Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 1748 |
Tổng truy cập : | 559,530 |
Nuôi trồng thủy, hải sản
Kỹ thuật nuôi cá măng thương phẩm
Giới thiệu với bà con quy trình kỹ thuật nuôi cá măng thương phẩm: chuẩn bị ao nuôi và thả cá giống, chăm sóc cá và quản lý ao nuôi, thu hoạch, phòng và trị một số bệnh thường gặp trên cá măng.
Cá măng là loài cá ăn tạp, thức ăn chủ yếu của chúng là các sinh vật nhỏ, mùn bã hữu cơ, rong tảo… Với những đặc điểm của cá măng như: nhanh lớn, ít dịch bệnh, có thể nuôi ghép, chất lượng thịt của cá cao, dễ tiêu thụ… nên cá măng là một trong những loài thích hợp cho mục đích đa dạng hóa các đối tượng trong nuôi trồng thủy sản.
I. Kỹ thuật nuôi cá măng
1. Chuẩn bị ao nuôi và thả cá giống
Ao nuôi: Có diện tích từ: 1.000 - 5.000 m2, ao nuôi có nguồn nước cấp chủ động, có cống cấp và cống thoát riêng biệt.
* Chuẩn bị ao nuôi
Trước khi nuôi, chuẩn bị ao thật kỹ là khâu rất quan trọng quyết định đến tỷ lệ sống của cá nuôi và năng suất thu hoạch. Các bước tiến hành như sau:
- Tiến hành cải tạo ao: Tháo cạn ao, vét bùn đáy, chỉ để lớp bùn đáy dày 5-10 cm, lấp kín hang hốc, diệt tạp để hạn chế địch hại.
- Bón vôi nung CaO: với liều lượng 10 kg/100m2. Phơi đáy ao trong thời gian từ 3 - 5 ngày.
- Lấy nước vào ao qua lưới lọc. Mực nước trong ao ban đầu khoảng 0,8 – 1,2m.
- Kiểm tra các yếu tố môi trường nước trước khi thả cá giống:
+ Độ mặn: 10 - 30o/oo;
+ Độ pH: 7,5 - 8,5;
+ Nhiệt độ: 25 – 32oC;
Trong việc chuẩn bị ao, vấn đề quan trọng là phải tạo được lớp lab-lab và phiêu sinh vật cho cá.
* Cải tạo ao nuôi
- Tạo lab-lab:
Cho nước vào tiếp khoảng 10 cm. Bón phân DAP với lượng 50-100kg/ha. Mỗi ngày thêm 5cm nước, sau đó làm đầy đến mức nước 0,8-1,2m đối với ao nuôi thương phẩm.
Để duy trì sự phát triển liên tục của lab-lab trong quá trình nuôi, định kỳ bón 15kg phân DAP/ha/7–10 ngày. Trước khi thu hoạch 20 ngày nên ngừng bón phân. Đáy ao cứng và nước mặn 25-32o/oo là điều kiện tốt để tạo lab-lab.
- Tạo phiêu sinh vật:
Phương pháp gây màu nước tạo phiêu sinh vật không giống như phương pháp tạo lab-lab do yêu cầu mức nước sâu hơn và thường gây màu tạo phiêu sinh vật vào mùa mưa trong khi tạo lab-lab vào mùa nắng.
Gồm các bước như:
- Tháo cạn đáy ao rồi tiến hành các bước cải tạo ao nuôi.
- Sau đó lấy nước mới qua lưới lọc đến độ sâu 60cm.
- Bón phân vô cơ DAP với lượng 15kg/ha. Sau đó tăng dần mức nước trong ao lên đến 1,2m.
- Sau khi bón phân 1 tuần thì thả cá giống.
- Mỗi tuần bón phân với liều lượng trên để duy trì độ trong của nước: 25- 35cm.
* Thả cá giống
Thời gian thả cá giống thích hợp nhất từ tháng 3 – tháng 5 dương lịch.
Mật độ thích hợp cho nuôi thương phẩm là 1 – 2 con/m2. Cỡ cá giống: ≥4cm/con, kích cỡ đồng đều. Ngoại hình cá cân đối, màu sắc cá tươi sáng, vây, vẩy hoàn chỉnh, cá không bị xây xát, bơi lội nhanh nhẹn, không có dấu hiệu cá bị bệnh.
2. Chăm sóc cá và quản lý ao nuôi
* Cho cá ăn
- Ngay sau khi thả cá giống, chọn vị trí thích hợp cho cá ăn tập trung, đúng giờ. Ngoài thức ăn tự nhiên là lab-lab, thức ăn cho cá măng: chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi dành cho cá, có độ đạm từ 25 - 40%.
+ Cho cá ăn 2 lần/ngày (buổi sáng từ 6 – 7 giờ, buổi chiều từ 18 – 19 giờ).
