Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 395
Tổng truy cập : 562,467

Chăn nuôi

Kỹ thuật chăn nuôi gà Ai Cập hướng trứng

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà Ai Cập hướng trứng: làm mới lại chuồng trại sau mỗi đợt nuôi gà, chăm sóc và quản lý lứa nuôi mới, chọn và loại thải gà đẻ định kỳ,…


Gà Ai Cập là giống gà chuyên dụng thịt trứng, tuy nhiên gà có khối lượng nhỏ từ 1,2 – 1,5kg/con. Gà có mào đơn, dái tai trắng bạc, chân cao, da chân màu trắng và cũng có con có da chân màu xám đen. năng suất trứng/mái đạt 225-228 quả, tiêu tốn thức ăn/10 trứng: 1,85kg, khối lượng trứng từ 46-47g/quả.

Trước khi đưa gà vào nuôi cũng như sau mỗi đợt nuôi cần dọn dẹp, vệ sinh tiêu độc sát trùng chuồng trại, sau khi làm sạch cẩn thận mới đưa gà vào nuôi lứa mới

1. Làm mới lại chuồng sau mỗi đợt nuôi gà

(1) Dọn chất thải, độn lót chuồng đưa ra ngoài xa để ủ nhiệt sinh học

(2) Tháo dỡ dụng cụ chăn nuôi đem ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch

(3) Quét mạng nhện trong chuồng và khu vực xung quanh chuồng

(4)Rửa sạch nền chuồng vách ngăn, bạt che không được để cặn phân dính trên tường và trên nền

(5) Sửa chữa nền chuồng những chỗ bị hỏng và để khô

(6) Quét vôi toàn bộ nền chuồng, tường bao, lối đi hành lang

(7) Phun sát trùng toàn bộ chuồng và dụng cụ chăn nuôi, bạt che

(8) Đóng kín bạt che chuồng và cửa ra vào, ủ chuồng trong thời gian từ 10 ngày đến 30 ngày, sau đó mới được nuôi lứa mới

Trước khi nhận gà vào nuôi 1 ngày cần phun sát trùng tiêu độc lại toàn bộ khu nuôi gà con và các dụng cụ bằng hóa chất sát trùng như Haniodine, hoặc Chloramin 1% (100g pha loãng với 10 lit nước để phun), sau đó mở bạt để thoáng chuồng cho bay hết mùi rồi mới đưa gà vào

Rửa sạch bể chứa nước và sát trùng, sau đó đóng kín nắp và cấp nước dự trữ dùng cho gà uống

Người nuôi gà phải có quần áo riêng và ủng sạch để thay khi vào chăn nuôi gà

Tùy theo điều kiện, diện tích vườn mà xây dựng hướng chuồng nuôi hợp lý, hướng chuồng nuôi tốt nhất là hướng Đông Nam hoặc hướng Nam. Xung quanh chuồng nuôi có rèm che bằng vải bạt hoặc bao tải tận dụng may lại dùng để che nắng mưa.

Trên nền chuồng sử dụng trấu sạch và khô làm chất độn chuồng.

Trước cửa ra vào khu vực chăn nuôi cần xây hố sát trùng. Có thể là khay sát trùng làm bằng tôn đựng thuốc sát trùng để nhúng ủng trước khi vào chuồng. Chất sát trùng là vôi bột hoặc các hóa chất sử dụng theo hướng dẫn của nơi sản xuất. Một ngày trước khi nhận gà, chất sát trùng phải cho vào hố sát trùng hoặc khay sát trùng

Trong chuồng nuôi cần chuẩn bị quây úm. Quây úm àm bằng cót ép cắt dọc có chiều cao 50cm, khi quây tròn lại có đường kính 2m có thể úm được 200 gà.

Gà con trong những ngày đầu cần nhiệt độ cao nên cần chuẩn bị chụp sưởi để điều chỉnh nhiệt độ trong quây úm.

Sử dụng máng uống gallon chuyên dụng cho gà con định  mức 50 con cho 1 máng. Máng uống đặt xen kẽ với khay ăn(hoặc máng ăn) theo hình rẻ quạt trong quây và cách đều giữa thành quây với chụp sưởi.

Trong 2 tuần đầu dùng khay ăn(khay bằng tôn hoặc bằng nhựa có kích thước 70 × 60cm) hoặc có thể dùng mẹt tre đường kính 60cm. Khay ăn được đặt trong quây xếp so le với máng uống.

