Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 593
Tổng truy cập : 568,470

Trồng trọt

Kỹ thuật nhân giống lạc

Chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật nhân giống lạc: lựa chọn đất trồng, giống lạc, thời vụ trồng, mật độ gieo trồng, phân bón và hoạt chất điều hòa sinh trưởng, chăm sóc và tưới nước, phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh.


Kỹ thuật nhân giống lạc

 

1. Đất trồng

Đất trồng lạc phải đảm bảo cao ráo, thoát nước nhanh khi có mưa to, thành phần cơ giới của đất trồng lạc tốt nhất là loại đất thịt nhẹ, cát pha, để đất luôn tơi, xốp và có độ pH từ 5,5 -7. Nên trồng lạc khi độ ẩm đất khoảng 75% (ước lượng bằng cách vo viên đất trong lòng bàn tay khi thả ra, khối đất có nhiều vết răn nhưng không bị vỡ) để đảm bảo cho lạc có tỷ lệ mọc mầm tốt nhất.

Trước khi gieo trồng lạc, đất phải được cày sâu, bừa kỹ để đất tơi xốp, thoáng khí và sạch cỏ dại. Khi trồng phải lên luống để thoát nước; với đất hơi dốc, cần bố trí luống trồng lạc trực tiếp theo đường đồng mức và xẻ rãnh thoát nước (giữa các luống) lệch nhau, như vậy sẽ giữ được độ ẩm và tránh xói mòn đất khi mưa.

Nên sử dụng kỹ thuật che phủ Nilon trong vụ thu đông để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tuy nhiên cần phải có giải pháp thu gom và xử lý màng Nilon sau khi thu hoạch.

2. Giống lạc

Sử dụng những giống lạc phẩm cấp cao, thích ứng rộng với các vùng sinh thái ở các tỉnh Duyên hải Nam trung bộ và là những giống lạc được cho phép sản xuất như các giống LDH01, L14, L23, … cụ thể:

- Giống lạc LDH.01 do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam trung bộ chọn lọc từ quần thể giống lạc Lỳ đang sản xuất đại trà ở vùng Duyên hải Nam trung bộ, giống LDH.01 đã được công nhận ngày 23/9/2009 theo Quyết định số 360/QĐ- TT-CCN.

- Giống lạc L14 được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ - Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn lọc theo phương pháp chọn lọc quần thể từ dòng lạc QĐ5 ở tập đoàn lạc nhập nội của Trung Quốc. Giống được công nhận chính thức là giống TBKT theo Quyết định số 5310/BNN- KHKT ngày 29 tháng 11 năm 2002.

- Giống lạc L23 được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ - Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn ra từ nguồn thu thập năm 2001. L23 được công nhận cho sản xuất thử năm 2008 theo Quyết định số 111/QĐ-TT-CCN ngày 03 tháng 6 năm 2008

Đây là những giống lạc đạt năng suất thực thu cao nhất trong thí nghiệm nghiên cứu tuyển chọn giống lạc triển vọng trong điều kiện thời tiết vụ Thu đông trên đất gò đồi vùng Duyên hải Nam trung bộ.

3. Thời vụ trồng

Tùy vào thời gian sinh trưởng và mục đích sử dụng, nếu sản phẩm dùng để làm lạc giống cho vụ Đông xuân năm tiếp theo thì cần phải căn cứ vào thời gian sinh trưởng của giống sử dụng, căn cứ vào tình hình thời tiết cụ thể của từng nơi và thời điểm gieo trồng ở vụ Đông xuân để bố trí thời gian trồng của vụ Thu đông cho thích hợp.

Đối với các giống LDH.01, L23, L14 nên tiến hành gieo trồng từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 8.

4. Mật độ gieo trồng

- Sử dụng mật độ và khoảng cách gieo hạt:  30 cm x 10 cm  x 2 hạt/hốc và bố trí 4 hàng lạc/luống.

- Độ sâu khi lấp hạt: 2 - 3cm (đất khô thì lấp sâu, đất ẩm thì lấp nông hơn).

