Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 1741 |
Tổng truy cập : | 559,599 |
Chăn nuôi
Kỹ thuật nuôi cá rô phi dòng đường nghiệp
Hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi cá rô phi dòng đường nghiệp: chuẩn bị ao nuôi, chọn giống và thả giống, thức ăn và cách cho ăn, phòng bệnh, thu hoạch
Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định về diện tích, tăng dần về năng suất và sản lượng. Các hộ nuôi từng bước áp dụng hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh với nhiều giống mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao như cá rô đầu vuông, cá diêu hồng… Trong những năm qua, nhiều giống thuỷ sản mới được đưa vào sản xuất, trong đó giống cá Rô phi đơn tính dòng Đường Nghiệp đã được nuôi thành công ở các tỉnh phía bắc. Cá nuôi theo hướng thâm canh, nuôi 5 - 6 tháng trọng lượng bình quân đạt 0,5 - 0,7 kg/con, tiêu tốn thức ăn 1,2 - 1,3 kg thức ăn/kg tăng trọng, kỹ thuật nuôi giống cá này như sau:
1. Chuẩn bị ao nuôi:
Điều kiện ao nuôi: Ao nuôi gần nguồn nước sạch, chủ động tưới tiêu, diện tích từ 1.000 - 5.000m2; độ sâu mực nước ao từ 1,3m trở lên; đáy ao là đất thịt hoặc đất thịt pha cát; độ dày bùn đáy ao từ 20 - 30cm, bờ ao chắc chắn và cao hơn mực nước cao nhất 0,5m.
Cải tạo ao nuôi: Việc cải tạo ao nuôi được tiến hành trước khi thả giống và theo các bước sau: Tát cạn nước và vét bùn ao nuôi; lấp chỗ rò rỉ, tu sửa lại bờ, cống; bón vôi với liều lượng từ 7 - 10kg/100m2 ao (ao cũ) và từ 10 - 15kg/100m2 ao (ao mới). Sau đó phơi ao từ 3 - 5 ngày.
Cấp nước vào ao đạt mức 30 - 50cm, tiến hành gây màu nước cho ao nuôi. Mục đích để tạo thức ăn tự nhiên cho cá. Phân chuồng đã ủ hoai, lượng từ 20 - 30kg/100m2, phân xanh lượng từ 40 - 50kg/100m2. Phân vô cơ dùng phân đạm và phân lân với tỷ lệ 2/1, lượng từ 1-2kg/1.000m2 ao, phân vô cơ được hòa tan vào nước rồi tạt đều khắp ao, dùng vào buổi sáng có nắng. Lấy thêm nước vào ao và sau 5 - 7 ngày khi thấy nước ao có màu xanh nõn chuối tiến hành thả cá. Nước lấy vào ao phải lọc qua lưới.
2. Chọn giống và thả giống
Tiêu chuẩn giống: Con giống đảm bảo khỏe mạnh, không dị hình, xây xát, hình dạng cân đối, màu sắc cơ thể tươi sáng, không mất nhớt. Cá giống có kích cỡ từ 4 - 6cm/con (tương đương 400 - 500con/kg).
Mật độ: Tùy thuộc vào nguồn nước cấp, ao nuôi và khả năng đầu tư của người nuôi. Nếu có điều kiện, nuôi mật độ 2 - 3 con/m2. Nếu không có điều kiện chỉ nên nuôi với mật độ từ 1 - 2 con/m2. Ngoài thả cá Rô phi đơn tính, để tận dụng thức ăn có thể thả ghép thêm các loài cá khác như: mè, chép, trắm (từ 5 - 10%).