* Trước khi nhận gà vào quây phải

- Kéo rèm che kín chuồng

- Bật đèn sưởi ấm trong quây úm khoảng 2 giờ nếu thời tiết ngoài trời lạnh

- Cho nước vào máng uống. Trong nước uống cần pha thêm thuốc kháng sinh, Bcomplex, và đường Glucoz theo hướng dẫn. Nước uống  phải là nước sạch, an toàn và có thể đun nước cho ấm nếu úm gà vào mùa lạnh. Nước uống được cho vào máng gallon loại 1,5-2lit, đáy máng uống được kê phẳng bằng gạch mỏng đặt trên đệm lót

* Nhận gà con vào quây

- Sau khi chuẩn bị xong chuồng trại mới đưa gà vào quây

- Mật độ nuôi từ tuần thứ nhất đến tuần thứ ba là 22con/m2 chuồng, từ tuần thứ tư đến tuần thứ sáu là 18con/m2 chuồng, từ tuần thứ bảy đến tuần thứ chín là 14con/m2 chuồng

* Khi thả gà vào quây thực hiện tuần tự các công việc sau

- Kiểm tra lại số lượng con sống và con chết

- Loại bỏ những con chết và gà không đạt tiêu chuẩn ra khỏi chuồng

Đưa ra khỏi chuồng úm các vỏ hộp đựng gà con, các chất lót vỏ hộp và gà con chết, gà loại để tiêu hủy

Cho gà uống nước ngay trước khi cho ăn.

Kiểm soát nhiệt độ trong giai đoạn nuôi: Trong hai tuần đầu úm gà thường xuyên quan sát gà và theo dõi nhiệt độ trong quây để điều chỉnh thiết bị sưởi nhằm cung cấp đủ nhiệt cho gà. Những dấu hiệu sau cần chú ý để điều chỉnh chụp sưởi hoặc thiết bị sưởi

- Nhiệt độ cao, đàn gà tản ra sát vành quây, kêu và thở

- Nhiệt độ thấp gà tập chung quanh chụp sưởi

- Nhiệt độ thích hợp đàn gà phân bố đều trong quây

* Cho ăn

- Từ tuần thứ nhất đến tuần thứ ba dùng thức ăn gà con chủng loại 1-21. Từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 9 dùng thức ăn gà dò chủng loại 21-42 ngày. Nếu tự chế biến phải đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ghi trong bảng 2 của quy trình

- Khi chuyển thức ăn từ thức ăn gà con sang thức ăn gà dò, công thức thay đổi cho gà ăn như sau

+ Ngày thứ nhất 75% thức ăn cũ và 25% thức ăn mới

+ Ngày thứ hai 50% thức ăn cũ và 50% thức ăn mới

+ Ngày thứ ba 25% thức ăn cũ và 75% thức ăn mới

+ Ngày thứ tư cho ăn 100% thức ăn mới

Giai đoạn gà con: Rải mỏng, đều thức ăn lên khay ăn hoặc mẹt độ dầy 1cm, sau đó từ 2-3 giờ cạo sạch thức ăn lẫn phân có trong khay đem sàng để gạt bỏ phân ra ngoài, tận thu thức ăn cũ và tiếp thêm lượt mỏng thức ăn mới

 Giai đoạn gà dò: Cho gà ăn tự do cả ngày đêm, bổ sung thêm thức ăn cho gà trong một ngày đêm từ 6-7 lần

* Cho uống

Trong chuồng nuôi cần có nước sạch thường xuyên. Máng uống được rửa sạch hàng ngày và thay nước uống cho gà khoảng 4 lần(sáng, chiều, tối, và giữa đêm)

* Chiếu sáng: Thời gian chiếu sáng đảm bảo 24/24 giờ đến tuần thứ 3 hoặc thứ 4, các tuần còn lại thắp sáng đến 22 giờ, cường độ chiếu sáng từ 2-4w/m2 chuồng

2. Một số điểm bà con cần lưu ý:.

- Trong hai tuần đầu rèm che phải đóng kín cả ngày đêm, từ tuần thứ ba trở đi đóng rèm phía hướng gió và mở rèm phía không có gió. Tuy nhiên việc đóng và mở rèm còn tùy thuộc vào thời tiết và sức khỏe đàn gà.

- Độn lót chuồng: Hàng ngày kiểm tra và dọn rìa xung quanh máng uống độn chuồng bị ướt, xới đảo độn lót chuồng từ 7-10 ngày/lần và bổ sung thêm lượt mỏng độn lót.

- Từ tuần thứ 2 trở đi bắt đầu nới rộng quây úm và đến tuần thứ tư trở đi tháo bỏ hoàn toàn quây úm

- Từ tuần thứ tư trở đi tiến hành chọn lọc và loại bỏ gà trống lẫn trong đàn và loại thải định kỳ những cá thể có khuyết tật hoặc bị bệnh.

- Hàng ngày kiểm tra gà chết và gà yếu để loại thải. Ghi chép đầy đủ số lượng gà có mặt hàng ngày, lượng thức ăn cho ăn vào biểu theo dõi.