5. Phân bón và hoạt chất điều hòa sinh trưởng

- Đối với đất xám bạc màu, sử dụng mức bón/ha: 5 tấn phân chuồng + 500 kg vôi và 45kg N + 90kg P2O5 + 60kg K2O

- Đối với đất feralit trên đồi, sử dụng mức bón/ha: 5 tấn phân chuồng + 500 kg vôi và 30kg N + 90kg P2O5 + 60kg K2O

Cách bón: Bón lót toàn bộ phân chuồng, Lân và ½ lượng vôi bột

+ Bón thúc: thúc lần 1 (sau khi gieo 10 - 15 ngày) 70% lượng phân đạm, 50% lượng phân kali; thúc lần 2 (sau khi gieo 25 - 30 ngày) 30% lượng phân đạm, 50% lượng phân kali; Bón thúc lần 3 khi cây ra hoa 50% lượng vôi còn lại.

+ Do đặc thù của vụ Thu đông ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ là nằm trong mùa mưa, tổng lượng nhiệt thấp, cho nên lạc có xu thể phát triển sinh khối (sinh trưởng dinh dưỡng mạnh) và kéo dài thời gian sinh trưởng làm ảnh hưởng đến quá trình tập trung dinh dưỡng cho quả, hạt; dẫn đến năng suất và chất lượng suy giảm. Để hạn chế tình trạng này, dùng hoạt chất paclobutazol (Chế phẩm Bidamin) Phun với nồng độ 0,03% (0,64 kg Bidamin hòa với 320 lít nước để phun cho 1 ha) phunvào thời điểm sau khi ra hoa rộ, lạc đã đâm tia có tác dụng giúp cho lạc hạn chế sinh trưởng, tăng cường vận chuyển cho quả và đảm bảo thời gian sinh trưởng của giống.

6. Chăm sóc và tưới nước

- Khi cây có từ 2 lá thật trở lên, tiến hành tỉa cây đúng mật độ quy định.

- Khi cây có từ 3 - 4 lá thật, xới nông đều khắp mặt luống, đồng thời tiến hành bón thúc cho lạc

- Khi cây có 6 -7 lá thật (sắp ra hoa) xới gốc sâu 3- 5 cm, để làm sạch cỏ dại và tạo điều kiện gốc thoáng dễ đâm tia, nhưng chú ý không vun đất vào gốc.

- Khi lạc ra hoa 10 - 15 ngày, xới và vun nhẹ quanh gốc.

Nếu gặp trời mưa hoặc tưới nước bị ngập tràn, đất bị đóng váng thì xới nhẹ phá váng để thông thoáng.

7. Phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh

Cỏ dại: dùng thuốc Dual theo đúng liều lượng hướng dẫn để phòng trừ cỏ dại trước gieo trồng và sau khi làm đất.

Sâu hại: sâu xám, sâu xanh, sâu khoang... thường hại ở giai đoạn đầu của cây lạc và sâu đục quả ở giai đoạn tạo quả. Dùng thuốc Padan 95, Fastas, Basudin... để phòng trừ.

Bệnh hại: gỉ sắt, đốm lá, lở cổ rễ, héo rũ. Dùng thuốc Ridomil, Bavistin, Vicarben C, Aliette... để phòng trừ.

8. Thu hoạch và bảo quản

Chọn ngày nắng ráo để thu hoạch, thu hoạch khi quả già chiếm 80 - 85% số quả trên cây. Sau khi nhổ, vặt quả, rửa sạch, phơi dưới nắng nhẹ đến khi vỏ lụa tróc là được.

Chú ý: phơi lạc giống nhất thiết phải phơi trên nong nia, sân đất (không phơi trực tiếp trên sân gạch, xi măng. Khi phơi khô phải để nguội rồi sau đó mới cho vào bao nilon hoặc chum vại đậy kín, bảo quản nơi khô mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng bên ngoài.

 81114-ntm.003140_ky-thuat-nhan-giong-lac.pdf


TS. Hoàng Minh Tâm, TS. Hồ Huy Cường