Mùa vụ thả nuôi thích hợp từ tháng 3 đến tháng 6. Có thể nuôi qua đông cá thả tháng 10 - 11, nhưng mực nước phải sâu trên 1,5m áp dụng các biện pháp chống rét cho cá. Thời gian thả giống nên thả vào buồi sáng hay chiều mát, không nên thả vào buổi trưa hoặc trời nắng gay ngắt. Con giống trước khi thả được tắm qua nước muối với nồng độ 2 - 3% (2 - 3kg muối/100 lít nước). Trước khi thả cho cá làm quen với môi trường ao nuôi để tránh gây sốc cho cá bằng cách: Cho nước ao từ từ vào túi hoặc chậu chứa cá rồi để khoảng 10 - 15 phút, sau đó từ từ mở túi ra hoặc nghiêng chậu cho cá ra ao.
3. Cho ăn
Thức ăn: Kết hợp sử dụng thức ăn công nghiệp và thức ăn tận dụng (rau, cỏ, chất thải từ chăn nuôi,...). Thức ăn công nghiệp đảm bảo độ đạm theo lứa tuổi của cá. Thời gian đầu lượng thức ăn bằng 5 - 7% khối lượng cá trong ao, khi cá đạt trên 100g cho ăn 3 - 4%, khi cá đạt trên 200g cho ăn 2%. Để xác định lượng thức ăn cho cá ăn đủ cần cho ăn trong 1 giờ nếu cá ăn hết là đủ.
Cách cho ăn: Cho ăn 2 - 3 lần trên ngày khi cá nhỏ, 2 lần/ngày khi cá đạt trên 100g. Cho ăn đảm bảo theo nguyên tắc 4 định: định vị trí, định thời gian, định số lượng và chất lượng.
4. Chăm sóc và quản lý:
Hàng ngày kiểm tra hệ thống bờ ao, cống cấp và thoát nước để khắc phục kịp thời các sự cố như rò rỉ thất thoát nước, sạt lở bờ ao và cống, xử lý địch hại,...
Thường xuyên quan sát trạng thái hoạt động của cá trong ao nhất là vào sáng sớm và chiều tối để có những phát hiện sớm bệnh nhằm xử lý kịp thời.
Duy trì mực nước trong ao ổn định, định kỳ thay nước từ 1 - 2 lần/tháng với mức bằng 1/3 - 1/2 lượng nước trong ao. Khi thấy cá nổi đầu hoặc nước ao giàu dinh dưỡng phải tiến hành thay nước ngay.
Mỗi tháng kiểm tra cá một lần, xác định khối lượng của cá, theo dõi sinh trưởng của cá, trên cơ sở đó có phương pháp điều chỉnh thức ăn cho phù hợp.
5. Phòng bệnh
- Định kỳ 1 - 2 lần/tháng dùng vôi (1 - 2kg/100m2), chế phẩm sinh học để xử lý nước ao nuôi. Tại vị trí cho ăn nên treo túi vôi để xử lý môi trường và phòng bệnh cho cá.
- Tăng cường sử dụng vitamin C, khoáng, men tiêu hóa giúp cá tiêu hóa tốt và tăng sức đề kháng.
- Khi phát hiện cá có dấu hiệu bất thường, quan sát kỹ các dấu hiệu bên ngoài, đồng thời gửi mẫu bệnh phẩm để kiểm tra, trên cơ sở đó phân loại được bệnh và tiến hành chữa trị cho cá bệnh.
6. Thu hoạch
Sau khi nuôi được 5 - 6 tháng, cá đạt trọng lượng từ 0,5 - 0,7kg/con tiến hành thu hoạch thu toàn bộ. Kéo lưới bắt cá nhiều lần, sau đó bơm cạn bắt hết số cá còn lại.
Trước khi thu hoạch 1 ngày ngừng cho cá ăn. Thời điểm thu hoạch nên vào sáng sớm hoặc chiều mát. Cá sau khi thu cần vận chuyển đi ngay để đảm bảo sức khỏe và tỷ lệ sống của cá.
94229-ntm.002870_ky-thuat-nuoi-ca-ro-phi-dong-duong-nghiep-da-chuyen-doi.pdf