- Cắt mỏ: Sau khi gà nuôi được 1 tuần sẽ tiến hành cắt mỏ, trước khi cắt mỏ cho gà uống vitamin K để chống chảy máu. Khi cắt mỏ chú ý cắt qua phần sừng. Cắt lại mỏ sau đó 8-10 tuần. Chỉ cắt mỏ khi gà khỏe mạnh. Không cắt mỏ khi gà đang có phản ứng với vacxin.

- Ổ đẻ tính theo 5 con/ổ. Nên đóng ổ 2 tầng, mỗi tầng có 3 ngăn theo kích thước 35 × 35 × 35cm. Ổ đẻ xếp cạnh tường chuồng với chiều cao thích hợp 40cm, được đặt ở chỗ mát. Ổ thường xuyên được lót trấu sạch.

Khi gà bước vào nuôi tuần tuổi thứ 19 chuyển thức ăn và cho ăn thức ăn gà đẻ. Khi gà đẻ đạt tỷ lệ 5% toàn đàn bắt đầu tăng mức ăn (tăng theo nguyên tắc tăng dần) và đạt mức ăn cao nhất tại thời điểm đẻ đạt tỷ lệ 40%, 50%, và giữ nguyên mức ăn này đến thời điểm đạt đỉnh và suốt thời gian đạt đỉnh đẻ. Sau thời điểm đạt đỉnh đẻ, gà bắt đầu đẻ xuống thì mức ăn cũng giảm theo, tuy nhiên không giảm đột ngột. Mức ăn thấp nhất sau khi điều chỉnh bằng 90% so với mức ăn đạt đỉnh và giữ nguyên mức ăn này cho đến khi loại thải đàn gà.

* Chọn và loại thải gà đẻ định kỳ

- Thời điểm bắt đầu chọn và loại thải gà đẻ bắt đầu sau thời điểm gà đẻ đạt đỉnh và đi xuống nhằm loại ra những con không đẻ hoặc đẻ kém Những gà đẻ kém có các biểu hiện như sau:

+ Mào rụt, chân khô, và nhẹ cân

+ Gà có bụng cứng, lỗ huyệt khô

+ Gà đang thay lông, hai bên sườn và cánh đang mọc lông măng

+ Mặc dù có các biểu hiện trên nhưng trước khi quyết định loại bỏ thì cũng cần kiểm tra xem có trứng non trong tử cung hay không.

* Thu nhặt trứng: thu nhặt trứng 3-4 lần trong ngày, trứng sau khi nhặt phải sếp vào khay để đầu to lên trên. Trứng bẩn và trứng dập phải để riêng.

Hàng ngày kiểm tra gà chết và gà yếu để loại thải. Ghi chép đầy đủ số lượng gà có mặt hàng ngày, lượng thức ăn cho ăn và số trứng đẻ ra vào biểu hoặc sổ theo dõi.

Trong quá trình chăn nuôi, bà con cũng cần tiêm phòng bằng vắc xin đầy đủ cho đàn gà để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho đàn gà. Cụ thể, lịch tiêm phòng vacxin cho đàn gà như sau:

Ngày

tuổi

Vaccine phòng bệnh

Tên vaccine

Cách sử dụng

01

Marek

Lynomarek

Tiêm dưới da

05

ND–IB  lần 1

ND - IB

Nhỏ mắt, mũi

07

Gumboro lần 1

Gum B hoặc

Gum D78

Nhỏ mắt, mũi

10

Đậu

Đậu ngoại

Chủng màng cánh

14

Gumboro lần 2

Gum A hoặc

Gum 228E

Nhỏ mắt, mũi

17

Cúm gia cầm lần 1

H5N2

Tiêm dưới da

21

ND – IB lần 2

ND - IB

Nhỏ mắt, mũi

24

Gumboro lần 3

Gum A

(Gum 228E)

Nhỏ mắt, mũi

28

Viêm phế quản TN

IB – H120

(IB – H4.91)

Nhỏ mắt, mũi

35

Newcastle lần 1

New hệ I

Tiêm dưới da

45

Cúm gia cầm lần 2

H5N2

Tiêm dưới da

56

Viêm TKQ TN

ILT

Nhỏ mắt, mũi hoặc cho uống

70

Newcastle lần 2

New hệ I

Tiêm dưới da

135

ND–IB- EDS

ND–IB- EDS

Tiêm dưới da

 

Trên đây là một số kỹ thuật chăn nuôi gà Ai Cập hướng trứng nhằm giúp bà con nắm rõ kỹ thuật cũng như quy trình chăn nuôi hợp lý. Chúc bà con chăn nuôi thành công.


55759-ntm.001944_ky-thuat-nuoi-ga-ai-cap.pdf