúc lần 1 (khi lúa bén rễ hồi xanh) sau cấy 12-15 ngày, tùy theo nhiệt độ bón 40% phân đạm + 20% phân kali;
- Bón thúc lần 2 (khi lúa đẻ nhánh) sau cấy 20-25 ngày, bón 20% đạm + 20% lượng kali;
- Bón thúc lần 3 (đứng cái đến phân hoá đòng), bón nốt 40% lượng kali còn lại và dùng bảng so màu lá lúa để quyết định bón lượng đạm còn lại.
- Cần kết thúc bón phân thúc trước 45 ngày sau cấy.
b) Quản lý nước
Điều tiết nước hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng của lúa nhằm hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu, sâu bệnh, cỏ dại. Những nơi có điều kiện, chủ động nguồn nước tưới, một vụ có thể tháo cạn nước, để ruộng khô đến nứt chân chim từ 2- 3 lần.
- Lần 1, sau bón thúc lần 1 từ 3 - 5 ngày tiến hành rút nước cạn, để đủ ẩm, sau 3 - 7 ngày cho nước vào ruộng 3 -5 cm.
- Lần 2, vào giai đoạn cuối đẻ nhánh: Rút cạn nước 7-10 ngày để hạn chế nhánh vô hiệu, sau đó cho nước vào.
- Lần 3: Trước khi gặt 10-15 ngày tháo cạn nước phơi ruộng đến khi gặt.
c) Quản lý cỏ
- Làm cỏ sục bùn 1 - 2 lần, cách nhau 10 ngày;
- Có thể dùng các thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm hoặc hậu nảy mầm để phun trừ cỏ trên ruộng.
2. Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)
* Thực hiện 4 nguyên tắc cơ bản trong quản lý dịch hại tổng hợp (IPM):
- Trồng và chăm sóc cây khỏe
- Thăm đồng thường xuyên
- Nông dân trở thành chuyên gia
- Bảo vệ ký sinh thiên địch
* Phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại khi đến ngưỡng phòng trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các trạm Trồng trọt & BVTV huyện, thành, thị.
Chú ý:
- Bọ trĩ: Thường xuất hiện và gây hại lúa giai đoạn bén rễ - hồi xanh (cuối tháng 2 - đầu tháng 3), hại mạnh nếu thời tiết ấm + khô.
- Bệnh đạo ôn: Xuất hiện và gây hại lúa giai đoạn con gái - trỗ bông (giữa tháng 3 - đầu tháng 5). Những đợt thời tiết âm u, ít nắng kèm theo mưa phùn cần hết sức chú ý bệnh đạo ôn gây hại trên lá lúa giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng; hại trên cổ bông giai đoạn lúa trỗ - chín sữa; đặc biệt hại mạnh ở những ruộng bón nhiều đạm, lúa xanh tốt, giống nhiễm (lúa nếp, TBR 225,…).
- Rầy nâu + rầy lưng trắng: Thường tích luỹ và gây hại mạnh từ cuối tháng 4 - đầu tháng 5 trên trà lúa Xuân sớm; từ đầu tháng 5 - 15/5 trên trà lúa Xuân muộn, những ruộng cấy dày, bón nhiều đạm và bón muộn, giống nhiễm (nếp ngoi, X23, HT1, nếp, TBR 225,…).
- Bệnh khô vằn: Thường xuất hiện và gây hại lúa giai đoạn làm đòng - chín sữa; hại mạnh những ruộng cấy dày, bón nhiều đạm và bón muộn.
- Sâu đục thân 2 chấm: Bướm lứa 2 thường hại mạnh trên lúa Xuân muộn trỗ sau 15/5...
- Tích cực tham gia diệt chuột thường xuyên, nhất là các đợt diệt chuột tập trung theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt & BVTV./.
79124-ntm.001558_ky-thuat-cay-va-cham-soc-lua-xuan-muon.pdf