+ Khi cá còn nhỏ, cho cá ăn 2 lần/ngày với khẩu phần từ 3 – 5% trọng lượng thân.
+ Khi cá đạt trọng lượng ≥300g/con, cho cá ăn 1 lần/ngày với khẩu phần giảm dần còn 2% trọng lượng thân.
+ Kiểm tra thức ăn sau 02 giờ để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
- Cần định kỳ bổ sung thêm vitamin C và Premix khoáng, men tiêu hóa vào thức ăn khi cho cá. Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể, có thể dùng kháng sinh phòng trị bệnh trong quá trình chăm sóc cá.
* Quản lý các yếu tố môi trường nước
- Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi và kết hợp lịch thủy triều để thay nguồn nước tốt. Mỗi lần thay nước khoảng 20 - 30% lượng nước trong ao nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường ao nuôi, kích thích cá phát triển. Khi nước trong ao có nhiều chất lơ lửng, nổi bọt khí, hoặc nước quá trong, thì thay nước ngay.
- Quản lý chất lượng nước trong điều kiện thích hợp là yếu tố quyết định đến sự thành công của việc nuôi. Trong những ngày mưa hay trời mát kéo dài, lab-lab có thể bị chết, dẫn đến thiếu oxy, do đó cần có biện pháp xử lý khi cần thiết như thay nước, sục khí…
- Trong 2 tuần đầu tiên, cấp thêm nước vào ao cho đến khi đạt mực nước 1,5m để giúp cá thích nghi dần với môi trường nước mới.
- 2 tuần tiếp theo, thay từ 10 - 20% lượng nước trong ao.
- Từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 3: lợi dụng thủy triều hoặc dùng bơm để thay nước trong ao ít nhất 2 lần/tuần, mỗi lần thay 30% lượng nước trong ao.
- Từ tháng thứ 3 trở đi: Thường xuyên thay nước, mỗi lần thay 30% lượng nước trong ao hoặc nhiều hơn khi nước trong ao nuôi bị ô nhiễm.
- Định kỳ đánh Zeolite để xử lý đáy ao 2 lần/tháng, với liều lượng 10 - 20kg/1000m2.
- Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước như: pH, độ mặn, màu nước, oxy hoà tan, nhiệt độ nước… Duy trì các chỉ số ổn định trong giới hạn thích hợp, bảo đảm cho cá phát triển bình thường trong suốt thời gian nuôi. Cụ thể như sau:
+ pH: 7,5 – 8,5
+ Nhiệt độ: 25 – 32oC
+ Độ mặn: 10 – 30 0/00
+ Độ trong: 25 – 35cm
* Chăm sóc cá
- Khi cá lớn với mật độ dày, có thể chủ động quạt nước về đêm hoặc gần sáng để đảm bảo đủ oxy cho cá nuôi.
- Theo dõi thường xuyên và quan sát màu sắc da cá, hoạt động bắt mồi của cá để phát hiện bệnh cá và có biện pháp xử lý kịp thời.
- Định kỳ thu mẫu để kiểm tra sức khỏe cũng như tốc độ tăng trưởng của cá. Ghi chép các số liệu về tốc độ tăng trưởng, lý do cá chết, cách xử lý. Vớt bỏ cá bị chết để ngăn chặn việc lây lan bệnh.
3. Thu hoạch:
- Tùy theo cỡ cá giống thả mà thời gian nuôi khác nhau, từ 8 đến 10 tháng. Với cỡ cá giống ≥ 4 cm/con, sau 8 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân 0,7kg/con. Kích cỡ cá thu hoạch tuỳ thuộc vào nhu cầu của khách hàng.
- Tránh làm trầy vảy hoặc tổn thương cá khi thu hoạch để đảm bảo giá trị thương phẩm của cá.
II. Phòng và trị một số bệnh thường gặp trên cá măng:
1. Phòng bệnh:
Việc phòng bệnh phải được tiến hành ngay từ đầu để giảm bớt rủi ro trong quá trình nuôi. Cụ thể như sau:
- Chuẩn bị ao nuôi theo đúng hướng dẫn kỹ thuật.
- Chọn cá giống tốt, không mang mầm bệnh.
- Thức ăn cho cá măng phải đảm bảo chất lượng, đủ độ đạm và không bị ẩm mốc.
- Thường xuyên thu mẫu kiểm tra tình trạng sức khỏe cá, xem vây, mang, da, mắt …để kịp thời phát hiện bệnh và xử lý.
- Thường xuyên vệ sinh ao hồ; không để thức ăn dư thừa. Hạn chế sự thay đổi đột ngột của các yếu tố môi trường như: nhiệt độ, độ mặn, pH, tảo nở hoa...
