Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1742
Tổng truy cập : 559,485

Nuôi trồng thủy, hải sản

Kỹ thuật nuôi cá trắm đen trong ao đất

Giới thiệu quy trình nuôi cá trắm đen thương phẩm: chuẩn bị và cải tạo ao, chọn cá giống và mật độ thả cá, thức ăn và cách quản lý chăm sóc cá, một số bệnh thường gặp và cách phòng trị hiệu quả, thu hoạch cá.


Cá trắm đen là loài cá đặc sản nước ngọt, thịt cá có hàm lượng dinh dưỡng cao có nhiều khoáng chất như canxi, phốt pho, sắt, vitamin, thịt cá thơm ngon bổ dưỡng và đặc biệt có một số tác dụng tốt trong y học. Trong nhũng năm gần đây, nghề nuôi cá trắm đen chủ yếu phát triển ở các tỉnh phía Bắc như Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội... Hiện nay cá trắm đen là một trong những đối tượng nuôi mới ở tỉnh ta. Để giúp bà con nuôi cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh đưa đối tượng mới vào sản xuất, chúng tôi giới thiệu kỹ thuật nuôi cá trắm đen trong ao đất như sau:

I. Một số đặc điểm sinh học của cá trắm đen:

Cá sống ở tầng giữa và tầng đáy, sống nhiều ở nơi nước tĩnh và chảy yếu. Cá trắm đen khi nhỏ ăn động vật phù du và các loại ấu trùng. Cá cỡ lớn chuyển sang ăn động vật đáy nhất là ốc, hến, trai, sò.

Cá trắm đen chịu đựng nhiệt độ từ 5 - 40oC, pH từ 6 - 10 thích hợp nhất từ 7 - 8,5, cá có khả năng chịu được lượng ôxy thấp (2mg/l).

II. Kỹ thuật nuôi cá trắm đen thương phẩm:

1. Ao nuôi

- Có thể sử dụng ao có sẵn hoặc ao mới đào để nuôi cá Trắm đen. Diện tích và hình dạng ao tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình, có thể từ vài trăm m2 đến vài ngàn m2, nhưng tốt nhất chọn ao hình chữ nhật, có diện tích từ 1000 - 3000m2, độ sâu nước từ 1,5 - 2m, những ao này sẽ thuận lợi cho cá phát triển, chăm sóc và thu hoạch. Đối với cá trắm đen thời gian nuôi dài nên ao nuôi phải có bờ đê vững chắc và không nằm trong vùng thấp trũng.

- Ao nuôi phải có hệ thống cấp và thoát nước chủ động, nguồn nước phải sạch không bị ô nhiễm nước thải công nghiệp, sinh hoạt, nguồn nước ít bị nhiễm phèn.

- Ao nuôi phải thoáng mát, đáy ao phải bằng phẳng và ít bùn (tốt nhất có lớp bùn từ 10 - 15cm).

2. Cải tạo ao

Trước khi thả giống, ao phải được tát cạn nước, dọn sạch rong, cỏ, bụi cây quanh bờ. Nếu ao mới đào phải phải tạo lớp bùn đáy thích hợp (tốt nhất nên giữ lại lớp bùn bề mặt). Nạo vét bùn đáy không nên để quá dày, tốt nhất độ dày bùn đáy ao từ 15 - 20cm.

Sửa dọn bờ ao cho chắc chắn, lấp các hang hốc quanh ao. Diệt cá tạp, cá dữ và các loại địch hại của cá.

Bón vôi tẩy trùng ao 7 - 10 kg/100m2 ao. Sau đó phơi đáy ao 3 - 4 ngày nhằm khử trùng đáy ao và thoát các khí độc ở đáy ao.

Bón phân gây màu nước ao nhằm cung cấp chất dinh dưỡng tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá. Liều lượng dùng: phân chuồng ủ hoai 20 - 30kg/100m2 (đối với những ao có lớp mùn đáy tốt không nhất thiết phải bón phân)

Lấy nước vào ao: nước khi lấy vào ao phải được lọc qua lưới mắt nhỏ tránh cá tạp, cá dữ theo vào ao nuôi hại cá và cạnh tranh thức ăn

2. Cá giống và mật độ thả

*Chuẩn bị cá giống:

Chọn cá giống khoẻ mạnh, bơi lội nhanh nhẹn, không xây xát không bị dị hình, kích cỡ đồng đều.

Có thể thả giống với cỡ 30 - 50g/con hoặc giống lớn cỡ 200 - 300g/con.

* Mật độ thả:

Đối với giống cỡ 30-50g/con thả với mật độ 1,5 - 2con/m2, với giống cỡ lớn 100 - 200g/con thả với mật độ 1con/m2 (để tránh lãng phí diện tích nuôi). Khi cá lớn tùy thuộc vào điều kiện nguồn nước khả năng canh tác có thể giãn bớt mật độ nuôi.

Cá cần được tắm nước muối loãng nồng độ 2% (2kg muối/100 lít nước) trong 10 phút trước khi thả cá. Thả cá giống vào lúc trời mát. Khi thả cá cần được cân bằng nhiệt độ giữa bao cá và môi trường nước ao nuôi.

Đối với ao nuôi cá trắm đen thương phẩm có thể nuôi đơn hoặc nuôi ghép. Nếu nuôi ghép cần lưu ý đối tượng ghép để tránh cạnh tranh thức ăn và ôxy với cá trắm đen. Các đối tượng ghép hiện nay có thể thả cá chép, cá rô đồng... Tỷ lệ ghép thường 80% cá trắm đen và 20% các đối tượng ghép khác.

