Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 1643 |
Tổng truy cập : | 558,823 |
Nuôi trồng thủy, hải sản
Kỹ thuật nuôi Ngao
Giới thiệu đặc điểm sinh học sinh sản của ngao. Kỹ thuật lựa chọn bãi giống và thu gom con giống trong tự nhiên. Hướng dẫn kỹ thuật nuôi ngao thương phẩm.
Ngao giống trong tự nhiên vẫn đang được coi là nguồn giống quan trọng cung cấp cho nuôi thương phẩm. Hiện nay, một số trại giống đã sản xuất thành công ngao giống, tuy nhiên số lượng chưa nhiều, do đó thu gom con giống trong tự nhiên vẫn trở nên cấp thiết đối với người nuôi.
1. Lựa chọn bãi giống
Bãi giống được lựa chọn ngoài việc dựa trên các kinh nghiệm, còn có thể lựa chọn bãi giống theo các điều kiện sau:
- Bãi giống có thể là bãi ngao trưởng thành hoặc gần bãi ngao trưởng thành.
- Đáy là cát bùn (trong đó cát chiếm 70 – 80%).
- Nước triều lên xuống đều, không phơi đáy quá 4 giờ/ngày, độ mặn trung bình từ 15 - 25‰, có lượng nước ngọt nhất định đổ vào.
- Bãi có độ sâu nhất định trong toàn vùng bãi triều, có thể là vùng nước quẩn: ấu trùng ngao trong giai đoạn sống phù du chịu ảnh hưởng rất lớn của dòng chảy, thông thường theo chiều của dòng thuỷ triều, ấu trùng thường bị cuốn đi xa so với bãi đẻ. Đó chính là lý do khi thấy con giống tập trung theo bãi.
Ngoài ra, còn có thể lựa chọn bãi giống tại một vị trí nhất định, có bờ chắn lũ, đắp các bờ có bề rộng từ 30 – 40cm, cao 40cm song song với bờ chắn lũ, chia các ngăn thành từng ô nhỏ, có thể dùng lưới hoặc cây gỗ để làm giảm lưu tốc nước của thủy triều.
Đối với các bãi giống đã được lựa chọn cần có biện pháp quản lý thích hợp như thường xuyên kiểm tra bờ bãi, chống nóng, không cho người đi vào, chống nóng.
2. Phương pháp thu con giống
Có thể chia làm 2 phương pháp thu con giống như sau:
2.1 Phương pháp lấy giống khô
Khi nước triều rút cạn, dùng cào cào cả cát và giống tập trung vào giữa các ô nhỏ đã được chia, trong trường hợp ngao giống vùi sâu có thể cào tiếp lần nữa vào kỳ nước triều rút lần tiếp theo. Đào một hố nhỏ sâu 20cm, chiều dài 3m và chiều rộng khoảng 2m ngay bên cạnh ô giống. Khi nước triều lên, ngao giống sẽ tập trung lên bề mặt trên để lọc thức ăn, dùng sàng hoặc rổ có cỡ mắt sàng thích hợp rửa sạch cát ở nơi hố đào bên cạnh.
Trong trường hợp mặt bãi khô, dùng cào 4 răng lật cả cát và ngao giống lên, cho ít nước vào đánh tan thành bùn, đợi ngao giống bò lên mặt bùn rồi thu con giống.
2.2 Phương pháp thu giống nước nông
Khi nước triều cạn, dùng cào ngao cào cả cát và con giống tập trung ở giữa bãi thành một đống hình tròn có đường kính khoảng 6m. Sau đợt triều rút lần sau dùng cào phân ở giữa bãi giống đã tập trung thành một ô trống có đường kính 3 m, sâu 30 cm.
Trong đợt triều lần sau, khi nước triều rút chỉ còn khoảng 1 m, dùng chân đạp nước xung quanh bãi giống, ngao giống kiếm ăn ở mặt ngoài quanh đống giống do bị dòng nước kích thích sẽ tập trung ở ô trống ở giữa. Dùng sọt tre để với giống. Khi nước triều còn rất thấp, tiếp tục dùng tay vỗ nước quanh đống giống để ngao giống tập trung tiếp vào ô trống ở giữa để vớt con giống lên thuyền.
