Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 1698 |
Tổng truy cập : | 559,366 |
Chăn nuôi
Kỹ thuật chăm sóc lợn cái hậu bị bố mẹ đạt tỷ lệ lên giống cao
Trong chăn nuôi lợn nái sinh sản, giống là tiền đề quyết định đến năng suất, sản lượng và hiệu quả. Để có được lợn cái hậu bị đạt tỷ lệ lên giống cao, người chăn nuôi cần chú ý tới các vấn đề kỹ thuật
1. Chọn giống
Chọn mua lợn cái hậu bị phải đúng phẩm cấp giống (cấp ông bà hoặc cấp bố mẹ) ở các cơ sở tin cậy được cấp phép có chất lượng tốt, an toàn dịch bệnh. Ví dụ: Chọn mua lợn cái hậu bị cấp bố mẹ về làm nái sinh sản thì cần phải chọn mua tại những cơ sở đủ điều kiện được Nhà nước cho phép chuyên nuôi lợn nái cấp ông bà để sản xuất ra lợn cái hậu bị cấp bố mẹ.
- Khi chọn lợn cái hậu bị thì mục đích cần đạt phải là: Lợn cái động dục (lên giống) sớm; đạt tỷ lệ thụ thai cao; đẻ sai con ngay từ lứa đầu; thời gian khai thác được lâu bền.
- Lợn giống phải có nguồn gốc lý lịch rõ ràng, tại đó đàn giống an toàn dịch bệnh.
- Lợn được chọn là con của cặp bố mẹ cao sản; lợn mẹ đẻ sai, mắn đẻ, tốt sữa, nuôi con khéo.
- Chọn lợn khỏe mạnh, da mịn, lông thưa, mắt tinh nhanh, lợn có thân hình cân đối (đầu cổ - vai ngực – lưng bụng – mông), bốn chân khỏe, móng phát triển đều; không chọn lợn có các khuyết tật như úng rốn, chân đi vòng kiềng, chân móng yếu…
- Chọn lợn cần phải có ≥ 12 vú; vú lộ rõ, có khoảng cách đều nhau giữa các vú; không có vụ kẹ. Âm hộ (mẩy) phát triển rõ, không chọn những lợn cái có mẩy bé hoặc dị tật.
2. Chăm sóc nuôi dưỡng
- Lợn cái hậu bị nuôi tập trung thành từng ô, đảm bảo diện tích tối thiểu1,2m2/con cho đến khi phối giống lần đầu. Khi lợn đạt khối lượng 100-120kg (>7 tháng tuổi) chuyển sang nuôi nhốt cá thể (khung, lồng).
- Sử dụng thức ăn công nghiệp có chất lượng tốt, ổn định để cung cấp đủ chất dinh dưỡng phù hợp với các giai đoạn, độ tuổi của lợn: Cụ thể:
+ Trọng lượng lợn từ 15 - 30kg: Tỷ lệ đạm 16-17%, NLTĐ: 3100Kcal
+ Trọng lượng lợn từ 30 - 60kg: Tỷ lệ đạm 15%, NLTĐ: 3000Kcal
+ Trọng lượng lợn từ 60kg đến phối giống: Tỷ lệ đạm 13-14%, NLTĐ: 2900Kcal
- Thường xuyên bổ sung vitamin ADE, khoáng chất, chất điện giải khi điều kiện chăn nuôi bất lợi (nắng nóng, thay đổi thời tiết, giao mùa…).
- Đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y (nước giếng khoan, nước máy…).
- Cho lợn ăn tự do đến 90kg. Từ 90kg trở lên cho ăn hạn chế để lợn không béo quá (thức ăn TB 2kg/con/ngày). Từ 10-14 ngày trước ngày phối giống dự kiến cho lợn ăn tăng lên 2,7 - 3kg/con/ngày và bổ sung vitamin ADE (trộn vào thức ăn hoặc tiêm) để tăng số lượng trứng rụng khi phối giống lần đầu nhằm đạt kết quả thụ thai có số con cao. (Lưu ý: giai đoạn này cho lợn ăn bằng loại thức ăn công nghiệp nuôi lợn nái nuôi con là tốt nhất)
3. Điều kiện chuồng nuôi và công tác thú y
- Tạo độ thông thoáng đảm bảo mát về mùa hè, ấm về mùa đông.
- Thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ, tránh ẩm thấp, thiếu ánh sáng; Nhiệt độ chuồng nuôi lý tưởng nhất cho lợn từ 25-30oC.
- Phun thuốc sát trùng, dải vôi bột định kỳ đảm bảo an toàn dịch bệnh.
- Trước phối giống ít nhất 3 tuần (21 ngày) phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin: Dịch tả, tụ dấu, tai xanh, LMLM, khô thai, xoắn khuẩn…(người chăn nuôi có thể liên hệ với nhà cung cấp vắc xin để được hướng dẫn và hỗ trợ tốt nhất)
4. Công tác quản lý:
- Lợn cái hậu bị đến thời điểm phối giống phải đạt yêu cầu về trọng lượng từ 110 – 120kg/con (TB khoảng từ 7,5 – 8 tháng tuổi). Không nên phối giống cho lợn ở thời điểm sớm quá (cả về trọng lượng và tháng tuổi) vì sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và độ bền của lợn nái.
- Không để lợn có thể trạng gầy quá (lợn chậm lớn, động dục muộn, trứng rụng ít và số con đẻ ra ít) hay béo quá (tốn thức ăn, lợn động dục chậm hay không bình thường, tỉ lệ thụ thai thấp).
- Đảm bảo ánh sáng cho chuồng nuôi. Không để nhiệt độ chuồng nuôi nóng quá hay lạnh quá, hay dinh dưỡng và khẩu phần ăn không thích hợp làm lợn chậm động dục lần đầu.
- Khi chăn nuôi tập trung, quy mô thì nên nuôi nhốt lợn đực giống ở ô đầu chuồng (đầu hướng gió) để kích thích tăng khả năng phát dục của lợn cái hậu bị.
53546-ntm.003012_ky-thuat-cham-soc-lon-cai-hau-bi-bo-me-dat-ty-le-len-giong-cao.pdf
Nguyễn Điền – Trung tâm giống vật nuôi Phú Thọ