3. Thức ăn và cách quản lý chăm sóc:

Cá trắm đen là loài ăn thiên về động vật, thức ăn sử dụng cho cá trắm đen là thức ăn tươi sống như ốc bươu vàng, ốc vặn,... nhưng trong quá trình nuôi có thể sử dụng thức ăn công nghiệp viên nổi, thức ăn có hàm lượng đạm cao (< 35% protein).

Cho cá ăn ngày 2 lần với tỷ lệ cho ăn được tính theo % khối lượng cơ thể, điều chỉnh lượng thức ăn theo thời tiết, tình trạng môi trường ao nuôi và tình trạng sức khoẻ của cá nuôi. Lượng thức ăn cho cá ăn được giảm dần từ 7 - 5 - 3 % trọng lượng cơ thể/ngày. Khi cá lớn >500g/con có thể cho ăn thêm ốc (lượng ốc tùy thuộc vào giá ốc ở địa phương để điều chỉnh lượng thức ăn viên nhằm giảm giá thành thức ăn).

 Ao nuôi cá trắm đen duy trì mức nước sâu 1,5 - 2m, khi cá lớn >2kg/con cần duy trì mức nước sâu >2m. Hàng tuần có thể bơm thêm nước mới để kích thích sinh trưởng và thay nước bẩn nếu thấy cần thiết.

Hàng ngày theo dõi, kiểm tra môi trường nước để kịp thời xử lý. Khi có biểu hiện không tốt về môi trường sẽ có những giải pháp kịp thời như sử dụng vôi xử lý môi trường hoặc sử dụng các loại thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học được cho phép của Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Định kỳ kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá, tính khối lượng cá trung bình hàng tháng để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp (lưu ý: khi đánh bắt kiểm tra cần làm nhanh, nhẹ nhàng tránh gây xây sát làm cá dễ nhiễm bệnh sau kiểm tra).

Vào thời điểm chuyển mùa cá Trắm đen hay bị bệnh và khi thời tiết thay đổi cần giảm lượng thức ăn hoặc ngừng cho cá ăn 1 ngày và trong thời gian này nên cho ăn thêm thuốc phòng bệnh nhiễm khuẩn như Oxytetracine với lượng 3g/kg thức ăn trộn vào thức ăn cho ăn liên tục trong 3 - 5 ngày. Khi thấy cá có dấu hiệu bị bệnh dùng với liều lượng 5g/kg thức ăn trộn vào thức ăn cho cá ăn 2 lần/ngày và cho ăn liên tục trong 5 - 7 ngày.

4. Một số bệnh thường gặp và cách phòng trị

* Phòng bệnh: Để cá sinh trưởng và phát triển tốt thì phòng bệnh cho cá là điều cần thiết.

+  Cho cá ăn đầy đủ, không dư thừa thức ăn, thức ăn đảm bảo vệ sinh.

+ Giữ môi trường nước ao luôn sạch, không bị ô nhiễm.

+ Nên trộn vitamin vào thức ăn (theo hướng dẫn của nhà sản xuất) trong suốt thời gian nuôi để tăng cường sức khỏe cho cá.

+ Định kỳ 1 - 2 lần/ tháng bón vôi với lượng 1 - 2kg/100m3 hoặc sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý ao nuôi.

* Một số bệnh thường gặp và cách phòng trị

- Viêm ruột xuất huyết: Do ăn phải thức ăn kém phẩm chất sau nhiễm khuẩn gây viêm và xuất huyết ruột. Để hạn chế thiệt hại dừng ngay thức ăn đang sử dụng, thường xuyên kiểm tra thức ăn, tránh cho ăn thừa thức ăn và tránh thức ăn nhiễm nấm mốc, thức ăn có chất lượng kém.

- Bệnh đốm đỏ: Cá bị bệnh giảm ăn, dừng ăn, trên thân có biểu hiện tuột vảy, xuất huyết gốc vây, xuất huyết lỗ hậu môn, cơ thể cá chuyển màu tối, cá bơi lờ đờ quanh bờ.

Khi cá bị bệnh viêm ruột xuất huyết và bệnh đốm đỏ có thể dùng kháng sinh Oxytetracine trộn thức ăn cho cá ăn với liều 5g/kg thức ăn, cho cá ăn 2 lần/ngày và cho cá ăn liên tục trong 7 ngày, ngoài ra bổ sung thêm vitamin (theo hướng dẫn của nhà sản xuất) vào thức ăn cho cá ăn.

- Hiện tượng cá chết ngạt do thiếu ôxy: Cá Trắm đen khi nuôi thương phẩm rất nhậy cảm với thay đổi thời tiết, mỗi khi thay đổi thời tiết cá thường giảm ăn sau đó bỏ ăn, gây dư thừa thức ăn làm thức ăn phân hủy trong ao gây thiếu khí và khí độc nhiều gây chết ngạt cho cá nuôi. Khi nuôi cần xử lý môi trường ao nuôi bằng các chế phẩm sinh học thường xuyên và kịp thời cung cấp ô xy và nước sạch khi cần thiết.

5. Thu hoạch

Sau thời gian nuôi 12 - 15 tháng cá đạt kích cỡ từ <2,5kg/con tiến hành thu tỉa để giảm mật độ.

Trước khi thu hoạch 2 - 3 ngày cho cá giảm ăn rồi dừng ăn để tránh gây sốc cho cá trong khi thu hoạch, vận chuyển và lưu giữ cá. Cá thu hoạch cần đánh bắt nhẹ nhàng, nhanh để tránh gây xây sát sẽ giảm giá trị.

 

53922-ntm.002793_ky-thuat-nuoi-ca-tram-den-trong-ao-dat.pdf