- Định kỳ đánh Zeolite để xử lý đáy ao 2 lần/tháng, với liều lượng 10 - 20kg/1000m2.
- Tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi bằng cách trộn vitamin C, Premix hoặc men tiêu hoá vào thức ăn cho cá.
2. Một số bệnh thường gặp trên cá măng và cách điều trị:
2.1 Bệnh do virus:
Nguyên nhân có thể do lây truyền mầm bệnh từ cá bố mẹ. Cá bị sốc bởi các yếu tố môi trường như thay đổi đột ngột về độ pH, độ mặn, các vật chất hữu cơ tăng cao là điều kiện để cá dễ nhiễm bệnh, làm mất sức đề kháng, là điều kiện tốt cho vi khuẩn, nấm xâm nhập, gây bệnh cho cá nuôi.
- Dấu hiệu: Màu sắc của thân cá tối, mang trắng nhợt. Cá bơi xoay tròn hoặc bơi yếu gần mặt nước. Cá chết nhanh với số lượng lớn.
- Nguyên nhân: Do virus gây hoại tử thần kinh và irido virus.
- Phòng bệnh:
+ Tránh làm sốc cá khi vận chuyển và thả cá giống, loại bỏ các cá yếu.
+ Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cá.
- Trị bệnh: Chưa có biện pháp chữa trị đối với bệnh do virus.
2.2 Các bệnh do vi khuẩn:
- Dấu hiệu: Vây cá bị tổn thương, xuất huyết dưới da, có khối u hoặc lở loét trên thân, mắt đục lồi ra. Cá bỏ ăn và chết dưới đáy.
- Nguyên nhân:
+ Mật độ cá nuôi quá cao, nước trong ao nuôi bị ô nhiễm vì thức ăn dư thừa và ít thay nước.
+ Do ký sinh trùng gây ra vết thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
- Phòng bệnh:
+ Thức ăn công nghiệp đảm bảo độ đạm, không quá hạn sử dụng, phải được bảo quản tốt, tránh bị ẩm mốc.
+ Thường xuyên thay nước trong ao nuôi.
- Trị bệnh:
+ Dùng Tetracyline với liều lượng 200mg/kg thức ăn và vitamin C 30mg/kg thức ăn, sử dụng cho cá từ 5 – 7 ngày liên tục.
+ Tắm nước ngọt cho cá bị bệnh trong thời gian 10 – 15 phút. Sau đó xử lý bằng các loại thuốc hoặc hóa chất như sau:
* Dùng Tetracyline với liều lượng: 10 – 20g/m3 nước, thời gian tắm cho cá 15 – 30 phút; Hoặc hòa tan dung dịch formol 50 – 100ml vào thùng chứa 100 lít nước biển để tắm cho cá, theo dõi các phản ứng hoạt động của cá; tắm liên tục 4 – 5 ngày.
* Chú ý khi khi tắm cho cá phải kết hợp với sục khí mạnh.
2.3 Các bệnh do nấm:
- Dấu hiệu: Xuất hiện đốm trắng có đường kính 2mm ở các cơ quan bị nhiễm, cá thường tập trung lại gần nơi có nước chảy, hoặc cọ mình vào vật bám ven bờ, càng dễ gây tổn thương cho cá.
- Nguyên nhân: Cá thường nhiễm bệnh vào mùa đông, khi nhiệt độ nước trong ao nuôi giảm thấp.
- Phòng bệnh: Tránh làm cá bị tổn thương khi vận chuyển hoặc nuôi giữ cá giống qua đông.
- Trị bệnh: Tắm cá trong nước ngọt khoảng 10 - 15 phút. Sau đó tắm nhanh bằng dung dịch formol 10 - 30ml/100lít nước biển có sục khí mạnh trong 10 - 15 phút.
2.4 Các bệnh do ký sinh trùng:
- Dấu hiệu: Cá tập trung lại gần nơi có nước chảy, cá cọ mình vào vật cứng, da bị tổn thương, mang nhạt màu.
- Nguyên nhân: Do nhiều loại tác nhân như: nguyên sinh động vật, giun sán, giáp xác, đỉa …ký sinh vào cơ thể cá
- Phòng bệnh:
+ Không nuôi cá ở mật độ cao.
+ Thường xuyên thay nước trong ao nuôi.
+ Định kỳ đánh Zeolite để xử lý đáy ao 2 lần/tháng, với liều lượng 10 - 20kg/1000m2.
- Trị bệnh:
+ Tắm cá bị bệnh trong nước ngọt khoảng 10 – 15 phút.
+ Hoặc tắm nhanh bằng dung dịch formol 20 - 30ml/100lít nước biển có sục khí mạnh trong 10 - 15 phút.
70322-ntm.002795_ky-thuat-nuoi-ca-mang-thuong-pham.pdf