Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1674
Tổng truy cập : 559,254

Nuôi trồng thủy, hải sản

Kỹ thuật nuôi cá tầm thương phẩm

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi cá tầm thương phẩm: lựa chọn địa điểm nuôi, thiết kế xây dựng bể nuôi, lựa chọn con giống, cho ăn và chăm sóc quản lý


Kỹ thuật nuôi cá tầm thương phẩm

 

Cá Tầm là một đối tượng nuôi có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao có thể phát triển để nuôi thương phẩm tại các vùng nguồn nước có nhiệt độ không quá 300C. Tuy nhiên, đây là loài cá có nguồn gốc từ xứ lạnh nên đòi hỏi điều kiện nuôi khá khắt khe nhất là các yêu cầu về môi trường như: oxy, dòng chảy, nhiệt độ cũng như điều kiện ao hồ và kỹ thuật chăm sóc. Để phát triển nuôi thành công cá Tầm thương phẩm người nuôi cần phải tuân thủ các yêu cầu sau đây:

1. Lựa chọn địa điểm nuôi cá Tầm

Địa điểm thích hợp để nuôi cá Tầm là những nơi có độ cao từ 600 m trở lên so với mực nước biển, ở các khu vực miền núi – địa điểm có nguồn nước tự nhiên trong, sạch chảy quanh năm như suối, hồ chứa nhân tạo, sông, hồ tự nhiên hoặc nước nguồn từ các mạch ngầm.

Một số yêu cầu về nguồn nước thích hợp để nuôi cá Tầm:

Stt

Các yếu tố

Yêu cầu về chất lượng nước

1

pH

6,5 – 8,5

2

DO (mg/l)

>5

3

Nhiệt độ (0C)

18-25

4

Độ trong (cm)

> 60

5

Chất đáy

Sỏi cát hoặc bê tông

6

Nguồn nước

Không ô nhiễm, chủ động

Ngoài ra cần lưu ý đến cơ sở hạ tầng như điện để duy trì hệ thống bơm cấp nước, sục khí và hệ thống giao thông để thuận lợi cho việc cung cấp vật tư, tiêu thụ sản phẩm. Địa điểm chọn làm nơi nuôi cá không bị ô nhiễm do các nguồn nước thải từ sinh hoạt hoặc từ hệ thống nuôi khác.

Các hộ nuôi ngoài việc có tự nhiên đáp ứng yêu thì phải là những hộ có điều kiện cả về kinh tế lẫn kỹ thuật để thực hiện mô hình vì chi phí đầu tư lớn, đòi hỏi kỹ thuật.

2. Thiết kế xây dựng bể nuôi

Bể được xây dựng theo kiểu hình chữ nhật, hoặc hình tròn để tiện cho việc chăm sóc và tạo không gian tốt cho hoạt động sinh sống của cá

Có thể nuôi cá tầm trong ao đất, bể đất lót bạc hoặc bể xi măng. Trường hợp nuôi trong ao đất, bờ ao cần được đắp chắc chắn, không rò rỉ, đáy ao được nén chặt để không bị sục bùn.

Bể nuôi cần có mái che bằng lưới chống nắng để giảm bớt ánh sáng và duy trì nhiệt độ nước của bể nuôi ≤ 260C.

Hệ thống cấp và thoát nước phải đảm bảo lượng nước trong bể nuôi được trao đổi liên tục hàm lượng oxy trong bể ≥ 5 mg/l.

3. Lựa chọn con giống

Chất lượng cá giống là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành bại của vụ nuôi. Nuôi trong ao/bể nên chọn cá giống có kích cỡ 40 – 50 con/kg, chiều dài thân khoảng 10 - 15cm, cá khỏe mạnh, đồng đều kích cỡ, không bị trầy xước, không dị tật, dị hình.

Thời điểm thả giống thích hợp là tháng 3 hàng năm khi nhiệt độ nước thấp và ổn định phù hợp cho cá giống, giảm tỉ lệ hao hụt.

Sau khi vận chuyển con giống từ xa về cần thuần hóa nhiệt độ kỹ để tránh cá bị sốc do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Khi vận chuyển, cá Tầm được hạ nhiệt độ xuống dưới 160C, vì vậy khi đến địa điểm nuôi thì người nuôi cần thuần hóa nhiệt đọ bằng cách cấp nước vào các thùng chứa cá Tầm để nâng nhiệt từ từ. Khi nhiệt độ nước đã trong thùng chứa cá Tầm và ngoài bể nuôi cân bằng thì mới tiến hành thả cá giống để tránh hao hụt do sốc nhiệt.

4. Cho ăn, chăm sóc quản lý

- Thức ăn sử dụng cho cá Tầm là thức ăn viên công nghiệp chìm có độ đạm ≥ 42%, có thể sử dụng thức ăn chuyên cho cá Tầm hoặc thức ăn dành cho cá biển.

- Nên cho cá ăn nhiều lần và cho ăn từ từ để tất cả cá được sử dụng thức ăn, tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường. Cho ăn ngày 4 lần (sáng, trưa, chiều, tối) lượng cho ăn của cá thích hợp là từ 2 – 5% trọng lượng của cá.

- Hằng ngày theo dõi các yếu tố môi trường nhiệt độ, oxy bể nuôi để có biện pháp điều chỉnh kịp thời.

- Vệ sinh bể nuôi 2 lần/tuần để loại bỏ các chất thải, thức ăn dư thừa có trong bể nuôi.

- Định kỳ 1 lần/tháng tắm cá bằng nước muối nồng độ 1% (1 lạng muối/10 lít nước) trong vòng 15 phút để phòng bệnh cho cá nuôi.

Trên đây là một số lưu ý cần thiết để phát triển nuôi cá Tầm thương phẩm. Kính chúc bà con có thể phát triển nuôi thuận lợi đối tượng nuôi tiềm năng này trong thời gian đến.

52311-ntm.003077_ky-thuat-nuoi-ca-tam-thuong-pham.pdf


Hoàng Xuân Thành