Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1550
Tổng truy cập : 564,924

Trồng trọt

Kỹ thuật chăm sóc và xử lý ra hoa lộc vừng

Bài trích hướng dẫn quy trình chăm sóc và xử lý ra hoa cho cây lộc vừng: vị trí trồng, diệt trừ sâu bọ, tưới nước, tạo rễ, buông rễ, phòng và chữa một số bệnh


Lộc vừng là loại cây kiểng được nhiều người ưa thích. Đất trồng lộc vừng tốt nhất là đất màu trộn thêm trấu, xỉ than lò gạch đập nhỏ và ít phân chuồng hoai mục.

Trồng xong tưới nước để giữ độ ẩm vừa phải cho cây ra rễ mới. Khi bộ rễ ở dưới đã khỏe, tưới nước thoải mái cho cây phát triển nhưng không được để úng nước.

1. Chăm sóc

Tương tự như chăm sóc các cây cảnh khác, chỉ cần trồng cây, hoặc đặt bồn ở nơi thoáng đãng để cây phát triển đều ở cả bốn phía. Hàng ngày, chú ý tưới nước giữ độ ẩm tối đa cho cây. Thường xuyên quan sát diệt trừ sâu bọ bằng cách dùng kẹp hoặc phun thuốc. Hàng tháng nên đều đặn tưới nước phân bổ sung cho cây, 2 hoặc 3 năm nên tiến hành thay đất mới và trồng lại cây một lần để đảm bảo cho cây luôn đủ chất dinh dưỡng phát triển và ra hoa đúng mùa.

2. Tạo rễ, buông rễ

Rễ lộc vừng rất nhạy cảm với môi trường ẩm và ngập nước. Nếu muốn cho ra rễ ở điểm nào của thân cây, có thể bó mùn, giữ ẩm hay ngâm vào nước ngập đúng điểm đó, sau 2 - 3 tháng rễ sẽ mọc ra (thường mọc đúng mặt nước trên dưới 10 cm) tùy cây to, nhỏ và điều kiện cụ thể mà chọn biện pháp thích hợp, khi đã có rễ ra, nâng dần cây lên (hạ dần nước xuống) rễ sẽ theo đó mà buông dài dần theo ý muốn.

Xử lý ra hoa rải rác trong năm: đối với lộc vừng, không cắt tỉa theo từng đợt như các loại khác mà nên cắt tỉa thường xuyên, khi nào thấy cành vượt là cắt, nhằm làm cho các cành dăm không có độ tuổi đồng đều, dẫn đến việc ra hoa cũng không đồng loạt, mà rải ra từ mùa xuân đến mùa thu.

Khi cây lộc vừng chớm ra nụ nên bón thúc cho cây, trong đó tăng cường các loại phân có tác dụng để hoa to, bông dài và đậu trái càng tăng vẻ đẹp của cây. Khi nụ hoa mới dài ra khoảng 2 cm, lấy móng tay (hay mũi dao nhọn) lẩy một số nụ hoa đi, cành dăm bị lẩy nụ này sau tháng rưỡi đến 2 tháng lại ra hoa tiếp. Thay bằng cách lẩy nụ hoa, có thể dùng ngón tay uốn cong những cành dăm đã ra nụ (số lượng tùy ý). Những cành này bị tổn thương nụ sẽ teo đi, vài tháng lại ra nụ tiếp.

3. Cách phòng, chữa một số bệnh

Cây đang to, khỏe, xanh tốt, tự nhiên có hiện tượng lá vàng, rụng (có thể lá héo khô ở trên cây) sau đó chết từng cành, rồi lan đến chết toàn thân. Dự đoán sơ bộ ban đầu cho thấy: nguyên nhân bệnh chết lộc vừng ở Nam Toàn hiện nay là do tuyến trùng gây nên, tuyến trùng là đối tượng dịch hại khá phổ biến và gây thiệt hại rất lớn đối với các quốc gia trồng tiêu trên thế giới. Có đến 36 loài tuyến trùng ký sinh gây hại đã được báo cáo, trong đó có hai đối tượng quan trọng nhất là Radopholus similis và Meloidogyne spp.

Hiện nay, có khoảng 10 giống tuyến trùng được phát hiện ở Campuchia, các vùng miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên (nơi bà con Nam Toàn thu thập cây lộc vừng về trồng), trong đó loài Meloidogyne spp. rất phổ biến. Tuyến trùng ký sinh bên trong rễ gây hiện tượng u bướu rễ, đặc biệt những hệ thống rễ làm nhiệm vụ hút dinh dưỡng để nuôi cây.

Nghiêm trọng hơn là khi tuyến trùng chui vào bên trong rễ cây tạo vết thương vùng rễ, từ đó tạo cơ hội cho các loại nấm Phytophthora, Fusarium, Pythium tấn công gây nên bệnh chết nhanh, chết chậm cành và cả cây. Triệu chứng phổ biến là cây có dấu hiệu vàng lá, phổ biến là những lá từ dưới gốc lên, cây chậm phát triển, còi cọc. Khi kiểm tra hệ thống rễ có những u bướu, với nhiều lỗ nhỏ, tròn, màu nâu đến nâu đen, có kích thước rất nhỏ.

Trước tình hình cây lộc vừng bị bệnh trên,  nên cách ly các cây có hiện tượng bị bệnh, đến những nơi riêng biệt để trồng, chăm sóc (tốt nhất là một khu đất giữa cánh đồng lúa) để tránh lan truyền bệnh sang những cây khác. Tạm ngừng việc thu thập, mua bán cây lộc vừng ở những nơi có thể là nguồn bệnh (Campuchia, Tây Nguyên…) để tránh mang thêm nguồn bệnh về, đồng thời cũng tạm ngừng việc buôn bán kinh doanh cây lộc vừng sang các nơi khác.  Áp dụng ngay các biện pháp chữa bệnh cho những cây bắt đầu có biểu hiện, và phòng cho những cây có nguy cơ bị bệnh bằng cách đánh lên, thay đất, trồng cây trong cát sạch và dùng thuốc Vifu-Super 5GR với liều lượng 0,2 - 0,5 kg, rắc hoặc hòa vào nước tưới cho 1 gốc cây (tùy theo cây to nhỏ khác nhau). Chăm sóc tốt những cây chưa bị bệnh, để cây có sức sống tốt, có khả năng chống chịu các loại bệnh, trong đó có bệnh héo, chết rũ.


56742-ntm.001870_ky-thuat-cham-soc-xu-ly-ra-hoa-loc-vung.pdf

Đặng Văn Đông