3. Kỹ thuật nuôi ngao thương phẩm
3.1 Chọn bãi nuôi
Ngao có thể sống được ở vùng trung, hạ triều đến nơi có độ sâu 5 – 10m, bãi nuôi được lựa chọn là bãi triều, các eo vịnh có sóng gió nhỏ, nước triều lên xuống, nơi có nguồn nước ngọt nhất định chảy vào. Đáy là cát bùn (trong đó cát chiếm 70 – 80%), độ mặn dao động trung bình từ 15 – 25‰, thời gian phơi bãi không quá 4 – 5 giờ/ngày.
3.2 Chuẩn bị bãi nuôi
3.2.1 Quây lưới quanh bãi nuôi
* Nguyên liệu:
- Lưới xăm cũ (không bị rách) loại Polyetylen, cỡ mắt lưới 2a ≤ 1cm, cao ≤ 80cm.
- Cọc tre hoặc cành cây, ngọn phi lao hay các loại cây khác có tại địa phương với đường kính kích cỡ ≤ 0,5cm, dài 1m.
- Cọc tre hoặc gỗ loại lớn
* Trình tự quây lưới
- Lưới sẽ vùi dưới mặt đất 30 cm và dùng các cọc nhỏ nâng lưới lên so với mặt bãi từ 60 - 70cm. Cứ 1,5m cắm 1 cọc loại nhỏ và 10m cắm một cọc loại lớn để giăng lưới, lưói dựng hơi ngả vào trong mặt bãi.
3.2.2 Cải tạo mặt bãi
- Làm vệ sinh mặt bãi, thu gom tất cả những vật lạ như: đá sỏi lớn, mảnh sành sứ, vỏ hộp lon, bao bì nilong... ra xa khỏi mặt bãi.
- Cày xới mặt bãi: Để ngao con dễ dàng chui xuống sâu, tránh hiện tượng ngao bị cuốn trôi trước khi thả cần phải cày xới mặt bãi. Khi triều rút cạn dùng bừa hoặc cào xới tơi bề mặt bãi khoảng 5 – 10cm, nhặt bỏ đá sỏi trong quá trình cày xới. San phẳng mặt bãi, tránh những vũng lồi lõm có cua cá ẩn nấp làm ảnh hưởng đến ngao nuôi.
Với các vùng có thời gian nuôi trên 3 vụ, chất hữu cơ lắng đọng có thể tăng lên 5 – 6 lần so với bình thường, bề mặt bãi có lớp đất cát đen dày khoảng 2 – 3 cm và có mùi thối của khí H2S nếu chỉ cải tạo bình thường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngao nuôi. Với các trường hợp như vậy, cần lựa chọn thời điểm cải tạo bãi vào mùa nắng, cày lật mặt bãi, phơi khô. Có thể tiến hành phơi đáy nhiều lần nếu cần thiết.
- Đánh luống: Luống có cùng hướng với dòng chảy của nước thuỷ triều khi lên xuống. Mỗi luống rộng 1,5m, giữa hai luống làm một lối đi nhỏ để tránh dẫm lên bãi sau khi thả ngao. Nếu ở các khu vực nuôi ngao có thời gian phơi bãi quá 5giờ/ngày hoặc thời gian phơi bãi kéo dài đặc biệt vào mùa hè cần có biện pháp giữ nước, tạo độ ẩm nhất định cho bãi nuôi. Với các khu vực có điều kiện địa hình như vậy, trong quá trình cải tạo mặt bãi cần cày xới cẩn thận, độ tơi xốp của bề mặt bãi có thể lên tới 20 – 30cm. Nếu luống có bề rộng 1,5m thì cứ 2 đến 3 luống liên tiếp đào một rãnh nhỏ có chiều rộng 50cm, sâu 50 – 70cm. Nếu luống rộng 4 – 5m thì cách mỗi luống cần có một rãnh như vậy.
Căng dây trên mặt bãi để tránh hiện tượng di chuyển đi nơi khác của Ngao.
3.3 Thả con giống và mật độ nuôi
Con giống cần được thu gom khi đạt kích thước tối thiểu từ 0,5 – 1cm.
+ Cỡ giống 5 vạn con/kg thả 100kg/1000 m2
+ Cỡ giống 4 vạn con/kg thả 110kg/1000 m2
+ Cỡ giống 3 vạn con/kg thả 140kg/1000 m2
+ Cỡ giống 2 vạn con/kg thả 180kg/1000 m2
3.4 Quản lý và chăm sóc bãi nuôi
Ngao là loài ăn lọc, thức ăn của chúng là các động thực vật phù du, mùn bã hữu cơ trong môi trường nước cho nên không cần cho ăn trong quá trình nuôi. Tuy nhiên, ngao là đối tượng rất mẫn cảm với sự thay đổi đột ngột của môi trường như: ngọt hoá, nhiệt độ nước quá cao > 320C kéo dài nhiều ngày, nguồn nước bị ô nhiễm: nước thải của các hoạt động công nghiệp, hoá chất tẩy rửa từ ao nuôi tôm công nghiệp... đều gây hiện tượng chết hàng loạt ở ngao nuôi.
Khi gặp điều kiện môi trường bất lợi ngao phản ứng lại bằng cách trồi lên mặt đáy, chúng tiết ra chất nhầy trong suốt như agar, các bọt khí trong quá trình hô hấp bám vào đó tạo thành một cái dù nâng ngao lơ lửng trong nước và được sóng gió đưa đi nơi khác, đó là một cách vận chuyển thụ động của ngao.
Khi thấy hiện tượng ngao trồi lên bề mặt đáy thì nhanh chóng có biện pháp di chuyển kịp thời. Do đó, việc quản lý trong quá trình nuôi là ngăn chặn kịp thời không cho ngao đi mất. Trong quá trình chuẩn bị bãi nuôi, việc căng các dây cước sát mặt đáy nhằm mục đích cắt túi nhầy để ngao rơi xuống bãi.
Khi nước triều rút, nhặt bỏ các rác thải, vỏ ngao chết trong bãi. Thường có hiện tượng chết hàng loạt ở ngao nuôi, do vậy loại bỏ ngao chết nhằm làm giảm ô nhiễm bãi nuôi.
3.5 Thu hoạch
Ngao sau 15 tháng nuôi trở lên có thể tiến hành thu hoạch.
- Mùa vụ thu hoạch ngao ngoài việc chú ý đến chất lượng sản phẩm cũng cần phải quan tâm đến thời gian bảo quan. Thu hoạch ngao vào mùa xuân và mùa thu dễ bảo quan hơn mùa hè khi nhiệt độ cao. Hàm lượng chất dinh dưỡng trong thịt ngao cao vào mùa sinh sản, khi tuyến sinh dục phát triển giai đoạn thành thục. Như vậy, mùa vụ thu hoạch ngao thích hợp nhất vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa thu, đây là thời điểm trùng hợp với mùa vụ sinh sản sản của ngao.
- Phương pháp thu hoạch ngao
Thu hoạch ngao bằng các cọc gỗ: Nhờ tính hướng cọc gỗ của ngao để thu, dùng các cọc gỗ có đường kính 4 – 5cm, dài 50 – 70cm đóng trên mặt bãi, các cọc đóng cách nhau khoảng 1,5m. Sau 1 thời gian ngao sẽ tập trung ở xung quanh cọc gỗ với bán kính khoảng 30cm, lúc này tiến hành thu rất dễ.
Dùng con lăn đá, lăn qua lại trên bề mặt bãi, ngao ở phía dưới do bị ép sẽ phun nước lên, từ chỗ có phun nước có thể bắt ngao. Tuy nhiên, nếu ngao nuôi có mật độ cao thì thu hoạch theo phương pháp này thường không hiệu quả, thời gian thu phải kéo dài.
Khi nước triều rút gần cạn, dùng chân đạp nước, do sức ép của dòng nước ngao sẽ trồi lên mặt bãi.